Tài năng, nhân cách, vốn tri thức

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 36)

Hầu hết trong các sách báo đương thời đều nhấn mạnh đến tài năng của tác giả, xem đó là tiền đề sáng tạo của thi ca, Trong Nam thi hợp tuyển, Nguyễn Văn Ngọc cho rằng nhà thơ là người phải có “chân tài”. Trong

mục Nam âm thi thoại trên Nam Phong tạp chí, Phan Khôi cũng đã chú ý

tới yếu tố thiên bẩm của người làm thơ: “Không có thiên tài thì học cả đời cũng chẳng làm nghề nổi. Theo Phan Khôi, yếu tố tài năng sẽ định nên nghề nghiệp đặc biệt của nhà thơ, nhưng người làm thơ phải liên tục bồi đắp về kiến thức nghề nghiệp: “Cái nghề làm thơ không phải là nghề dễ mà ai cũng làm được. Tất nhiên là người có thiên tài, lại phải có học vấn, có luyện tập chày ngày rồi mới nên được một tay thi nhân”.

Tiếp tục câu chuyện về phẩm chất thi nhân, trên tạp chí Tri Tân, trong bài Nhà văn với nhà báo, học giả với nghệ sĩ, khác nhau thế nào? Hoa Bằng đã gọi cái chân tài, tài năng thiên bẩm của thi nhân là “sở năng” và đặt ra vấn đề cái sở năng ấy phải được phát triển một cách rộng lớn” phải “biết mở mang cái thiên tài thơ ca ấy”.Vì vậy, khi bàn về thơ, ông khẳng

định: “Thơ? Món đó đáng lẽ chỉ nên dành cho những thiên tài nào được phú bẩm dồi dào một tâm hồn thơ, có khiếu riêng về thơ, sở thích, sở trường về thơ”.

Cũng đề cập đến tài năng thiên bẩm thơ ca, Lê Thanh trong bài Ba

người thợ cần mẫn đã khẳng định: “Tản Đà là môt thi sĩ có chân tài”. Lê

Thanh đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục: “Cái thi năng ẩn núp trong ngòi bút bắt ông chú trọng về âm điệu. Ông là một cây đàn ngân phiếm. Khi ông nghiêm nghị chỉnh tề, ông gẩy thành các khúc nhạc đã đành, khi ông lơ đễnh vuốt phải sợi tơ, nó cũng nổi lên những điệu réo rắt”. Đánh giá thơ Tản Đà, Lê Thanh cho rằng: “Thơ của ông là chất thơ trong như lọc; với những cảnh tượng không rõ rệt, những hình ảnh mờ mờ, ông vẽ nên những bức tranh tuyệt bút; với những tư tưởng lâng lâng, với những cảm giác mơ màng, ông làm nên những câu thơ tuyệt mỹ (Tống biệtThề non nước)” [6; 145]. Đề cao tài năng của Tản Đà, Lê Thanh khẳng định: “ở những tạp chí, người ta có thể lấy thơ ra chất thành đống, nhưng ở đó chỉ là những cái xác không hồn, có đâu được những bài thơ, như thơ Tản Đà”. “Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của cái thế hệ ông, cái thế hệ những nhà nho sống vào buổi giao thời đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực đem ca hát cái đời sống của lòng. Ông đã mơ mộng, đã chán đời, thiết tha với đời một cách tự do. Ông dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái trữ tình mê man của mình giãi trong văn thơ. Ông đã dám sống một đời thi sĩ và đã dám có một tâm hồn thi sĩ. Thơ của ông là tiếng nói dịu dàng trong trẻo của nàng thơ Việt Nam, là tiếng dội của hầu hết các tâm hồn Việt Nam đang héo lá, đang chờ một thi sĩ cũng có tâm hồn như mình, và biết ca những mơ tưởng của mình”. Vì thế văn thơ của ông được đặc biệt hoan nghênh. Lê Thanh khẳng định công lao của Tản Đà là “xây cái nền móng thi ca”, điều này cũng đã từng được Hoa Bằng khẳng định: “công của ông là đẻ ra được mầm khuynh hướng lãng mạn trong thi ca” [6; 144-147].

Như vậy, bằng việc phân biệt vai trò của nhà văn, nhà báo, học giả và nghệ sĩ, ca ngợi, tán dương thi năng của Tản Đà, cả Hoa Bằng và Lê Thanh đã góp thêm những tiếng nói trên tạp chí Tri Tân khẳng định tài năng như một phẩm chất đặc thù của thi nhân. Điểm gặp gỡ giữa Lê Thanh, Hoa Bằng và các tác giả trước đó là đều khẳng định sáng tác thi ca phải có tài năng, đó là yếu tố thiên bẩm, là năng khiếu của một số người trong xã hội. Tài năng càng cao, càng độc đáo thì tác phẩm càng có giá trị.

Đầu thế kỷ XX, người ta cũng hay đề cập đến các vấn đề thuộc nhân cách của nhà thơ như đạo lí làm người, để hướng lương tâm trách nhiệm cuả họ tới những yêu cầu thực tiễn của xã hội và tương lai đất nước. Có thể thấy nội dung bàn luận trên qua những lời tâm huyết của Hoàng Thiếu Sơn trong Cải tạo tinh thần thơ ca: “Chúng ta, sau những cuộc viễn du đã rất giàu về những vật liệu tân thời. Đã đến lúc trở lại quê nhà đem ứng dụng các của lạ phương xa cùng những gia bảo chúng ta sẵn có. Chúng ta phải là những kẻ ra đi thâu thập vật hạng bốn phương trời đem về trùng tu ngôi đền tổ tiên dựng nên trải qua bao nhiêu thế kỷ và đã giao lại chúng ta thủ tự để thờ phụng hồn Đại Việt”. Hoàng Thiếu Sơn đồng tình với quan điểm của Hoài Thanh trong cách đề xuất cải tạo tinh thần thơ ca: “Di sản tinh thần của cha ông đại khái hãy còn nguyên vẹn. Tôi tin rằng nó có thể đưa sinh khí đến cho thơ và cứu các nhà thơ ra khỏi một tình thế chừng như lúng túng…Nếu các thi nhân ta đủ chân thành để thừa hưởng di sản xưa, nếu họ biết tìm đến thơ xưa với một tấm lòng trẻ, họ sẽ phát huy được những gì vĩnh viễn hơn, sâu sắc hơn mà bình dị hơn trong linh hồn nòi giống” [6; 388].

Phạm Mạnh Phan trong bài Đọc“Hương cố nhân”của Nguyễn Bính

cũng khẳng định vai trò trách nhiệm của nhà thơ: “Hỡi các thi nhân, người hãy nhận chân cái nhiệm vụ của thi nhân!. Người đừng đem cái thất vọng vô căn cứ làm tê liệt những hi vọng của đất nước. Người đừng ca tụng những thú vui nhục dục mê hồn mà chôn vùi nguồn sinh lực của nòi giống mê hồn mà chôn vùi nguồn sinh lực của giống nòi. Người hãy gieo rắc

bằng những vần điệu huyền ảo vào trong mọi người cái thú say sưa của một cuộc đắc thắng mãnh liệt giữa những cám dỗ đê hèn của đời sống vật chất, với những bổn phận thiêng liêng làm người, làm dân trong những giờ phút phục hưng này của gia đình, của đất nước. Người hãy là những đạo sĩ như điều mong ước của nhà đại thi hào Victor Huygo mà tìm một con đường sáng cho người đồng chủng” [6; 414-415].

Lê Thanh trong bài Kịch thơ cũng khẳng định của vai trò trách nhiệm của thi nhân trước yêu cầu của thời đại: “Bây giờ là lúc mà nhà văn, nhà thơ phải đem sự nỗ lực của mình ra mà phụng sự cho sự sống của mình”. “Ngày nay tình thế đã khác, cái quan niệm văn chương cũng là hành động của văn nhân và thi sĩ phải thay đổi”.Ngày nay văn chương - dù là thơ đi nữa - phải là một cái lợi khí làm sống lại cái tinh thần của dân tộc mình” [6; 609-610].

Thừa nhận vị trí của tài năng và nhân cách, nhiều tác giả còn cho thấy vốn tri thức của nhà thơ chi phối giá trị của thơ ca. Phê bình Hương cố

nhân của Nguyễn Bính, Phạm Mạnh Phan đã trích dẫn một số câu thơ và

nhận xét: “Nếu toàn tập có những câu như trên, thì với thời gian, với sự cố gắng, với sức rèn luyện tâm hồn trong trường đời, ông Nguyễn Bính sẽ có hi vọng trở nên một thi nhân nổi tiếng trong làng ngâm vịnh” [6; 414]. Như vậy, theo các tác giả này nhà thơ phải là người có sự thống nhất giữa năng khiếu nghệ thuật và vốn tri thức cùng kĩ năng kĩ xảo, mới có khả năng sáng tạo thi ca. Có được sản phẩm thơ hay phụ thuộc vào vốn văn hóa và phẩm chất sáng tạo của nhà thơ. Phan Khôi cho rằng: “Thơ ta ngày nay nhiều thì có nhiều mà hay thì không mấy hay. Có người nói ấy là tại công phu học vấn còn ít mà làm người không được đằm, thì cái tính tình lộ ra trong thơ như thế”.

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 33 - 36)