Ảnh hưởng tư tưởng triết học đến tâm lý thi nhân Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 55 - 60)

Thi nhân Việt Nam xưa chịu ảnh hưởng của ba nguồn tư tưởng lớn Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Vì thế, tâm lý thi nhân Việt Nam cũng nhiều lần biến đổi trải qua các thời đại, tùy theo ảnh hưởng nặng nhẹ của ba đạo kia trong xã hội.

Tâm lý thi nhân Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho gia. Theo Hoàng Thiếu Sơn, mỗi người Đông Á là một ông già ưa sống triền miên trong quá khứ hơn ra hoạt động hăng hái giữa hiện tại, họ rất hay suy ngẫm đến tấm gương của cổ thời. Tư tưởng của Khổng giáo chủ trương

trở về với lịch sử, lấy tổ tiên làm khuôn mẫu. Vì vậy, thi nhân xưa hay tìm đến những thắng tích có dấu vết lịch sử hơn là những thắng cảnh của thiên nhiên mà ca tụng. Không biết bao nhiêu lần đi tìm cảm hứng, thi nhân xưa đã phải cầu viện đến lịch sử. Cũng như Huy Thông gọi bạn tình, nhà thơ xưa mỗi khi làm thơ đều đã gọi nàng Thơ “Đi! cùng anh tới Cô Tô cảnh cũ/

Chờ giăng lên, mơ nửa giấc mơ xưa”. Giấc mơ xưa đã làm say lòng biết

bao thi nhân đất Việt. Nhưng không phải như Huy Thông mơ màng đến quá khứ để say sưa theo quá khứ làm lịch sử sống dậy để ngắm vẻ đẹp của lịch sử, thi nhân xưa lại cũng không vịnh sử một cách lãng mạn điên cuồng như Tản Đà khi tế Chiêu Quân, một cách tinh nghịch hóm hỉnh như Tản Đà ghẹo Chiêu Hoàng. Thi nhân xưa không bao giờ nhìn sử với con mắt vô tư của nghệ sĩ, lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật. Bao giờ họ cũng có ý thiết tha thương kim hoài cổ, bao giờ cũng muốn đem người xưa làm gương cho người nay, hay đem người nay ví với người xưa. Vì thi nhân hay gửi một chút tình, một chút ý vào những lời thơ chuyên tả cảnh vật của thiên nhiên, vì quý cái đẹp của thiên nhiên, thi nhân chỉ cố tìm lấy bài học của lịch sử, triết lý của cuộc kim cổ tang thương, nên lắm bài vịnh sử có những câu lời đẹp mà ý hùng. Viếng miếu Hạng Vũ ở Ô Giang, Phạm Sư Mạnh có câu rằng:

Vân ám Giang Đông sầu phụ lão

Nguyệt minh Cai Hạ khấp anh hùng.

(Mây tỏa Giang Đông buồn phụ lão

Tăng soi Cai Hạ khóc anh hùng).

Qua chơi sông Bạch Đằng, trương Hán Siêu nhớ đến Hưng Đạo Vương và Tiền Ngô Vương mà than rằng:

Chử địch kỳ lư, sắt sắt tấu,

Chiết chiến huống giang, khô cốt doanh khâu. Thảm nhiên bất lạc trữ lập ngưng mâu,

Niệm hào kiệt chi dĩ vãng. Thán tung tích chi không lưu;

(Ngàn lau san sát, bến lách gió rung,

Đáy sông giáo chìm đắm; bên gò xương chất chồng. Nỗi buồn thê thảm; đứng lại ngưng trông,

Nghĩ hào kiệt đã quá khứ;

Than tung tích chẳng còn trông)

Thi nhân Việt Nam phần nhiều là những bậc trượng phu, những đấng anh hùng chí khí hiên ngang, nên lời thơ của họ đầy tráng khí. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia, thi nhân Việt Nam là một bề tôi trung, một người con hiếu "Lọt lòng ai cũng có quân thân", Vì vậy họ xem nợ quân thân là món nợ nặng nề, nợ danh dự phải trả, không ai khước từ được.

Nợ mang lấy lần khân chẳng trả Nặng nề thay hai chữ quân thân, Đạo vi tử vi thần đâu có nhẹ. Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt,

Trót đem thân thế hẹn tang bồng.

Một nhà nho khi thuật hoài chí khí cũng chỉ muốn như Ban Siêu ném bút theo ấn phong hầu:

Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, Hết hai chữ trung quân báo quốc. Một mình để vì dân vì nước,

Trí kinh luân từ trước để nghìn sau.

Không chỉ muốn trả nợ quân thân mà thôi, thi nhân xưa còn muốn trả món nợ mà họ đã chịu chính ở họ nữa, mà họ đã chịu của trời đất hay là đấng vô hình nào đã bày xếp ra "cuộc trần hoàn" mà trong ấy họ sống gửi sống nhờ nữa. Đã là nam nhi thì không thể sống một cách âm thầm lặng lẽ:

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, Cái công danh là cái nợ nần.

hoặc: "Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông.

Nhắc đến lí tưởng nam nhi các thi nhân xưa rất hay nói đến chữ danh, tuy nhiên "chữ danh ấy không đem đến cho nhà nho thuần túy của chúng ta những gì tước lộc, những gì vinh thân phì gia", "nó chỉ là một tiếng thơm đạm bạc mà chí ngang tàng của người buộc người phải mua chuộc", và người đã mua chuộc nó với cốt cách thanh cao của người không phải với cái hèn của quân "bán lợi mua danh". Cái nợ trần hoàn thi nhân ta đã trả với phong thái một đấng trượng phu không muốn vay mượn của ai dù là của một đấng tạo hoá vô cùng và vô hình: Cõi trần thế nhân sinh là

khách cả/ Nợ phong lưu kẻ giả có người vay.

Bên cạnh sự ảnh hưởng của Khổng giáo, thi nhân xưa còn chịu ảnh hưởng tư tưởng của Đạo giáo. Họ chủ trương uống rượu thưởng trăng yêu cảnh thiên nhiên và xa lánh cõi trần. Tuy nhiên, Đạo giáo ở Việt Nam đã bị điều hoà theo Khổng giáo. Thi nhân xa lánh cõi trần không phải để thoát trần mà là ghét thói đời thèm khát lợi danh thái quá: Danh lợi mặc ai cui

cụi cụi,/Ăn rồi nằm ngủ khoẻ khoè khoe. Cái nhàn của thi nhân Việt Nam là

cái nhàn của xuất xử hơn cái nhàn "vô vi". Cái nhàn rất ngông của Nguyễn Công Trứ cùng hầu năm bảy chị, đủng đỉnh chiếc xe bò du thuỷ du sơn, là cái nhàn của Phạm Lãi chơi phiếm Ngũ hồ, của Trương Lương tu tiên với Xích Tùng tử, cái nhàn của kẻ đã trả hết nợ đời, chỉ chờ ngày thoát hoá. Trong những nhà thơ nói về cái nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm là siêu thoát hơn cả. Điều ấy chẳng có gì lạ. Vì Trạng Trình là bậc tiên tri, Trạng nhìn suốt kim cổ, trạng thấy những lớp người cổ đã qua, cho đến những lớp người chưa đến, cho nên cái nhàn của Trạng: Lâng lâng chẳng bận chút

trần ai. Ngoài ra bao nhiêu cái nhàn khác đều là bấy nhiêu cái nhàn tạm bợ

của kẻ: Thân tại giang hồ/ Tâm hồn ngụy quyết. của: Đấng anh hùng yên phận lạc thiên,/ So giời đất cũng nhất ban xuân ý/ Khi lang miếu đã đành

công danh ấy/ Lúc yên hà khước thị xuất nhân gian. Cao Bá Quát là tay

"khuấy nước chọc giời" đi theo cô đầu chỉ để dấu giếm bình sinh chí khí. Nguyễn Công Trứ đã bao phen lên án cái nhàn: Chữ nhàn là chữ làm sao/

Lã Vọng: Xe Thang, Văn nhất đáng tao phùng,/ Bao nhiêu nợ tang bồng đem giả hết,/ Tri mệnh thức thời duy tuấn kiệt,/Hữu duyên hà xứ bất phong lưu?/ Ngô tâm hà cụ hà ưu?...

Hoàng Thiếu Sơn cho rằng: "Làng thơ Nam Việt không có một Lý Bạch cơ hồ không biết có thực tế, chỉ gào rượu, chơi thơ, ôm giăng mà từ giã cõi đời. Cũng không có một Đỗ Phủ, treo ấn từ quan, sống giang hồ vất vơ cho đến một hôm cũng say rượu mà chết. Cũng không có một Đào Tiềm cuống quýt đi mua chuộc cái tự do ngoài vòng cương tỏa. Vì bao nhiêu thái độ đều là thái độ của đồ đệ khoái lạc chủ nghĩa muốn sống cuộc đời tọa hưởng. Thi nhân Việt Nam hầu hết là những Bạch Cư Dị, những ông quan tuy cận thần, nhưng không quên đời sống bên trong của mình: "Khi tiến

dụng thì quyền khu báo quốc dầu sung sướng đội tuyết pha phôi/ Thuở thoái

hưu thì yên mệnh lạc thiên cùng phiếm trúc dây tơ vui vẻ". Cho nên thi nhân ta không có những nghệ sĩ bất hủ, thi ca ta không đi đến một nghệ thuật vô song, nhưng nó ngân lên biết bao điệu trầm hùng đầy tráng khí. Từ những phân tích lý giải trên, tác giả kết luận: “Thi ca Việt vị nhân sinh hơn vị nghệ thuật”[6; 360].

Ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, thi nhân Việt Nam lại rút được những chân lý siêu hình. Đó là cái phù du của cuộc thế, cái thảm đạm của kiếp người, "Bể ải ngàn trùng khôn tát cạn/Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi. Nhà thơ Việt bình sinh đã có cái nhìn xa rộng, đã muốn suy ngẫm đến những điều vô cùng, họ nói đến những chân lý siêu hình với một giọng ngang tàng, một khí phách cao cả: Bóng thiều quang thấp thoáng dưới Nam

San/ Ngảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ/ Khoảng trời đất cổ kimk kim cổ/

Mảnh hình hài không có, có không/ lọ là thiên tứ vạn chung... Biết đời là bể

khổ, thi nhân Việt không rên rĩ, không khóc than, cũng không đi tìm một căn bản tin tưởng để an ủi lòng trong tôn giáo Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy/ Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười", họ biết than khóc nào có ích chi? "Dắt lỏng giang sơn vào nửa túi/ Dốc nghiêng phong nguyệt cạn lưng bàu”. Đó là thái độ điềm tĩnh của nhà thơ Việt trước cảnh tang thương.

Nếu Khổng giáo đã đem đến cho thơ Việt cái bi tráng, thì Đạo giáo và Phật giáo đã đem đến cái trầm hùng. Cái trầm hùng đó phảng phất nhiều nhất trong loại hát nói là sở trường của thi phái Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến. Vì hát nói câu vắn, câu dài, điệu thơ gắt gao, mạnh mẽ, tả đúng cái ngang tàng của thi nhân khi họ dùng loại thơ ấy để thuật hoài chí khí [6; 351-361].

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 55 - 60)