Về tiếng và số tiếng trong thơ tự do, Lê Thanh cho rằng: “Phần tiếng đọc được gọi là chân thơ”, ông đồng thời chỉ ra sự không chắc chắn của cách tính chân thơ và khẳng định: “Cái chân đáng kể trong câu thơ là "chân điệu". Một chân điệu thơ là một hay nhiều tiếng chân tiếng hợp lại, chân ấy có thể gây nên nhiều tiếng nhạc hợp với nhau để gây nên một điệu nhạc. và cần phải đủ nghĩa để người ta có thể ngừng đọc lại được. Lê Thanh cũng đồng thời cho rằng: “một câu thơ tự do phải là một bản đàn có thể đứng độc lập. Nó có thể không phụ thuộc vào các âm điệu khác và đã có một giá trị, một ý nghĩa về âm nhạc”.
Về ý nghĩa trong câu thơ của thơ tự do, Lê Thanh cho rằng: “Luật thơ cổ điển không cho một ý thơ đi từ câu trên xuống câu dưới; hết một câu là người ta có thể ngừng đọc mà có đủ ý. Đến thời kỳ văn thơ lãng mạn phát triển, luật ấy không được trọng nữa. Người ta làm những câu thơ ngắn dài tùy theo ý định trước, nhưng hễ gặp vần và đủ số tiếng đã định thì cứ thế xuống dòng nghĩa là ngắt câu tuy rằng ý thơ chưa hết. Một câu thơ tự do phải là một câu ngắn đủ ý nghĩa” [6; 23].
Về âm nhạc, Lê Thanh cho rằng: “một câu thơ tự do phải là một bản đàn có thể đứng độc lập. Nó có thể không phụ thuộc vào các âm điệu khác và đã có một giá trị, một ý nghĩa về âm nhạc”.
Về thị giác, theo Lê Thanh: “Một câu thơ tự do cũng phải là một bức tranh có đủ ý nghĩa. Đọc câu thơ, nghĩa là nhìn vào bức tranh, người ta có thể ngừng không phải đưa mắt đi một nơi khác mà cũng có sự bằng lòng vì đã được thấy một cái gì có ý nghĩa”
Về cách gieo vần, Lê Thanh cho rằng: “ Người ta tha thứ cho sự ép vần và cho phép dùng làm vần những tiếng âm khác nhau”, “trong một bài thơ không cần quan tâm đến vần, có càng hay, không cũng được, miễn là thể nào cho thơ có âm điệu thì thôi”[6; 26].
Lê Thanh phân biệt vần thơ mới và vần trong từ khúc như sau: “Nguời ta nói rằng thơ mới là từ khúc. Đọc và xét kỹ những bài từ khúc, ta nhận thấy những đặc sắc về cách gieo vần của thể thơ này: Vần liền, vần cách tuỳ ý, số chữ không nhất định, điệu tự mình đặt. Với bấy nhiêu đặc sắc về hình thức, ta đã có thể liệt từ khúc vào thơ tự do và nói rằng thơ tự do chỉ là từ khúc. Sự nhận xét ấy tuy cũng xác đáng, nhưng chỉ xác đáng trong phạm vi của nó. Như tôi đã nói trên, những đặc sắc về hình thức chỉ là những đặc sắc phụ. Còn bao nhiêu đặc sắc khác can hệ hơn nó phân biệt từ khúc là từ khúc mà thơ tự do là thơ tự do [6; 27].
Sau này Từ điển văn học khẳng định: “Thơ tự do không bị ràng buộc vào những quy tắc định trước nào như thơ cách luật, Mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra từng khổ. Số dòng trong khổ thơ không nhất định. Số chữ trong từng dòng có thể nhiều ít khác nhau. Cách gieo vần cũng rất linh hoạt, không nhất thiết dòng nào cũng hiệp vần. Nói chung thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không theo một thể thức nhất định” [25; 1692].
Thơ tự do là sự phản kháng đối với thơ niêm luật, là biểu hiện của sự tìm tòi khám phá nhịp điệu thời đại và giọng điệu của nhà thơ hiện đại. Thuộc tính của thơ tự do biểu hiện qua mọi bình diện, từ cảm xúc đến tư duy, từ hình tượng đến cấu tứ, từ nhịp diệu đến giọng điệu. Chính khí chất, cá tính của nhà thơ qui định thái độ lựa chọn phương thức thể hiện của thơ ca.
Thơ tự do ra đời từ nhu cầu phản ánh những khía cạnh mới của cuộc sống, từ những cách nhìn mới của nghệ sĩ: câu thơ được mở rộng hơn để tiếp nhận một dung lượng cuộc sống thực tế lớn hơn. Chất suy luận cũng nhiều hơn để phân tích, soi sáng những hiện tượng, những tình cảm của cuộc đời phức tạp. Vốn từ ngữ của đời sống hàng ngày được đưa vào thơ… Tất cả những điều ấy buộc nhà thơ phải tháo gỡ cấu trúc câu thơ cách luật sẵn có, tìm ra những hình thức thơ mới thích hợp hơn, tự do hơn. Thơ tự do mang tính sáng tạo có lợi cho sư phát triển của thơ, vì nó luôn luôn tìm tòi những hình thức phong phú đa dạng để thể hiện trung thành nhất những rung động chân thật, mang bản sắc riêng biệt của nhà thơ.
Trong lịch sử văn học, sự nảy sinh và phát triển thơ tự do thường gắn liền với những chuyển biến lớn về ý thức, về tâm lý, với nhu cầu làm cho thơ đi sát cuộc sống hơn nữa. Ở Việt Nam thơ tự do đã xuất hiện trong phong trào Thơ mới. Kể từ thời điểm ra đời cho đến nay, thơ tự do đã trở thành hình thức chủ yếu của thơ Việt Nam đương đại.