4.1. Về phong trào Thơ mới
Thơ mới là một phong trào thơ Việt Nam hiện đại, xuất hiện từ 1932 và phát triển mạnh mẽ đến trước Cách mạng tháng Tám 1945. Chỉ trong hơn mười năm tồn tại, Thơ mới đã hình thành một đội ngũ sáng tác đông đảo, với nhiều phong cách sáng tạo độc đáo và một số lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó có nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao chất lượng, xứng đáng là mẫu mực thi ca của một thời. Với những cách tân trên nhiều phương diện, phong trào thơ này đã tạo một bước bứt phá nghệ thuật mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa, đưa thơ Việt Nam hòa nhập vào nền thơ thế giới.
Có thể nói, Thơ mới đã manh nha trong các sáng tác theo xu hướng cảm thương chủ nghĩa của Tản Đà, Đông Hồ, Tương Phố…, trước khi Tình già của Phan Khôi - tác phẩm được xem như bài Thơ mới đầu tiên - công bố trên báo Phụ nữ tân văn (số 122, 10/3/1932). Nhưng phải đợi đến sự xuất hiện của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp…, đặc biệt là những sáng tác của Thế Lữ (khoảng từ đầu năm 1933- 1934), phong trào này mới thực sự khẳng định vị trí của mình trong đời sống văn học lúc bấy giờ. Giữa những năm 30 của thế kỷ XX, Thơ mới tiếp tục phát triển đến đỉnh cao với những đại diện xuất sắc như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính và nhiều tác giả khác như Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Đình Thư, Hồ Dzếnh…Vào thời kì cuối (1940-1945), phong trào thơ này vẫn mở ra những hướng tìm tòi đáng chú ý: đi vào tâm linh, tôn giáo như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên; kết hợp tính nhạc với những chất liệu của đời sống đô thị hiện đại trong thơ Vũ Hoàng Chương; xu hướng cách tân hình thức của các nhóm thơ như Xuân Thu nhã tập, Dạ đài…Trong hơn mười năm tồn tại, Thơ mới đã có những đóng góp tích cực trên nhiều phương diện cho nền thơ Việt Nam hiện đại. Năm 1942, viết Thi
nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã đánh giá phong trào thơ này rất cao, xem đó là “một cuộc cách mệnh về thi ca” [47; 19].
Xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam phong kiến thuộc địa, Thơ mới chịu ảnh tác động rõ nét của nền thơ hiện đại phương Tây, đặc biệt là thơ ca hiện đại Pháp. Vào thời điểm này, ở phương Tây, trào lưu thơ lãng mạn đã đi qua, thơ tượng trưng cũng đã bắt đầu lắng xuống và thơ siêu thực đang là hướng tìm kiếm thử nghiệm mới. Nhiều nhà phê bình nghiên cứu (Hoài Thanh, Phan Cự Đệ, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức…) đã chỉ ra ảnh hưởng của thơ Pháp vào Thơ mới khá cụ thể, nhất là dấu ấn của Hugo, Lamartine, Baudelaire, Verlaine… trong sáng tác của Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương v.v. Mặt khác, hình thành và phát triển trong cái nôi văn hóa chung của khu vực, phong trào thơ này cũng thu nhận những ảnh hưởng to lớn của nền thơ vĩ đại Trung Hoa với những đỉnh cao như thơ Đường, thơ Tống…Điều này đã dẫn đến sự đa dạng trong các khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật của Thơ mới.
Nhìn chung, có thể nói phong trào thơ này là một sự tiếp nhận và tiếp biến văn hóa, văn học Đông, Tây hết sức tích cực, hiệu quả, đúng như khẳng định của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ: “Thơ mới đã tổng hợp những tinh hoa của phương Đông và phương Tây vào truyền thống thi ca dân tộc, do đó, đã đẩy thi ca Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa” [7; 81].