Đặc điểm của kịch thơ

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 78 - 80)

“Kịch thơ là một thể loại trong loại hình văn học kịch, đòi hỏi lời thoại dùng thơ thay cho ngôn ngữ thông thường. Sử dụng lời thơ có vần, kịch thơ lấy vần làm một trong những phương tiện nối liền các đường dây đối thoại và độc thoại, thậm chí cả những lời hậu đài trên sân khấu”. Sử dụng lời thơ có ngắt nhịp khi trình diễn, kịch thơ lấy nhịp ngắt và âm vực cao thấp của giọng đọc thơ để bộc lộ khả năng diễn cảm. Cảm hứng của ngôn ngữ kịch thơ hướng về những lời thơ réo rắt hay trầm hùng, vừa gây được tính kịch vừa thỏa mãn khoái cảm của sự cảm thụ chất thơ trong ngôn từ. Tính kịch của kịch thơ thể hiện ở việc tạo ra độ căng trong tâm lý khán giả nhờ vào sự phối hợp khéo léo giữ việc dồn nén xung đột nội tâm của nhân vật với một vang hưởng thơ bật ra đứng lúc. Vì thế kịch thơ phù hợp với loại hình kịch lãng mạn và kịch hiện thực tâm lý hơn. Đề tài của của kịch thơ là những biến cố lịch sử éo le, những câu chuyện tình yêu gay cấn, những giằng xé giữa tình và hiếu, hay giữa cảnh ngộ trớ trêu của người tráng sĩ và tình thế non sông xã tắc lâm nguy” [25; 741-742].

Về quá trình phát triển, Theo Lê Thanh, người khởi xướng ra lối viết kịch bằng thơ là thi sĩ Huy Thông với những tập Anh Nga, Tiếng địch sông Ô (1935). Kịch thơ được kết cấu theo những vai kịch nhưng lại chỉ dùng để ngâm chứ không để diễn. Theo Lê Thanh: “ những bản kịch này viết theo một thể khó quá, nên không ai đem diễn cả”. Tuy vậy, nó đã có ảnh hưởng và đã vạch cái lối đi cho những nhà viết kịch sau này. Sau hai vở Anh nga

và Tiếng địch sông Ô là sự xuất hiện của các vở Huyền Trân công chúa

(1935) của Nguyễn Nhược Pháp, Hận Nam Quan (viết 1937, in 1944) của Hoàng Cầm, Trần Can (1940) và Lý Chiêu Hoàng (1940) của Phan Khắc Khoan. Thế hệ thứ hai của phong trào kịch thơ Việt Nam là thế hệ từ đầu

những năm 1940 cho đến Cách mạng tháng Tám với sự xuất hiện của các tác phẩm Quán biên thuỳ (1943) của Thao Thao, Vân muội (1943) của Vũ Hoàng Chương, Bóng giai nhân (1942) của Nguyễn Bính, Trương Chi (1944) của Vũ Hoàng Chương đều là những vở kịch có giá trị.

Những tác phẩm kịch thơ ở giai đoạn khởi đầu được kết cấu theo những vai kịch nhưng lại chỉ dùng để ngâm chứ không để diễn. Tuy nhiên, nó có thể xem là bước tiếp nối, từ tìm tòi đến định hình thể loại. Trong giai đoạn mở đầu này các vở kịch bộc lộ rõ dấu vết của sự minh họa các bài Thơ mới và ảnh hưởng đậm nét của trào lưu lãng mạn chủ nghĩa được thể hiện cả ở mặt đề tài. Phần lớn các cốt truyện không vượt ra ngoài các câu chuyện lịch sử xoay quanh những mối hận, mối bi tình. Từ Huy Thông cho đến Phan Khắc Khoan, việc thể nghiệm lựa chọn thể thơ cho kịch thơ đã đạt nhiều kết quả.

Nội dung của kịch thơ có thể xem là kết quả của thái độ gián tiếp thể hiện lòng yêu nước và tinh thần dân tộc qua lăng kính lịch sử, qua ý thức tôn sùng, đề cao nghĩa khí của các cá nhân gắn liền với các sự kiện lịch sử.

Về hình thức, hầu như không có thể thơ nào hợp hơn với kịch thơ bằng thể thơ 8 chữ, một thể thơ được các nhà Thơ mới cải tạo lại từ thể cổ phong trường thiên. Theo Lê Thanh: “Từ khi có phong trào thơ mới, ta thêm được lối thơ tám chữ đọc hay ngâm lên không mềm yếu và buồn tẻ như những thơ lục bát hoặc lục bát gián thất của ta; lối thơ tám chữ ấy rất thích hợp cho thơ kịch”. Cũng nói về hình thức kịch thơ, sau này Phạm Thế Ngũ viết: “Điệu tám chữ giúp cho sự thuật tả tư tưởng được dồi dào”. Vì vậy, ta có thể nói rằng nếu kịch thơ phát triển được là nhờ có lối thơ tám chữ, hay nói rộng ra thơ mới vậy” [6; 610]. Với thể thơ này, cả vở kịch thơ trở thành một bài kịch thơ dài được chia thành nhiều khúc do sự đổi vai, và mỗi khúc lại có thể tùy theo tình huống kịch mà thay đổi tiết tấu bằng những nhịp ngắt đa dạng: 4/4, 2/6, 6/2, hoặc 1/3/4, 2/2/4v.v.. và bằng cả âm điệu lên bổng xuống trầm do tài năng ứng diễn. Đến thế hệ thứ hai của kịch

thơ với các tên tuổi như Thế Lữ, Yến Lan, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Phan Khắc Khoan…Yêu cầu tìm tòi về hình thức không còn đặt ra gay gắt. Sự hòa hợp giữa hình thức kịch và ngôn ngữ thơ được đẩy tới một bước rất cao, kịch tính nổi bật và lời thơ óng chuốt, điêu luyện hơn, dung lượng kịch được mở rộng hơn.

Về mặt đề tài, ở thế hệ đầu tiên, kịch thơ đều mang đề tài lịch sử, đến thế hệ thứ hai, bên cạnh đề tài hận tình hay bi tình, đề tài này vẫn còn sức hút rất mạnh. Tuy nhiên đến giai đoạn sau, một nguồn kích thích mới cũng làm cho kịch thơ có sự chuyển hướng, đó là những cuộc vận động cứu nước âm ỷ, không khí những năm tiền cách mạng, những tin tức về cách mạng…Tất cả đã tạo nên chất men say, đưa kịch thơ đi sâu vào những cốt truyện lịch sử với đề tài anh hùng cứu nước [25; 742-743].

Có thể nói ảnh hưởng lớn nhất về tư tưởng nghệ thuật cũng như bút pháp sáng tạo kịch thơ thời kỳ này là chủ nghĩa lãng mạn, trong đó phải kể đến trước nhất là Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn. Đó là một hiện tượng gần như không lặp lại trong lịch sử văn học hiện đại.

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 78 - 80)