Tác phẩm thơ là sản phẩm tinh thần đặc biệt của nhà thơ. Có được sản phẩm tinh thần đặc biệt ấy, chắc chắn phải trải qua quá trình diễn biến
tâm lý phức tạp của người cầm bút. Nhiều tác giả đã đề cập đến cảm hứng và tưởng tượng trong sáng tạo thơ ca và xem đó như những biểu hiện của phẩm chất nghệ sĩ.
Cảm hứng phản ánh trạng thái tâm hồn nhiều sắc điệu của thi nhân. Trong bài Phi Yến (1918-1939) với quan niệm thơ, Tố Phang viết: “Thi là tiếng nói của lòng, thi phải đi đôi với cảm xúc. Không ai ép lòng cảm động nếu không có căn do, cũng không ai làm thi, nếu lòng không lay động” [6; 591]. Cảm xúc được xem là nhân tố khơi nguồn cho nhà thơ sáng tạo thơ. Sau này, Từ điển thuật ngữ văn học cũng nhấn mạnh: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”. Nhà thơ Xuân Diệu cũng từng coi yếu tố cảm xúc là đặc điểm nổi bật của nhà thơ.
Các ý kiến này đều khẳng định, trong sáng tạo, nhà thơ là người có nguồn cảm xúc dồi dào. Tất nhiên người thường cũng có cảm xúc, song nếu xét về mức độ thì nhà thơ là người cực kỳ nhạy cảm và đa cảm, là người có thể nghe thấy những rung động tinh tế của vạn vật. Bởi vì mang trong lòng nhiều cảm xúc, tình cảm, nên nhà thơ cũng rất dễ xúc động. Họ khác với người cùng cảnh sống chung quanh. Nguyễn Trãi trong bài Hí đề
có nêu lên vấn đề này: Trong đáy mắt một lúc nguồn thi liệu dồi dào/ Nhà
thơ với người đời, ai có nhiều hơn ai?. Con người bình thường cũng có thể
cảm xúc trước phong cảnh hữu tình, song với nhà thơ cảm xúc đó dồi dào hơn.
Các nhà thơ trung đại mới chỉ dừng lại ở sự phát hiện tinh tế những điều mà người thường không nhận ra ở cảnh. Nhưng đến Thơ mới, thi nhân không chỉ nhận thức được sức mạnh của mình là ở cảm xúc mà còn sẵn sàng sống trọn vẹn, sống tận cùng cảm xúc của mình, không cần gượng giữ theo lối trung dung hay tiết dục như người xưa. Chính sự say đắm ấy làm cho mình trở thành phong phú và khi lắng nghe cảm xúc của mình thì còn
nghe cả những nỗi niềm của nhân loại [40; 168]. Bằng nhiều lối diễn đạt khác nhau, các ý kiến đều cho thấy cảm hứng đưa người nghệ sĩ tới sáng tạo cái đẹp.
Cùng với cảm hứng, vấn đề tưởng tượng cũng được nhiều ý kiến bàn luận. Trước đó, Phạm Quỳnh đã so sánh làm thơ với vẽ tranh: “Muốn làm bài thơ cũng vậy, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phảng phất tưởng tượng như thế”. Như vậy, tưởng tượng là nhân tố tạo nên những hình tượng nghệ thuật, tạo nên sự đồng điệu giữa nhà văn và bạn đọc, nối liền nghệ thuật với cuộc sống. Tưởng tượng là nhân tố tạo nên tầm vóc giá trị thơ ca. Chính trí tưởng tuợng của nhà thơ xác lập được các mối liên hệ sinh động giữa con người và cuộc sống, tạo nên những bức tranh nghệ thuật có sức sống riêng. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý đến tưởng tượng, thơ sẽ mất đi tình cảm chân thành. Điều này thấy trong lời Tố Phang khi phê bình thơ của Phi Yến: “Thơ Phi Yến có ít tình cảm chân thành mà trái lại rất giầu tưởng tượng”. Tố Phang chỉ ra nguyên nhân do thi sĩ chưa có sự trải nghiệm, vốn sống đang còn ít ỏi: “Từ nhỏ, sống bên cạnh mẹ cha, Phi Yến chỉ biết cái hơi ấm áp của ổ chim, chưa hề chịu lạnh lùng của mưa ngàn gió núi, chưa trải thân trong cát xám bụi hồng, chưa biết gây vết thương trong trái tim bạn ngọc, chưa hề lau giọt lụy trên đôi mắt người yêu”. Tấm lòng Phi Yến chưa trải qua những trận giông tố nên Phi Yến phải dùng sức tưởng tượng để cho trái tim hồi hộp mơ ước vì một vũ nữ hữu duyên (Lase-Tseng), đau thương âm thầm vì một khách qua đường thoáng gặp (Duyên bèo nước), tội nghiệp những nàng bạc phận vô duyên
(Đời trụy lạc), vơ vẩn ngậm ngùi theo những chuyện xưa tích cũ (Phượng
cầu hoàng, Từ Thức, Adam, Tiếng sáo Côn Linh). Tố Phang giả định: “Phải
chi thơ Phi Yến không bay phơn phớt theo cánh chim tương trái lại ước gì thơ của Phi Yến là lời lẽ chân thành của trái tim dồi dào cảm động thì thơ
của Phi Yến có lẽ đi đến mức rất cao xa nếu không đạt được chỗ hoàn thiện hoàn mỹ” [6; 591].
Từ quan sát cuộc sống đến lúc hình thành nên tác phẩm văn chương là cả quá trình sáng tạo nghệ thuật đặc biệt của người nghệ sĩ. Nếu cảm hứng được xem là yếu tố khơi nguồn sáng tạo, thì tưởng tượng chính là phẩm chất tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cảm hứng và tưởng tượng tạo nên chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Cảm hứng và tưởng tượng luôn gắn bó mật thiết với nhau trong quá trình sáng tạo. Nhiều cây bút ngày càng quan tâm tới vấn đề nguồn gốc và quá trình sáng tạo nghệ thuật mang tính đặc thù của người nghệ sĩ. Đó cũng là cơ sở để phân biệt thơ ca với các hình thái ý thức xã hội khác mà chúng tôi sẽ đề cập tới ở chương sau.