Việc chia Thơ mới thành ba dòng- dòng thơ Pháp, dòng thơ Đường, và dòng thơ Việt- không thật thỏa đáng, không những vì “sự thực ba dòng ấy không có cách biệt rõ ràng như thế” như tác giả cũng nhận thấy, mà còn vì cách phân loại ấy nặng về hình thức, không phản ánh thật đúng đắn, sâu sắc bộ mặt và quy luật phát triển của Thơ mới. Kiều Thanh Quế phê phán thơ ca ảnh hưởng trường phái thơ tượng trưng Pháp của Xuân Diệu, Huy Cận, và xu hướng thơ ca tượng trưng siêu thực, đến gần với Đạo và tôn giáo như Hàn Mặc Tử, Bích Khê: “Tôi không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận vô giá trị. Tôi cũng nhận thấy trong đó một hơi hướm của tuổi hai mươi bồng bột, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những lời thơ để đọc trong một thời. Rồi thì ta sao cũng phải yêu mến cái tâm hồn nghìn xưa của dân tộc Việt Nam ta. Tâm hồn ấy chuộng sự sáng sủa và sự du dương. Câu thơ du
dương là câu thơ đầy nhạc điệu. Tôi không cho thơ Xuân Diệu, Huy Cận hoàn toàn tối nghĩa, nhưng cũng có lắm câu không được sáng sủa như:
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh (Xuân Diệu), Đất thêu nắng, bóng tre rồi
bóng phượng (Huy Cận). Tôi cũng không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận
thiếu hẳn nhạc điệu. Nhưng nhạc điệu của thơ hai ông, tôi thấy nó làm sao ấy! Ta chỉ thích nghe nhạc điệu ấu trong một thời thôi. Rồi thì sao ta cũng phải thích nhạc điệu của thơ Đường hơn. Vì lẽ ấy mà tôi trọng cái nhạc điệu trong thơ Quách Tấn, Thái Can, Leiba, Tchya hơn nhạc điệu trong thơ hai ông” [6; 185-186].
Cũng trong bài viết này, Kiều Thanh Quế đã chỉ ra sự vận động, biến thiên của thơ ca đương thời: “Thơ ca Việt Nam trong mười mấy năm gần đây đi từ cổ điển (với Tản Đà, Trần Tuấn Khải), trải qua lãng mạn (với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận), sang tưởng tượng (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên), đến tả chân với Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ. Rồi từ tả chân, thơ Việt Nam đã bước qua cầu siêu tả chân mà sang lối thơ lập thể” [6; 188-191].
Trong các cuộc biến thiên lớn của thi ca Việt Nam ấy, ta vẫn đếm được mấy phong trào nhỏ: lối thơ hài hước của Tú Mỡ mà tác giả Thi nhân
Việt Nam vô tình hay hữu ý đã quên đứt, nhưng được ông Lê Thanh nói đến
trong một tập phê bình Tú Mỡ; và lối thơ say của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tố, Vũ Hoàng Chương, ở Hà Nội, một nhóm thi sĩ đưa ra một lối thơ lạ và một tập sách cổ động cho lối thơ ấy: Xuân thu nhã tập. theo nhóm thi sĩ ấy, thơ là một đạo nó có tánh cách thần bí tổng hợp”, Kiều Thanh Quế cho rằng thơ của nhóm Xuân thu là ảnh hưởng của thơ lập thể.
Thi nhân Việt Nam có thể được coi là công trình biên khảo có giá trị
tin cậy cao về phong trào thơ mới, cả về các mặt nghiên cứu, phê bình, tuyển thơ. Cuốn sách ra đời sau khi Thơ mới đã có mười năm phát triển và chưa đi vào kết thúc, nhưng vẫn có ý nghĩa như một công trình tổng kết. Thi nhân Việt Nam là một trong số tác phẩm biên khảo, phê bình văn học xuất sắc, nổi bật trong đời sống văn học Việt Nam đương thời, đánh dấu
bước trưởng thành có tính chất nhảy vọt của ngành phê bình văn học Việt Nam còn non trẻ khi đó.