Hiện tượng thơ ca tôn giáo

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 46 - 48)

Ảnh hưởng qua lại giữa thơ ca và tôn giáo đã nảy sinh những hiện tượng thơ ca tôn giáo, tiêu biểu trong thơ ca trung đại là thơ Thiền thời Lý- Trần, tiêu biểu trong thơ ca hiện đại là thơ Hàn Mặc Tử. Mặc dù trên tạp

chí Tri Tân không có những chuyên luận bàn về những hiện tượng thơ ca

tôn giáo, các tác giả cũng không trực tiếp bàn luận về hiện tượng thơ này, nhưng đó đây, rải rác ở một số bài viết, những nhận định đã có ý nghĩa gợi mở. Chẳng hạn trong bài Tâm lý thi nhân Việt Nam, khi đi tìm hiểu tâm lý thi nhân trải qua các triều đại, Hoàng Thiếu Sơn viết: “Thi nhân đời Đinh, đời Tiền Lê, đời Lý là một nhà sư làm thơ. Ấy là thời kỳ oanh liệt của các tăng thống, các thái sư, các quốc sư, của Ngô Chân Lưu, của Đỗ Thuận, của Không Việt, của Viên Thông. Các tín đồ Thích Ca ngự trị cả làng thơ Việt Nam. Vì trong nước chỉ có họ là những kẻ đầu tiên biết đọc, biết viết. Giọng thơ của các thiền sư siêu nhiên thoát tục, phần nhiều diễn dịch những triết lý cao thượng của nhà Phật”. Hoàng Thiếu Sơn cũng khẳng định: “nhà Trần trị vì thiên hạ, tuy Phật giáo được suy tôn như một quốc giáo, các vua Trần là những tín đồ trung thành của cửa Thiền”. Thiền là phương pháp tu hành để đạt được mục đích cuối cùng là giải thoát, luôn coi trọng sự tĩnh tâm và hướng nội, lấy cái đơn sơ giản dị làm nền tảng, tiêu chí. Bằng con đường “dĩ tâm truyền tâm” để giác ngộ thấu đạt chân lí. Sử dụng những biểu tượng có sức ám gợi để chuyển tải thuyết lý Phật học. Đó

là “lối thơ cao siêu của Lý Đạo Tái, của Thái Tông, Nhân Tông đượm màu siêu thoát:

Phong dả tùng quan nguyệt chiếu minh, Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh. Cá trung tư vị vô nhân thức,

Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.

(Cửa thông soạt gió, sân đầy trăng, Với cảnh thanh thanh, dạ sạch lâng. Mùi mẽ bên trong ai kẻ biết,

Riêng vui đến sáng có sơn tăng).

Trong bài Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân,

Kiều Thanh Quế không đồng tình với xu hướng thơ ca tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Ông viết: “Trong số các nhà thơ có tên trong quyển Thi nhân

Việt Nam, tuy cũng có người đáng lẽ không nên liệt vào, và đọc họ bao

nhiêu lần tôi cũng không có được cảm giác nào rõ rệt cả, nhưng có hai thi sĩ làm tôi bực tức nhứt là: Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Cái chết của Hàn Mặc Tử đã ồn ào lắm. Và các nhà phê bình không phải đã khen thơ Hàn Mặc Tử một cách vu vơ... Nhưng nhà thơ ấy đã đưa ra một bài "Ave Maria" cũng đủ làm mất hết thiện cảm của tôi rồi. Tôi xin mời tất cả ai sáng suốt hiểu giùm tôi những câu này trong bài thơ quái dị ấy:

Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả, Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng, Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng, Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể Và Tổng Lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ, Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà. Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.v..v...

Những mái giáo đường hình vòng cung không sao có được vang bóng trong tâm hồn tôi, nó chỉ lấy dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản tôi mà cảm động trước cái mái chùa cổ cong vắt thôi. Đó là cảm tưởng của tôi sau khi đọc bài thơ quái dị trên của Hàn Mặc Tử” [6;186].

Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, ở phần viết về thi sĩ Hàn Mặc Tử, đã khẳng định: “Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mặc Tử. Tôi giám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới”.

Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, các hiện tượng thơ ca tôn giáo đương thời không phổ biến, nhưng sự xuất hiện của nó góp phần làm nên bản sắc riêng trong thơ ca dân tộc.

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 46 - 48)