Thơ triết học

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 60 - 66)

“Triết thi” hay “thơ triết học” còn là một khái niệm rất mờ trong kho tàng tri thức trên thi đàn Việt Nam đầu thế kỷ XX, mặc dù nó vẫn hiện hữu với các tên, tuy rất ít ỏi, như Prudhomme và tiêu biểu nhất có lẽ là Schopenhauer, Nietzsche và Dante với “Thần khúc”, những người được mệnh danh là các nhà thơ triết học ở phương Tây. Tuy nhiên, để có thể hình dung một khái niệm đơn giản về “triết thi” hay “thơ triết học” ta có thể lấy câu của Nguyễn Đình Thi viết trong bài nói về thơ triết học đăng trên tạp chí Tri Tân như sau : “Thơ triết học gồm hai phần rất dễ thấy: một phần thơ và một phần triết học. Nó tham lam hơn thơ vì muốn bắt nguồn ở tư tưởng, nó tham lam hơn tư tưởng vì muốn có một hình thức đẹp và say sưa. Nhà thơ thông thường (xin chớ lầm với nhà thơ tầm thường) muốn làm rung động lòng người, nhà thơ triết học, tham lam hơn, muốn bắt người đọc phải nghĩ trong say sưa nữa” [6; 477].

Nguyễn Đình Thi đặt ra vấn đề thơ có thể đi đôi với triết học không, và nếu có thì trong phạm vi nào. Để trả lời cho vấn đề này, tác giả đã tìm hiểu xem xét thế nào là thơ hay, và thế nào là triết học. Dựa trên lí luận của mỹ học tác giả khẳng định: “cái đẹp không chỉ có trong tình cảm, mà còn có trong trí tuệ và hoạt động”, vì thế không thể chia rẽ tình cảm với trí tuệ khi nói đến nghệ thuật. Một bài thơ hay không những kích thích tình cảm, mà còn quan hệ mật thiết đến trí tuệ. Nguyễn Đình Thi kết luận: “Cái đẹp của tư tưởng có thể đem vào trong thơ ca. Một bài thơ hay là một bài thơ giàu tư tưởng”. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thơ có thể đi đôi với tư tưởng, một câu thơ, dùng nhạc điệu gợi ra những tình cảm man mác, nêu

lên những ý nghĩ thâm trầm, mới là một câu thơ tuyệt tác, “trong một bài thơ hay, phải vừa có một nhạc điệu êm đềm, vừa có một tư tưởng mà chúng ta đoán thấy, hay hiểu rõ”. Nguyễn Đình Thi cho rằng triết học gồm một phần triết và một phần lý, một phần đi tìm lý do, nguyên nhân sự thật, với một phần phê bình sự thật ấy, vì mục đích của triết lý là dựa vào khoa học để tìm biết thực tại rồi phê bình thực tại ấy, từ đó tác giả đi đến khẳng định: Đem được vào thi ca chính là phần phê bình của triết học và phủ nhận thơ triết học không phải là thơ siêu hình. Thơ triết học nếu trình bày những quan niệm huyền bí về vũ trụ, tạo hóa, tất chỉ có thể là thơ chứ không có giá trị gì về phương diện tư tưởng, vì đó thực ra không phải là triết học, mà là mê tín. Còn siêu hình học chính đáng không thể đem vào thơ được. Nên trong triết học, chỉ một phần có thể đem vào trong thơ: ấy là phần phê bình, phần nói về sự đẹp xấu, sự phải trái, sự thiện ác , đó là phần triết học về nhân sinh. Thơ triết học có một giá trị tư tưởng khi nói về đời người”[6; 428].

Có lẽ đây mới chỉ là một bước đầu tiên để có hiểu biết về “triết thi” hay “thơ triết học”, tuy nó dễ làm ta nhầm lẫn giữa “triết thi” với tính triết lý trong thi ca, bởi lẽ thơ ca là một hình thái ý thức thuộc kiến trúc thượng tầng, nó có tính đặc trưng riêng, có sức mạnh cảm hóa riêng do hình thức tổ chức ngôn ngữ và trạng thái cảm xúc đặc biệt mà chủ thể sáng tạo mang lại, trong đó có sự triết lý. Giữa triết lý và triết học cũng có những nội hàm khác nhau. Triết học là "khoa học của các khoa học", bao gồm toàn bộ các trí tuệ của loài người gom lại, là cơ sở phát triển của các khoa học khác. Vì vậy đọc triết học và ham mê nó đã khó, nói chi đến “thơ triết học”, đã mấy ai say sưa thưởng thức và đi cùng nó xưa nay.

Như vậy, từ những năm đầu của thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam, người ta đã nói về “triết thi” hay “thơ triết học” một cách đàng hoàng và muốn hiểu về nó, triển khai nó. Trong cái ồn ào của Thơ mới những năm tiền chiến (1940-1945) với các tên tuổi nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam

như: Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh v.v.., việc có những người nói về một thể loại thơ khác biệt :“thơ triết học”, thật đáng chú ý.

Năm 1943, Minh Tuyền công bố trên tạp chí Tri Tân bài Triết thi. Trong mở đầu của cái gọi là bản tuyên ngôn về Triết thi của mình, nhà thơ Minh Tuyền đã viết : “Triết thi hay là thơ triết học, là một thể thơ có mục đích phô diễn những quan niệm về tạo hóa, về vũ trụ, về thời gian, về nhân sinh. Nhuộm màu tôn giáo, hay lịch sử, hay khoa học, triết thi theo như danh của nó đã mang, bao hàm tư tưởng nhiều hơn là tính tình và hình ảnh, đập mạnh vào lý trí, bựt chớp nhoáng vào tiềm thức, cọ sát vào ý trí để làm nảy ra những luồng điện tinh thần hạn hữu” [6; 472]. Với cách đặt vấn đề rõ ràng như vậy, có lẽ Nguyễn Đình Thi cũng chỉ là một sự diễn đạt lại theo cách khác mà thôi.

Minh Tuyền khẳng định: “triết thi có tính cách tổng quát và phổ biến của triết học, nhưng triết thi có hình dáng và một khuôn khổ không lẫn với triết học”. Điều đó được thể hiện ở “Muốn giải quyết một vấn đề nào trong phạm vi của nó, triết học phải sắp đặt lý luận, phải trình bày chứng cứ một cách có liên lạc chặt chẽ, có đầu đuôi gãy gọn. Triết thi chỉ cần những bức tranh linh động, những hình ảnh khi đứng rời rạc, khi ngồi lẫn lộn, khi xếp hàng có thứ tự, để đi đến một cứu cánh chung với triết học. Triết học quan sát cẩn thận, so sánh tỷ mỷ, rút ra những định luật, những nguyên tắc mà triết thi làm nổi bật lên trên tấm lụa bạch ý thức bằng sự phớt nhìn qua cái toàn thể, sự chú ý vào mấy đặc điểm, sự phù phép vào những điểm đó một sức sống, một sức biến hóa dưới những màu sắc, hòa hợp với nhau êm ái, hay phản ứng nhau đột ngột. Những hình ảnh và những bức tranh đó, tùy trường hợp, hiển hiện ra một cách rõ rệt hay lờ mờ để làm nảy ra những tư tưởng có trình độ quan hệ theo ngôi thứ của chúng khi hợp lại để lập thành một hệ thống tư tưởng, một lý thuyết. Vậy triết thi phải có một nhạc điệu thích hợp với nó. Nhạc điệu ấy không thể sao giống được nhạc điệu của lối thơ tả tình và tả cảnh”. Trong kho tàng thi ca nước ta, có thể lượm lặt được rất nhiều câu thơ có nghĩa lý vừa thâm trầm, vừa cao siêu, khi đọc

lên rất du dương, nhuần thấm; thuộc về phạm vi tâm lý, hoặc luân lý, hoặc tôn giáo, hoặc xã hội; nhưng đấy chỉ là những mầm mống thưa thớt, tản mát, để đưa thi giới ta đến chỗ nảy nở một thể thơ triết học chân chính. Những câu thơ triết lý đó mọc lên ở thể thơ khác với dòng thơ chính thống của chúng, và chỉ được vun xới, chăm bón, không để làm một phần tử, một yếu tố của một lâu đài triết học nào, mà chỉ để cho cái thể thơ chứa đựng chúng được phớt qua, trải qua tý màu triết học, cho nên những câu thơ đó đều bị cái nhạc điệu của thể thơ bao hàm chúng xô đi, kéo đi, biến hóa đi, làm chúng không giữ được nhạc điệu hoàn toàn của triết thi. Chỉ trong một vài câu thơ, triết thi phải tóm tắt một tôn giáo xưa hoặc một học thuyết cũ, hay phải rút ra, ở sự pha trộn các nguyên tắc, các định lý, một vài tư tưởng mới. Những khi đó, triết thi phải dùng nhiều danh từ trừu tượng trong câu thơ làm cho câu thơ có vẻ khô khan, mà vẫn diễn tả được những ý tưởng muốn diễn đạt, thì câu thơ đó, đối với triết thi, lại có một giá trị to tát đáng chú ý vì đấy là những tia sáng rõi vào cõi tinh thần, vào những nếp óc sâu thẳm- bản thể của lý trí, của khiếu suy luận, phán đoán, hồ nghi và quyết định. Lúc đó, nhạc của câu thơ cũng có một giá trị đặc biệt, có cái nhạc thích hợp với nó, câu thơ ấy mới đạt được mục đích, mới trở thành một tia sáng, và câu thơ đó không thể được tạo nên để ru người ta ngủ, để đưa người ta vào cõi mộng tình đầy khoái lạc, để làm thư thái tâm hồn, nhưng trái lại, được tạo nên để lý trí có cái đà mà vận dụng cái lực lượng tiềm tàng của nó, để trí nhớ phải lay chuyển đến nền móng, để trực giác phải luôn luôn kích động, để kho tàng trí thức như đang bị lục soát bởi một bàn tay bí mật. Những kinh, kệ, những bài giáo huấn viết bằng văn vần hoặc để truyền giáo, hoặc để dạy luân lý không thể liệt vào triết thi được nếu không có tính cách tổng quan và phổ biến của triết học, và không có đối tượng của siêu hình học [6 ; 473- 474]. Minh Tuyền cũng đã chỉ ra cái khó của thơ triết học: “Có người nói: Giữa lúc văn xuôi còn lúng túng, lộn xộn trong biên soạn sách triết học, Triết thi ra đời, tất nhiên là sớm quá, khó mà đạt được mục đích”. Câu nói đó không phải không có lý. Nó càng hữu lý khi

triết thi rơi vào tay những người xưa nay chỉ quen đọc thơ trữ tình ủy mỵ, có những vần thơ êm như gió, nhẹ như mây, để được khoái tai, để giải trí, để ru hồn. Gặp triết thi họ đọc một vài câu đầu họ đã muốn vứt đi cho rồi, họ giở qua trang giấy, họ nhìn đến vài câu cuối, họ bĩu môi, thè lưỡi, thế là một câu phê bình mỉa mai, chua chát, bay ra từ cửa miệng họ để mong bóp chết một thể thơ mà họ ghét cay ghét đắng ngay từ lúc mới nghe tên nó” [6;475].

Như vậy, Minh Tuyền và Nguyễn Đình Thi gần gũi nhau ở việc khẳng định thơ triết học là thơ ca có nền tảng tư tưởng.

Sau này trong cuốn khảo cứu phê bình văn học đồ sộ Việt nam thi

nhân tiền chiến xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn, nhà nghiên cứu văn học

Nguyễn Tấn Long khảo cứu về nhà thơ Minh Tuyền có viết : “Thơ triết học, xin các bạn đừng vội thấy danh từ quá to tát mà ngao ngán, không lưu tâm đến một trường thơ mới lạ, một lối thơ không được may mắn sinh tồn trong thời tiền chiến, nhưng phải kể là một sáng kiến lớn lao, đã đánh dấu một hướng đi dị biệt mà nền thi ca đất nước không thể bỏ qua, và người yêu thơ không thể không biết đến”. Như vậy, dù “phái thi này còn như ngôi sao lẻ bóng trong đêm giông tố âm thầm” như tác giả Hoa Bằng đã viết, chúng ta không thể không ghi nhận trong văn học sử nước nhà rằng : “triết thi” hay “thơ triết học” là hiện hữu trên thi đàn Việt Nam thời tiền chiến, dù có thể mới chỉ có sự mở đường. Do thời cuộc và những biến cố lịch sử sau đó, “triết thi” hay “thơ triết học” thời tiền chiến đã chìm trong chiến cuộc. Nhưng việc xuất hiện “triết thi” hay “thơ triết học” đã làm phong phú hơn cho nền văn học sử nước nhà, và cũng góp phần làm phong phú hơn cho Nàng Thơ Việt.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày quan niệm của các tác giả thể hiện trong các bài báo trên tạp chí Tri Tân về quan hệ giữa thơ và một số hình thái ý thức khác như tôn giáo, lịch sử, triết học. Cả tôn giáo và thơ ca đều đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của con người, đều có cùng hình thức tư duy hướng nội, tôn giáo đem đến cho thơ nguồn cảm hứng

lớn. Thơ ca có tác dụng chuyển tải tinh thần, những triết lý sâu xa của tôn giáo, vì vậy trong quá trình phát triển và ảnh hưởng, đã xuất hiện những hiện tượng thơ ca tôn giáo như thơ thiền thời Lý-Trần và Hàn Mặc Tử. Trong quan hệ với lịch sử, thơ ca có mối quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc. Các thi nhân phần lớn là những nhân vật lịch sử, thi ca là hình ảnh của lịch sử, trải qua bao thế kỷ thi ca là những di tích ghi lại những buồn vui, những mốc son quan trọng của lịch sử dân tộc. Trong quan hệ với triết học, thơ ca có tác dụng thể hiện tư tưởng triết lý về nhân sinh vũ trụ, thi nhân hiện ra trong thơ như những hiền triết, thời trung đại thơ ca triết học chịu sự chi phối, áp đặt của tư tưởng giai cấp thống trị, thời hiện đại mối quan hệ thơ ca và triết học đã làm xuất hiện một thể loại mới-triết thi- một hình thức thơ ca có nền tảng là tư tưởng cơ bản, sâu sắc.

Chương 3

Một phần của tài liệu Quan niệm về thơ trên tạp chí tri tân luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w