Tập thơ Tiếng thu ra đời năm 1939, là tập thơ đầu tay của Lưu Trọng Lư, gồm 52 bài, sử dụng thể thơ truyền thống và thơ tự do.
Trong Tiếng thu, Lưu Trọng Lư đã dựng nên một thế giới của mộng tưởng. Màu sắc đường nét của khung cảnh thiên nhiên cho đến con người đều khá mơ hồ, không xác định trong không gian và thời gian hiện thực mà bàng bạc trong màn sương mờ ảo của mộng tưởng của kỷ niệm. Con người trữ tình trong thơ Lưu Trọng Lư dường như rất ít mối liên hệ với thực tại, mất khả năng nhận thức cuộc sống hiện thực mà chỉ sống trong thế giới ảo mộng. Đó là những giấc mộng giang hồ trong cảnh thiên nhiên xa lạ, trên con thuyền phiêu bồng hay trên mình ngựa tưởng tượng đến những chốn xa xôi không phải ở thế giới hiện thực, những vườn đào, suối mây, bến thần tiên (Hôm qua, Túp lều cũ, Giang hồ, Thuyền mộng, Xin rước cô em..).Gắn liền với cuộc sống thoát ly vào thiên nhiên là những giấc mộng tình ái, say sưa nhưng cũng thường mơ hồ và chóng tàn phai, để lại dư vị bâng khuâng buồn hiu hắt (Một chút tình, Tình điên, Còn chi nữa, Một mùa đông...).Tâm hồn ấy tuy chân thành nhưng không gắn bó với cái gì thiết tha lâu dài, chỉ biết buông mình vào mơ mộng, giang hồ và phóng lãng, trong một mối sầu ngày càng trĩu nặng. Nhưng đó cũng là một tâm hồn có những rung cảm tinh tế trước những biến thái của thiên nhiên và lòng người, lắng nghe được tiếng xào xạc của mùa thu qua bước chân Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên
lá vàng khô và tiếng thổn thức của ánh trăng mờ (Tiếng thu), cảm nghe
được nỗi buồn mênh mang qua tiếng gà trưa gáy não nùng gợi về những kỷ niệm của tuổi thơ và người mẹ (Nắng mới). Tâm hồn ấy nhạy cảm trước những đau xót buồn tủi của cuộc đời người phụ nữ-nhất là về tình duyên, hạnh phúc (Chị em, Xuân về, Hoa bên đường…).
Lưu Trọng Lư thuộc thế hệ mở đầu của phong trào Thơ mới, Tiếng thu tuy mang những ảnh hưởng của thơ lãng mạn Pháp, nhưng vẫn còn
nhiều dáng dấp của thơ ca truyền thống, nhất là trong hình ảnh và ngôn ngữ. Thơ ông, không thật trau chuốt về nghệ thuật, nhưng tự nhiên và giàu nhạc điệu, lại khá thơ mộng, nên được công chúng đương thời hoan nghênh.