Về công trình Thi nhân Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 91)

Thi nhân Việt Nam (1942), của Hoài Thanh và Hoài Chân, là một

công trình phê bình Thơ mới. Tác phẩm gồm hơn 400 trang, chia làm ba phần, phần mở đầu tác giả đã dành riêng 55 trang để nói về Một thời đại trong thi ca, phần thứ hai là trích dẫn thơ của 45 tác gỉa được chọn lựa cùng một số ý kiến nhận xét của các tác giả về các tác giả và tác phẩm đó, phần sau cùng là phần Nhỏ to của tác giả.

Ở phần thứ nhất, tác giả đã nêu ra những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự hình thành của một nền thi ca mới. Những nguyên nhân đó không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo và sự phát triển của nền văn học nước nhà mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện khác như chính trị, văn hoá kinh tế, xã hội…Về nguyên nhân tan rã của thơ cũ, Hoài Thanh cho rằng chế độ thơ cũ hình thành trong tư tưởng Nho giáo đã bị luồng gió mới từ phương Tây thổi tới, làm biến đổi cả cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.

Về sự hình thành và phát triển của một Thơ mới, các tác giả viết: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy”. Thơ mới ra đời đáp ứng nhu cầu đổi mới của con người, thời đại. Trong bài khảo luận Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã “Đi tìm nguồn gốc cuả thơ mới”, “đi tìm những nguyên nhân”, cùng “những triệu chứng của phong trào thơ mới”. Ông chỉ ra “Đã lâu người mình làm thơ hầu hết chỉ làm những bài tám câu, mỗi câu bảy chữ để phục vụ cho thơ cũ”. Nhưng đáng kể nhất là “ngày 10 tháng 3 năm 1932, một cuộc cách mệnh thi ca đã nhóm dậy. Lần đầu tiên, trong thành trì thơ cũ đã hiện ra một lỗ hổng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận, giới thiệu bài thơ mới Tình già” [47;21], từ đấy, “những bài thơ mới lần lượt được đưa lên mặt báo”, “báo chí đua nhau đăng thơ mới”, “và những bài thơ ấy, nhất là những bài của Thế Lữ không trống không kèn đã bênh vực một cách vững vàng cho thơ mới” [47; 23].

Một thời đại trong thi ca là một chuyên luận rất có giá trị đã tổng kết được một cuộc cách mạng trong thi ca, nhất là sự chuyển biến từ hệ tư

tưởng phong kiến sang hệ tư tưởng tư sản, từ cái ta của văn học trung đại sang cái tôi của văn học hiện đại, đồng thời cũng nêu lên được sự hội nhập của thơ ca dân tộc với thơ ca nhân loại.

Hoài Thanh đã miêu tả lại cuộc đấu tranh giữa hai lớp người đại diện cho thơ cũ và Thơ mới. Các nhà bênh vực cho thơ cũ thì công kích những nhược điểm mà các sáng tác thơ mới khó tránh khỏi trong những bước đi ban đầu. Còn các nhà thơ mới thì ra sức công kích, chế giễu, miệt thị thơ cũ một cách vô lối. Đáng chú ý nhất chính là tư tưởng của các nhà thơ mới. Phan Khôi muốn “đem ý có thật trong tâm khảm tả ra bằng những câu có vần mà không phải bó buộc bởi niêm luật gì hết”. Đến năm 1936 thì thơ mới đã thắng lợi và Lê Tràng Kiều đã khẳng định: “Từ bây giờ lịch sử chỉ còn ghi lại những áng thơ hay mà thôi, không còn chia rẽ mới , cũ nữa”.

Ở phần thứ hai của Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” [47; 390]. “Không chỉ hiểu mà còn say theo hồn người. 169 bài thơ của 46 tác giả có mặt trong Thi nhân Việt Nam như hòa với giọng bình của tác giả để hát lên bài ca sầu não, mộng mơ, vui vội, buồn sâu, đau đớn, ngơ ngác trước cuộc đời”. Ông đã khám phá được phong cách độc đáo của từng tác giả qua từng trang viết, Hoài Thanh thực sự là một người bình thơ tài hoa, một nghệ sĩ trong phê bình văn học.

Trong phần Nhỏ to, Hoài Thanh tâm sự với người đọc về cách biên soạn, và phương pháp phê bình của ông trong Thi nhân Việt Nam. Hoài Thanh không chủ trương khen - chê và cũng không phê phán một người nào quá gay gắt. Ông đưa ra quan điểm: “Đặc sắc của mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn. Cho nên gặp thơ hay, tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, “thực tình tôi chẳng muốn chê ai mà chẳng muốn khen ai. Tôi chỉ muốn hiểu cho đúng không phải cho đủ-hình sắc các hồn thơ” [47;373]. Ở phần này, tác giả còn phân tích những ảnh hưởng của thơ ngoại quốc tác động đến thi nhân Việt Nam, để căn cứ vào đó đã sắp xếp họ theo từng khuynh hướng. Đọc những bài viết của

Hoài Thanh, người đọc thấy ông đã thổi hồn mình vào trong từng trang viết. Thi nhân Việt Nam thực sự là khúc tuyệt xướng của một thời đại thi ca, là sự khẳng định một nền thơ hoàn toàn Việt hóa, mang hồn buồn vui người thời đại”[13;708].

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 89 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w