Đầu thế kỷ XX, trên sách báo nước ta chưa xuất hiện thuật ngữ “phong cách” như ngày nay. Nhưng khi bàn luận về văn chương, các tác giả thường dùng những từ ngữ như “lối văn”, “giọng văn”, “sở trường”, “sở thích”… để chỉ những đặc tính riêng trong hoạt động sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Có thể nói giá trị của tác phẩm thơ ca phụ thuộc vào sở trường sáng tạo của nhà thơ, sở trường là nơi bộc lộ tài năng của thi nhân trong sáng tạo. Cá tính sáng tạo của nhà thơ sẽ làm nên những phong cách nghệ thuật riêng, là cái hay, cái đẹp không trùng lặp.
Nói đến cá tính sáng tạo và phong cách của thi nhân, các tác giả hay quan tâm đến phương diện đề tài, thể loại ngôn ngữ, giọng điệu, dấu ấn đời tư của nhà thơ trong tác phẩm.
Tác giả trung đại có cách nhìn khác về cá tính sáng tạo của thi nhân. Họ tự do sử dụng thi liệu của người đi trước như Lê Thanh nhận xét trong
Ảnh hưởng văn chương Pháp trong văn chương Việt Nam: “...đã có một số
những tiếng khuôn, những ý mẫu, nhà thơ chỉ việc nhặt sẵn ở trong trí nhớ ra mà dùng như “lá ngô đồng rụng”, “cái nhạn về Nam”, “trải bao năm người ta vẫn theo nhau vịnh sông núi, thằng bồ nhìn, chị hằng nga, chén rượu, thu, đông...” [6; 29]. Tuy vậy, tác giả trung đại cũng có mức độ thể
hiện cá tính của mình trong nội dung, cảm hứng, giọng điệu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ. Chẳng hạn, trong bài Tâm hồn thi nhân với mảnh trăng thu, Phạm Mạnh Phan đã chỉ ra cá tính Xuân Hương và Tản Đà trong thơ của họ khi viết về mùa thu: “Với giọng văn phong phú dồi dào sẵn có, với sự nhận xét tinh vi, cô đã mô tả “giăng thu” bằng những vận hiểm hóc, oái oăm, bằng những lời chải chuốt, ẫm ờ mà kín đáo”, “Cũng ngắm cảnh trăng thu ấy, thi sĩ Tản Đà đã gửi bầu tâm sự trong mấy vần thơ dịp dàng êm ái mà lại nhuốm vẻ mỉa mai chua chát” [6; 428]. Trong Triển vọng của văn học phụ nữ Việt Nam hiện đại, tác giả Ái Lang chỉ ra đặc trưng riêng của thi nhân trong thơ: “Thơ bà huyện Thanh Quan: trang trọng đài các, thơ Hồ Xuân Hương: lẳng lơ nhưng đanh thép, cười cợt nhưng chua cay” [6; 531].
Lê Thanh trong bài phê bình Thanh niên Việt Nam với một cuộc cải
cách văn học ngày nay đã nêu yêu cầu đối với thơ ca đương thời: “Nhà văn
ta mỗi khi viết phải có cái “sở đắc”riêng của mình. Cái lối mượn chữ ghép câu của cổ nhân như ta thường làm, ngày nay đã đến lúc không thích hợp nữa rồi” [6; 95].
Tác giả hiện đại có nhu cầu tạo ra cái riêng của mình trong văn học. Phong trào Thơ mới ra đời đáp ứng nhu cầu xã hội, sản sinh ra một đội ngũ nhà thơ đông đảo, phong cách thơ đa dạng, ý thức rõ nghiệp thi sĩ của mình. Bằng năng lực thẩm bình tài hoa tinh tế, với tư duy khái quát, nhà phê bình Hoài Thanh chỉ ra được nét riêng trong phong cách sáng tạo của các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới: “Hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Với các nhà Thơ mới, “chúng ta đã được thưởng thức một cuộc hòa nhạc tưng bừng, trong ấy những mùi hương, những mầu sắc, những thanh âm cùng nhau hưởng ứng, cùng nhau hòa hợp rất mỹ thuât, rất tân kỳ: Từ màu vàng ảo não buồn rầu của Huy Cận, đến màu tím lơ lẳng say sưa của Xuân
Diệu, qua màu xanh lơ êm đềm mơ màng của Thế Lữ, màu trắng tinh bạch ngây thơ của Nhược Pháp, cho đến màu đêm đen u ám của Chế Lan Viên, màu huyết đỏ rùng rợn của Hàn Mặc Tử. Từ điệu hát hò khoan quê mùa mộc mạc của Nguyễn Bính, đến điệu kèn khiêu vũ quay cuồng dồn dập của Vũ Hoàng Chương, từ diệu nhạc trang trọng đài các của Đoàn Phú Tứ, đến tiếng rú kinh hồn táng đởm của Hàn Mặc Tử. Từ hương trầm thanh tao cổ kính của Quách Tấn, đến mùi thơm ngào ngạt hoa bưởi, hoa nhài của Xuân Diệu. Đó đây thỉnh thoảng cũng ngân lên đôi tiếng reo hùng tráng” [6; 385].
Cái hay của thi ca là ở những đặc tính riêng của những sản phẩm nghệ thuật của các thi nhân. Cũng viết thành công về cái “say”, nhưng ở mỗi nhà thơ có một vẻ riêng độc đáo. Điều này được Kiều Thanh Quế chỉ rõ trong Nhân đọc Thi nhân Việt Nam: “Cái say của tác giả Tiếng thu là cái say của kẻ “giang hồ rượu ngấm”. Đến cái say của Nguyễn Văn Tố quả là cái say của Tản Đà còn di truyền lại, cái say của kẻ ăn chơi. Còn cái say của Vũ Hoàng Chương thật là mới, Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa” [6; 188-189].
Đi tìm hiểu cái riêng trong phong cách của thi nhân, Kiều Thanh Quế còn tìm thấy dấu ấn đời tư của một “thi sĩ giang hồ” trong thơ Lưu Trọng Lư, đó là “tính cách lơ đãng”, “bồng bột”, nhưng “mãnh liệt’ và “chứa đầy sinh lực” cả trong thơ lẫn ngoài đời, “Đời giang giang hồ của Lưu Trọng Lư đã cho chàng những thi tứ dồi dào, những cơn hứng bồng bột, một nghệ thuật dễ dàng” [6; 197-198].
Nhằm có một cái nhìn bao quát đầy đủ trong quan niệm về đặc điểm của thơ và nhà thơ, đã được các tác giả trình bày trên tạp chí Tri Tân, trong chương này, chúng tôi đã đi vào tìm hiểu tình cảm trong thơ, ngôn ngữ thơ, phẩm chất thi nhân. Các tác giả ý thức rằng tình cảm và ngôn ngữ giàu nhạc điệu là những đặc điểm quan trọng của thơ ca. Tuy nhiên, ở mỗi thời đại khác nhau, tâm lý và nhu cầu thưởng thức có khác nhau. Vì vậy, quan
niệm về thơ cũng có những thay đổi, đặc biệt là về nội dung cảm xúc và ngôn ngữ thơ, vì thế vấn đề cách tân đổi mới là một việc làm thường xuyên và liên tục mỗi khi hình thái ý thức xã hội thay đổi. Phẩm chất thi nhân trong sáng tạo như tài năng, nhân cách, cá tính sáng tạo là nhân tố làm nên những sản phẩm thơ ca độc đáo, góp phần làm phong phú giàu có cho thơ ca đồng thời khẳng định vị thế của nhà thơ trong xã hội là: “hướng đạo cho quốc dân những lẽ sống lớn lao của dân tộc và thời đại” [46; 71].
Chương 2