Trong khi đánh giá việc dạy - học ngoại ngữ của những năm 60, Chỉ thị 43-TTG/VG ngày 14/4/1968 về việc đẩy mạnh công tác dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp, trong cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế và trong công nhân kỹ thuật đã chỉ ra những thiếu sót “Các cơ quan giáo dục chưa làm cho mọi người thấy rõ ngoại ngữ là một phần không thể thiếu trong nền giáo dục”. Đối với riêng cấp học phổ thông và chuyên nghiệp, Chỉ thị cũng nhận định“Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông và chuyên nghiệp thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới”. Sau này, các Quyết định 251/TTg (1972) và Chỉ thị 422/TTG (1994) của Thủ tướng chính phủ cũng chỉ rõ: dạy - học phổ biến cả 4 ngoại ngữ trong nhà trường, trong đó tiếng Anh chiếm vị trí ưu tiên, còn tiếng Nga, Pháp, Hàn phát triển ngang bằng nhau tuỳ theo nhu cầu và điều kiện của địa phương.
Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI (tháng12/2004) đã nhấn mạnh: “Triển khai chiến lược dạy và học ngoại ngữ
trong hệ thống giáo dục quốc dân, tập trung chủ yếu vào tiếng Anh, khuyến khích dạy và học ngoại ngữ thứ hai”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng đã yêu cầu “...Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ...” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr132)
Tại khoản 3, điều 7, chương 1, Luật Giáo dục nêu rõ “Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phải đảm bảo để người học được học liên tục và có hiệu quả”. Đánh giá cao vai trò của ngoại ngữ trong xu thế hội nhập toàn cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020”.
Ngày 25/6/2011, Bộ GD&ĐT cùng với Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2011 của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với sự tham dự của 18 trường ĐH và CĐ trong toàn quốc tham gia đề án. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và Thứ trưởng Bùi Văn Ga.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu chung của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ học, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020, ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của HS, SV Việt Nam trong học thuật, giao tiếp, nghiên cứu…
Cũng đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, cần phải đổi mới tư duy về dạy - học ngoại ngữ. Nếu cứ duy trì như hiện nay thì môn ngoại ngữ sẽ trở thành nỗi sợ hãi của SV. Phương pháp giảng dạy phải có sự điều chỉnh tùy theo trình độ, đối tượng SV để đạt được mục tiêu
cuối cùng là SV khi tốt nghiệp phải sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ chúng ta mong muốn chứ không phải là hoàn thành xong giáo trình, đạt được một chứng chỉ nào đó. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc đào tạo GV tại các trường ĐH, CĐ là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của đề án. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho việc học ngoại ngữ cũng không thể giống như trước đây mà phải nghiên cứu để sử dụng những công cụ hiện đại, mang tính mềm dẻo hơn.
Đề án được chia thành ba giai đoạn như sau:
a) Giai đoạn 2008 - 2010: Chuẩn bị điều kiện triển khai Đề án cho các cấp ho ̣c phổ thông.
b) Giai đoạn 2011 – 2015: Triển khai từng bước chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với các bậc, trình độ đào tạo.
c) Giai đoạn 2016 - 2020: Triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô cả nước và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009- 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ yêu cầu đối với bậc giáo dục chuyên nghiệp “Sau khi hoàn thành các chương trình giáo dục nghề nghiệp, HS có năng lực và có đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tác phong lao động hiện đại, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong học tập và làm việc tương đương với HS ở các nước phát triển trong khu vực, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu lao động và khả năng cạnh tranh nhân lực của đất nước. Đến 2020 có trên 95% số HS tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được các yêu cầu của công việc”.