Luật thơ mớ

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 87 - 89)

Năm 1942, giữa lúc phong trào Thơ mới đang có nhiều thể nghiệm cách tân về mặt hình thức thơ ca và đi đến thất bại, trên tạp chí Tri Tân, tác giả Lam Giang đã cho ra mắt bài viết trình bày về Luật thơ mới và trình bày lý do, cách làm để tìm ra luật thơ. Chúng tôi xin lược nội dung bài viết như sau:

“Đã gần mười năm rồi, phong trào thơ mới do bạn thanh niên tận học khởi xướng và phong trào ấy ngày nay đã tràn khắp nơi. Ta có nhiều thi sĩ, và theo sách "Thi nhân Việt Nam” mới xuất bản, ta có đến 40! Tuy vậy, trong văn học Việt Nam không có một Malherbe, một Boileau nào cả, nghĩa là thi đàn ta không có một nhà "Lập thi pháp". Có nhiều thi sĩ xướng thuyết thơ điên, thơ huyền bí, thơ tôn giáo, thơ loạn...vv, nhưng lý thuyết không có cơ sở vững vàng, nên bị tiêu vong rất nhanh chóng. Những lý thuyết đó chỉ nói về nội dung thơ, chứ không nói về hình thức thơ. Về hình thức họ đã hô hào đánh đổ luật Đường, nhưng rốt cuộc luật Đường vẫn tồn tại. Phá hoại mà không kiến thiết: đó là một điều bất hợp lý. Tôi theo phong trào mới, và nhìn thấy khuyết điểm không quy tắc của thơ mới, tôi lập tâm thảo một qui luật cho thơ mới. Trước nhất, đọc rất nhiều thơ mới, để tìm những câu thơ có nhạc điệu du dương. Đó là thời kỳ sưu tập tài liệu. Thứ đến, dùng lý trí phân tích xem câu thơ này vì có những điều kiện gì mà nghe êm dịu, du dương. Công việc thứ ba là tìm những nguyên tắc căn bản của thi ca, và tìm ra luật. Muốn hợp lý luận học, trước nhất phải định nghĩa hay chính danh những chữ dùng vì không định nghĩa thì danh không chính nói không thuận, việc không thành”[6; 446]

Xuất phát từ lý do, muc đích và phương pháp, Lam Giang đã đưa ra định nghĩa về thơ : “Thơ, gợi được mỹ cảm gọi là thơ. Nhạc, âm thanh tiết tấu có qui tắc gọi là nhạc. Tánh chất cốt yếu của nhạc là hoà, hoà thì không thiên về cực đoan. Nguyên tắc căn bản: Ai nói thơ, tất nói nhạc luật. không có nhạc, không gọi là thơ. Nhạc là điều kiện cốt yếu của thơ vậy. Ai nói nhạc luật, tất nói quân bình. không có quân bình, tức là không có nhạc” [6; 447]

Nội dung luật Thơ mới được Lam Giang đề xuất được thể hiện trên ba phương diện là ngắt nhịp, vần và thể bình trắc.

Về ngắt nhịp, Lam Giang cho rằng: “Một câu thơ tám chữ có thể chia làm hai phần: phần thứ nhất 3 chữ, phần thứ hai 5 chữ; phần thứ nhứt 5 chữ, phần thứ hai 3 chữ; hoặc chia ba phần, phần thứ nhứt 3 chữ, phần thứ hai 2 chữ, phần thứ ba 3 chữ”.

Về vần, Lam Giang cho rằng: “Có thể gieo vần theo ba lối: liên vận, cách vận, đầu vĩ liên vận”.

Về thể bình trắc, Lam Giang khẳng định: “Câu thơ nào sau cùng có tiếng trắc thì mệnh danh là câu thơ trắc; câu thơ nào sau cùng có tiếng bình

thì mệnh danh là câu thơ bình. Trong một câu thơ trắc, chữ thứ ba, thứ tám trắc thì chữ thứ năm bình. Trong một câu thơ bình, chữ thứ ba thứ tám bình thì chữ thứ năm trắc” .

Để chứng minh cho luật mà mình đưa ra, ông trích dẫn ra hai đoạn thơ để đối chiếu, thể nghiệm (bài Tiêu vong) và đi đến kết luận :"Tôi không bảo luật tôi đề nghị đó là tuyệt đối, tôi chỉ nói luật đó là một phương tiện hoàn mỹ để làm thơ”[6; 447]. Có thể thấy, phương pháp cách làm và luật thơ mà Lam Giang đưa ra rất khoa học, là căn cứ vững chắc để các nhà thơ sáng tác thơ ca.

Phong trào thơ mới là một hiện tượng lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ XX, cùng với những thành tựu cách tân, thơ mới đã đưa thơ ca Việt Nam vào thời kỳ hiện đại, góp phần tạo nguồn và còn ảnh hưởng đến thơ ca hôm nay.

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 87 - 89)