Trước khi xem xét một yếu tố tác động cụ thể ta điểm qua các yếu tố ảnh hưởng đến cung: Đó là giá của chính hàng hóa, công nghệ sản xuất, giá của các yếu tố đầu vào, chính sách thuế, số lượng người sản xuất, kỳ vọng.
- Giá của chính hàng hóa bán ra (PX)
Theo luật cung: khi giá của hàng hóa hay dịch vụ bán ra tăng lên thì số lượng hàng hoá hoặc dịch vụ được cung trên thị trường tăng lên trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.
Giá là một yếu tố quyết định lượng cung. Giá bán của hàng hóa hoặc dịch vụ cao sẽ làm cho việc bán sản phẩm có lãi và vì vậy lượng cung sẽ lớn. Là người sản xuất hàng hóa đó bạn sẽ làm việc nhiều hơn, mua nhiều máy móc và thuê nhiều công nhân hơn. Ngược lại, khi giá hàng hoá hoặc dịch vụ đó thấp việc kinh doanh của bạn có lợi nhuận kém hơn và lúc đó bạn sản xuất ít hàng hóa đi. Khi giá cả thấp hơn nữa, bạn có thể quyết định ngừng kinh doanh hoàn toàn và lượng cung của bạn giảm xuống tới không.
Ví dụ: Khi giá bánh mì tăng cao trong các điều kiện các yếu tố khác tác động
đến cung bánh mì là không đổi, lúc này việc bán bánh mì sẽ có lãi cao bởi vậy mà các nhà sản xuất sẽ sản xuất nhiều hơn, lượng cung bánh mì sẽ tăng lên.
- Công nghệ sản xuất (C)
+ Công nghệ để chuyển các đầu vào thành sản phẩm là một yếu tố khác quyết định cung. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hoá sản xuất ra. Công nghệ sản xuất tiên tiến bao nhiêu thì chi phí đầu vào càng giảm, tiết kiệm được thời gian và nguồn lực. Do đó, năng suất lao động tăng lên, hàng hoá được sản xuất ra nhiều hơn do đó đường cung sẽ dịch chuyển sang phải (lượng cung tăng) vì các nhà sản xuất có khả năng cung ứng nhiều hơn ở mỗi mức giá, vì vậy lợi nhuận thu được cũng tăng lên.
Ví dụ: Để may một chiếc áo. Nếu may bằng tay thì phải mất 8h mới xong, còn làm bằng máy chỉ mất có 2h, như vậy có thể tiết kiệm được 6h để may thêm được 3 chiếc áo nữa.
- Giá cả của yếu tố đầu vào (Pi)
Giá cả của các yếu tố đầu vào tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và do đó ảnh hưởng đến lượng hàng hoá mà các hãng muốn bán. Nếu như giá của các yếu tố đầu vào giảm sẽ làm cho chi phí sản xuất sẽ giảm và vì vậy hãng sẽ muốn cung nhiều hơn vì lợi nhuận sẽ cao hơn. Còn khi giá các yếu tố đầu vào tăng lên, chi phí sản xuất sẽ tăng vì vậy việc sản xuất này ít có lãi hơn, đến khi giá đầu vào tăng mạnh, bạn có thể quyết định đóng cửa doanh nghiệp và không cung ứng sản phẩm nữa vì lúc này lợi nhuận bằng không hoặc nhỏ hơn không (tức là lỗ).
- Số lượng người sản xuất (NS)
Số lượng người sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hóa được bán ra trong thị trường. Càng nhiều nhà sản xuất thì lượng hàng hóa bán ra trên thị trường càng nhiều và ngược lại khi nhà sản xuất ít đi thì số lượng hàng hóa bán ra trên thị trường cũng giảm đi.
- Chính sách của nhà nước (T)
+ Chính sách tài chính: thuế và lãi vay; Chính sách này của Chính phủ có ảnh hưởng quan trọng đến quyết định sản xuất của hãng, do đó ảnh hưởng đến việc cung sản phẩm. Mức thuế và lãi vay cao sẽ làm cho phần thu nhập còn lại của người sản xuất ít đi bởi đối với các nhà sản xuất thuế và lãi vay là chi phí vì vậy họ sẽ không có ý muốn cung hàng hoá nữa, và ngược lại mức thuế và lãi vay thấp sẽ khuyến khích các hãng mở rộng sản xuất của mình.
Ví dụ: Thuế thu nhập của Mỹ trong chiến tranh thế giới hai thuế thu nhập
94%, sau 1965 còn 70% đến đời tổng thống Bill Clintơn: giảm còn 40%). Việt Nam những người có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng đến 15 triệu đồng/tháng thì phải chịu mức thuế suất là 10%, số thuế phải nộp = 0 + 10% số thu nhập vượt quá
5 triệu đồng, 15 – 25 triệu đồng thuế suất là 20%, từ 25 – 40 triệu đồng thuế suất 30%, trên 40 triệu đồng thuế suất là 40% và số thuế phải nộp tính tương tự trong trường hợp thu nhập từ 5 – 15 triệu đồng.
+ Trợ cấp hoặc miễn thuế: đây là chính sách của nhà nước nhằm khuyến khích các nhà sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, bởi vậy mà làm cho lượng cung hàng hoá hoặc dịch vụ sẽ tăng lên đường cung sẽ dịch chuyển sang phải (tăng cung).
+ Chính sách của Nhà nước về xã hội và môi trường: Những quy định của nhà nước về vấn đề xã hội và môi trường thường áp đặt các chi phí cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ phải hạn chế sử dụng tài nguyên... dẫn đến lượng cung hàng hoá trên thị trường giảm, đường cung dịch chuyển sang trái (giảm cung).
- Các kỳ vọng (E)
Sự mong đợi về sự thay đổi giá cả hàng hóa, giá của các yếu tố sản xuất, chính sách thuế đều có ảnh hưởng đến cung hàng hoá. Nếu các kỳ vọng thuận lợi đối với nhà sản xuất thì cung sẽ mở rộng và ngược lại, nếu các kỳ vọng không thuận đối với sản xuất thì cung sẽ bị thu hẹp và lượng cung sẽ giảm.
Như vậy, chúng ta có thể tóm tắt các nhân tố ảnh hưởng đến cung dưới dạng toán học như sau: QXS = g(PX, C, Pi N, T, E)
Trong đó:
QXS: Lượng cung hàng hóa X Px: Giá của hàng hóa X C: Công nghệ
Pi: Giá của các yếu tố đầu vào N: Số lượng nhà sản xuất T: Chính sách của nhà nước
E: Các kỳ vọng