1.4.2.1. Quản lý việc thực hiện mục tiêu dạy học
Đối với bất kỳ một bộ môn nào, việc quản lý thực hiện mục tiêu là vô cùng quan trọng. Nếu như người GV xác định không đúng mục tiêu cần đạt của môn học cũng như cho từng bài giảng, thì hoạt động dạy học của người GV đó sẽ không đạt yêu cầu. Bởi vậy, ngay từ đầu, bản thân nhà quản lý cũng như các GV dạy tiếng Anh phải xác định đúng mục tiêu môn học, mục tiêu cho từng phần, chương và mỗi bài giảng, mỗi tiết học.
Đồng thời, để quản lý tốt việc thực hiện mục tiêu môn học, BGH cũng phải nắm bắt, kiểm tra, giám sát các khâu soạn bài, giảng bài của GV thường xuyên để tránh tình trạng dạy học lệch mục tiêu và yêu cầu của môn học. BGH cũng cần thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học của GV thông qua các tiết dự giờ, các buổi thao giảng và kết quả học tập của HS để đánh giá đúng năng lực và trình độ của GV, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, BGH cũng cần giao cho Tổ trưởng bộ môn tổ chức việc thảo luận cho các GV trong tổ về mục tiêu từng bài, từng tiết học cho giáo trình tiếng Anh mà tổ bộ môn đang giảng dạy để có sự thống nhất trong việc cụ thể hóa mục tiêu tổng thể thành mục tiêu bộ phận.
Ngoài ra, BGH cũng nên chỉ đạo cho các GV giảng dạy tiếng Anh lồng ghép yêu cầu, mục tiêu dạy tiếng Anh trong xu thế hội nhập vào từng bài giảng, tiết học chuyên ngành.
1.4..2.2. Quản lý thực hiện chương trình và nội dung dạy học
BGH chỉ đạo các GV của bộ môn luôn bám sát chương trình khung của Bộ cho bộ môn tiếng Anh ở từng bậc học: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, TCCN.
Trên cơ sở chỉ đạo đó, quản lý GV thực hiện giảng dạy đủ và đúng các nội dung theo chương trình của bộ môn. Chỉ đạo cho người dạy lựa chọn các nội dung (đã được thống nhất trong chương trình và bài giảng) sao cho người dạy chọn lọc các tri thức thiết thực mang tính phổ thông và thích ứng. Từ đó định ra các kiến thức và kỹ năng nào mà người học phải biết và phải rèn luyện, nên biết và nên rèn luyện. Chỉ đạo người dạy thể hiện được các nội dung đã được chọn lọc trong việc soạn, giảng và đánh giá kết quả học tập của HS.
Các GV giảng dạy luôn ghi nhớ nội dung dạy học phải hướng tới việc thực hiện mục tiêu dạy học đã thống nhất. Các GV không được tự ý giảm tải, cắt xén nội dung nếu không có sự thống nhất và chỉ đạo từ cơ quan quản lý giáo dục: Bộ, Sở hay các BGH nhà trường.
Mỗi GV đều phải có lịch trình giảng dạy cụ thể cho môn học về thời gian, số tiết dạy, bài dạy để đi theo đúng tiến độ cũng như để nhà quản lý dễ kiểm tra, theo dõi.
1.4.2.3. Quản lý đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
Trước hết, nhà quản lý phải cho GV trong tổ bộ môn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh hiện nay.
Ở các trường TCCN, thông qua các kỳ hội giảng cấp trường, cấp thành phố, cấp toàn quốc, chúng ta có thể thấy rõ những biến đổi lớn lao về PPDH, nhất là việc áp dụng các PPDH hiện đại vào dạy tiếng Anh là rất phù hợp và hiệu quả. Do đó, các GV giảng dạy tiếng Anh trong toàn trường phải nắm vững và sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học tích cực. Để đạt được điều đó, trước hết, các GV trong tổ bộ môn phải tự tìm tòi, sáng tạo, kết hợp các PPDH sao cho hiệu quả và hợp lý. Nhà quản lý có thể mời các chuyên gia hướng dẫn giúp bộ môn và các GV xác định những phương pháp dạy học phù hợp nhất áp dụng cho mỗi bài giảng, mỗi tiết học.
Đồng thời chỉ đạo bộ môn có kế hoạch dự giờ, thao giảng, rút kinh nghiệm, nhằm tạo phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường.
Nhà quản lý phải biết chỉ đạo bộ môn áp dụng đa dạng hoá các loại hình tổ chức dạy học. Các GV trong tổ nên trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất bài nào, tiết nào sẽ phù hợp với từng loại hình tổ chức dạy học và phương pháp đổi mới. Cũng cần lưu ý là, phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và điều kiện cho việc đa dạng hoá các hình thức tổ chức dạy học.
1.4.2.4. Quản lý cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
- Cần chú trọng công tác quản lý, kiểm tra và giám sát sự hoạt động của các CSVC phục vụ dạy học tiếng Anh như phòng học tiếng, các thiết bị dạy học như máy tính, máy chiếu, đài cassette, đầu đĩa VCD…
- Thường xuyên nâng cấp bảo dưỡng và trang bị kịp thời, đầy đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học nhằm đảm bảo chất lượng dạy học của GV.
- Các thiết bị phải đạt chuẩn về yêu cầu khoa học, kỹ thuật, tính sư phạm và phải hiện đại.
- Luôn khuyến khích, động viên và yêu cầu các GV trong tổ bộ môn có ý thức sáng tạo trong việc chế tạo những đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ môn học góp phần cho sự đổi mới PPDH.
- Quản lý các nguồn tư liệu, các đầu sách, báo có liên quan đến bộ môn. - Chỉ đạo tất cả các GV không ngừng tìm tòi sách báo, tài liệu hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong việc sử dụng các TBDH hiện đại.
1.4.2.5. Quản lý việc kiểm tra,đánh giá kết quả dạy học
- Thống nhất về tiêu chuẩn, tiêu chí và thang đo kết quả hoạt động dạy và học tiếng Anh:
+ Đối với hoạt động dạy: kế hoạch dạy học; kế hoạch bài dạy; kế hoạch kiểm tra, đánh giá; việc soạn bài, việc thực hiện giờ lên lớp;
+ Đối với người học: Thiết kế ngân hàng đề thi các học phần tiếng Anh nhằm kiểm tra, đánh giá đúng trình độ, năng lực của người học.
- Chỉ đạo việc lực chọn phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp.
- Sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh các hoạt động của GV và HS nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh.
- Đẩy mạnh hoạt động tự đánh giá của người dạy và người học.
1.4.2.6. Quản lý nề nếp học tập của học sinh
Chỉ đạo cho các GV bộ môn:
- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của HS bằng kiểm tra thường xuyên và định kỳ.
- Kiểm tra các tài liệu học tập của HS
- Giám sát quá trình học tập của HS ở trên lớp, kỷ luật trật tự trong lớp.
- Nâng cao ý thức học tập của HS đối với bộ môn (cả trên lớp và tự học ở nhà)
- Khuyến khích động viên HS hăng hái xây dựng bài.
- Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về kiến thức bộ môn hay phương pháp học tập bộ môn sao cho hiệu quả.
- Cần có thái độ động viên và nhắc nhở kịp thời rõ ràng đối với những HS giỏi, có ý thức tốt và và nhắc nhở kịp thời rõ ràng đối với HS cá biệt.