Vai trò của kịch thơ

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 80 - 83)

Kịch thơ ra đời trong những năm Thơ mới ra đời và đạt được thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời đại những năm tiền cách mạng, thơ mới đã bộc lộ những hạn chế. Điều này được Lê Thanh nhận xét trong bài Kịch viết bằng thơ : “Từ trước đến nay người mình có cái quan niệm về thơ hẹp hòi quá; thi sĩ phần nhiều thuộc phái lãng mạn, hết hát gió than mây đến giãi bầy một vài sự nhớ nhung. Mà đáng buồn nhất là người mình không bao giờ muốn thoát khỏi cái khuôn sáo cũ; trong bài thơ phải có những tiếng "lạnh, buồn, mộng, chiều, xuân, gió, bướm, liễu...". Lê Thanh nêu vấn đề: “Trong vài năm nay chiến tranh bùng nổ khắp mọi nơi, hình như lúc nào và ai ai cũng níu chặt lấy sự sống; bây giờ không phải lúc để nhà thơ của ta đem những giăng gió, những nỗi nhớ nhung ra mà ca hát nữa; bây giờ là lúc mà nhà văn, nhà thơ phải đem sự nỗ lực của mình ra mà

phụng sự cho sự sống của mình”. Ông chỉ rõ: “nhà thơ muốn sống trong cái hoàn cảnh của mình mà không muốn tỏ rằng mình trái mùa nên phải tự mình bỏ bớt lãng mạn của mình; thơ ta, sản phẩm của những lề thói lãng mạn ấy cũng vì thế mà bớt xuất hiện trong cái trường sống ngày nay.

Qua việc phê bình và giới thiệu kịch thơ, Lê Thanh đã đặt ra vai trò của tác phẩm và trách nhiệm của người cầm bút: “Cái quan niệm văn chương cũng là hành động của văn nhân và thi sĩ phải thay đổi”. “Ngày nay văn chương, dù là thơ đi nữa, phải là một cái lợi khí làm sống lại cái tinh thần của dân tộc mình; tôi thiết tưởng không có phương pháp giáo hoá quần chúng nào mạnh bằng đem diễn những vở kịch trong ấy những tình cảm đẹp đẽ được tả bằng những lời hùng hồn”[6; 608-610].

Sau này Phạm Thế Ngũ nhận xét, lúc bấy giờ “lối kịch thơ ra đời, vừa cứu vớt kịch nói khỏi cái tẻ nhạt của câu nói thông thường, vừa thỏa mãn một nhu cầu xướng ngâm của người Việt nên rất được hoan nghênh”.

Lê Thanh chỉ ra tác dụng của thể loại này với thơ ca đương thời: “Kịch thơ lại có thể giúp ta ôn lại những đoạn lịch sử hoặc ta hoặc ngoại quốc. Về phương diện kịch thơ chẳng khác nào một khu chưa khai khẩn và rất giàu nguyên liệu trong cái rừng văn chương Việt Nam”. Lê Thanh mong muốn: “những nhà thơ Việt Nam trong buổi đầu hãy chỉ nên dùng những tài liệu ấy trong lịch sử của mình. Nếu các bạn muốn một gương tiết hạnh, có Nguyễn Thị Kim; muốn một gương anh hùng có Trần Quốc Tuấn... vội gì các bạn phải vượt khỏi biên giới đi tìm những chuyện đâu đâu.Với cái tích anh chàng Kim Kha sang nước Tần để giết cua Thuỷ Hoàng, dù các bạn có cái tài mô tả đến đâu, cũng không kích thích được chúng tôi bằng chuyện một viên tướng nhỏ quên mình vì nước đầy rẫy trong lịch sử của ta” [6; 610].

Trên đây, chúng tôi đã tìm hiểu một số thể tài và loại thơ đã được nghiên cứu, phê bình trên tạp chí Tri Tân. Thơ tự do được biết đến cùng với sự ra đời của thơ mới, mặc dù mang những đặc điểm chung giống Thơ mới

như phá bỏ mọi niêm luật của thơ cũ, gieo vần, ngắt câu…một cách linh hoạt, nhưng thơ tự do không hoàn toàn là Thơ mới, thơ tự do chỉ là một phần nhỏ của Thơ mới. Diễn ca lịch sử là chuyện kể lịch sử bằng hình thức thơ ca, mang đậm âm hưởng anh hùng ca, mặc dù không phải là anh hùng ca, nhưng lối diễn ca bằng lời giản dị, dân dã tự nhiên dưới hình thức thơ lục bát hoặc song thất lục bát lại phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam đương thời, và dễ đi vào lòng người, dễ thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ. Kịch thơ là thể loại ra đời cùng với sự phát triển rực rỡ của phong trào Thơ mới, sử dụng hình thức thơ tám chữ của thơ mới làm phương tiện biểu hiện một cách có hiệu quả. Với thể loại này, thơ có thể phản ánh hoàn cảnh tâm lý như kịch, trong hoàn cảnh sôi động của thời đại khi nó ra đời, kịch thơ đã có tác dụng vừa thõa mãn nhu cầu ngâm vịnh, vừa thể hiện những vấn đề trọng đại của quốc gia dân tộc.

Chương 4

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 80 - 83)