Thi nhân là những chứng nhân của lịch sử

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 48 - 50)

Bàn về quan hệ giữa thơ ca và lịch sử, Hoàng Thiếu Sơn trong bài

Lịch sử văn học của ta có quan hệ mật thiết đến sử ký nước ta đề cập đến

vai trò của thi nhân trong lịch sử: “Các văn nhân, thi nhân của chúng ta phần nhiều là những kẻ đã đóng những vai tuồng quan trọng trên sân khấu lịch sử Việt Nam”. Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông đã đưa ra một thống kê nhỏ: “Trong số trên hai trăm nhà văn, nhà thơ có để lại tên tuổi ít nhiều trong lịch sử văn học nước nhà, thì hơn một trăm năm mươi nhà đều là những huân thần hạc vọng, lúc sinh tiền đã cầm vận mệnh quốc gia, nhiều nhà là đại chính trị gia, nhiều nhà đã ra kinh bang tế thế, hai mươi vị đại tướng đã làm vẻ vang cho giống nòi, mười lăm bậc anh quân, thánh chúa, mười lăm bậc thiền sư siêu nhiên thoát tục, mười vị phu nhân đài các và thông minh, có cả một nhà tiên tri nhìn suốt tương lai qua mấy thế kỷ. Trong số ấy không có đến mười nhà Nho “ăn no, lại nằm”, không có duyên nợ với chốn trường ốc, và chỉ đóng một vai tuồng mờ ám trong lịch sử, phần nhiều đều sống về cuối thế kỷ thứ XIX. Thật là một sự có thể gọi là cổ kim hy hữu trong lịch sử văn học thế giới” [6; 333-334]. Hoàng Thiếu Sơn còn dẫn ra: “Abel Bonnard đã từng ngạc nhiên khi thấy phần nhiều các văn sĩ, thi sĩ Trung Hoa đều là các ông quan. Abel Bonnard sẽ ngạc nhiên đến đâu khi ông ta nghiên cứu đến tiếu sứ các nhà văn nhà thơ Việt Nam, vì ông ta sẽ nhận thấy các văn sĩ, thi sĩ của ta là một Trần Hưng Đạo, một Nguyễn Trãi, một Nguyễn Bỉnh Khiêm, một Thánh tôn” [6; 334].

Sự so sánh của Hoàng Thiếu Sơn trong bài Hùng tráng ca Việt Nam

và hùng tráng ca Âu tây đã khẳng định vị trí, vai trò của thi nhân Việt Nam

đối với lịch sử dân tộc: “Phần đông thi nhân ta đều là những vai chính đã đóng trò trong các thiên anh hùng ca của nòi giống. Còn gì quý giá hơn một thiên Enéide do chính Enée viết nên, một tập Iliade do chính Achille để lại. Vì Trần Hưng Đạo vương, vì Nguyễn Trãi không phải là Enée, là Achille của dân tộc Việt Nam là gì. Họ không phải chỉ là Achlle và Enée của dân tộc này, họ còn là Homère và Virgile của chúng ta nữa”. “Những thiên

hùng tráng ca chính họ viết nên để thuật lại sự nghiệp hiển hách của họ, đã "tìm đến tim ta, hun nóng nó lên, lay động cho nó xao xuyến". Đó là tâm, là huyết của ông cha để lại cho con cháu” [6; 384].

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 48 - 50)