Năm 1944, trên tạp chí Tri Tân, Lê Thanh có bài Kịch viết bằng thơ, và khẳng định : “Gần đây ta thấy xuất hiện một thể thơ mà ta có thể chờ gọi ở nó rất nhiều. Tôi muốn nói đến thể kịch viết bằng thơ của ta”. Trong phần
đầu bài viết, tác giả đã nêu lên đời sống thơ ca đương thời: “Ai cũng phải nhận rằng trong mấy năm gần đây thơ xuất bản rất ít. Giở bản thống kê những sách in trong năm vừa qua, về mục thơ, ta có thể đếm ngón tay trái của ta cũng đã thừa. Ấy là nói những thơ in thành tập và đáng chú ý. Trên các báo, thơ đăng cũng không có bao nhiêu”. Lê Thanh thuật lại một câu chuyện: “Một nhà văn ở thần kinh, sau khi in được một tập gồm nhiều bài thơ của phái "Thơ mới" ngày nay, trịnh trọng đem một bản tặng một chí sĩ hồi ấy đang đứng giám đốc một tờ báo có tiếng. Nhà thi sĩ sau khi xem qua loa tập thơ, không ngần ngại trao lại giả với những lời đại khái: "Ngài cho tập thơ xin cảm ơn ngài, nhưng tôi lại giả lại ngài, thơ các ngài làm thế này dân tộc mình trầm luân là phải, cầm tập thơ buồn bao nhiêu, lại thương dân tộc mình bấy nhiêu".
Tình trạng trên của thơ ca có nhiều nguyên nhân. Theo Lê Thanh: “Từ trước đến nay người mình có cái quan niệm về thơ hẹp hòi quá; thi sĩ phần nhiều thuộc phái lãng mạn, hết hát gió than mây đến giãi bầy một vài sự nhớ nhung. Mà đáng buồn nhất là người mình không bao giờ muốn thoát khỏi cái khuôn sáo cũ; trong bài thơ phải có những tiếng "lạnh, buồn, mộng, chiều, xuân, gió, bướm, liễu..." cứ những tiếng ấy nhai nhai lại mãi. Cả đến vừa đây một nhóm thi sĩ Việt Nam khởi xướng một cuộc cách mệnh về thi ca, xuất bản cả một tập sách làm bài tuyên ngôn, hô hào đem thi ca đến chỗ thuần tuý, thế mà làm thơ họ thế nào: Cũng những tiếng sáo ấy xếp lại không nghệ thuật, không trật tự, không qui củ: Mùa dàn bước lạnh trên
duyên thơ/ Giây có buồn xua ấm mộng bờ!/ Hãy vớt mai trầm vang nắng
gió/ Đường xuân rồi kép với chiều tơ (Xuân Xanh)”. Một nguyên nhân khác,
chiến tranh bùng nổ, kẻ thù tiến hành khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng của Đảng cộng sản, đồng thời thực hiện các chính sách lừa bịp, ru ngủ thanh niên, đánh lạc hướng thanh niên, sinh viên…Trong không khí chính trị đó, một phong trào văn nghệ phục cổ diễn ra trên các lĩnh vực nghệ thuật đã hình thành. Về thơ ca, đây là những năm mà theo Hoài
Thanh, đạt đến sự toàn thắng của phong trào Thơ mới. Trên cái nền lịch sử và văn học ấy, kịch thơ phát triển lên thành một cao trào mà thành tựu của nó cho đến nay vẫn còn được ghi nhận.