- Yêu cầu thực tiễn của đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
1.3.3. Những ưu điểm và hạn chế của đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
1.3.3.1. Những ưu điểm của đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Theo các nhà nghiên cứu (GS Lâm Quang Thiệp, GS Lê Thạc Cán…) hệ
thống tín chỉ được truyền bá nhanh chóng và áp dụng rộng rãi nhờ có nhiều ưu điểm. Có thể tóm tắt các ưu điểm chính của nó như sau:
Có hiệu quả đào tạo cao.
Hệ thống tín chỉ được thừa nhận rộng rãi về tính hiệu quả cao trong đào tạo so với hệ thống đào tạo theo niên chế:
- Tạo cho sinh viên có tính chủ động cao trong học tập.
Hệ thống tín chỉ cho phép ghi nhận kịp thời tiến trình tích luỹ kiến thức và kỹ năng của sinh viên để đạt đến văn bằng. Với hệ thống này, sinh viên được chủ động thiết kế kế hoạch học tập cho mình, được quyền lựa chọn cho mình tiến độ học tập thích hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh riêng của mình (học môn gì, lúc nào, với ai, ...), có cái nhìn toàn cục về chương trình học ngay từ đầu giúp sinh viên tự điều chỉnh chương trình phù hợp với những điều kiện chủ quan của mình trong quá trình học tập. Tính chủ động còn thể hiện qua việc sinh viên có thể học nhanh hay học chậm so với dự kiến mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng học tập hay kết quả thi tốt nghiệp.
- Đào tạo theo hệ thống tín chỉ làm cho giáo dục đại học trở thành một nền giáo dục hướng vào sinh viên và cá nhân hoá nhiều hơn so với hệ thống giảng dạy cứng nhắc theo niên chế.
- Đảm bảo tính liên thông và chuyển đổi cao trong đào tạo.
Do hệ thống tín chỉ không chỉ xây dựng riêng cho từng trường hay một số trường mà ý nghĩa của nó là ở chỗ kết nối các môn học theo các phương pháp được thừa nhận trong phạm vi một hệ thống giáo dục. Dù sử dụng hình thức nào, chương trình nào, nhìn vào hệ thống tín chỉ người ta biết kết cấu các môn học ra sao và biết được mặt mạnh, mặt nhẹ của chương trình học. Vì vậy việc chuyển đổi giữa các trường trong cùng một hệ thống với nhau sẽ được dễ dàng. Quan trọng hơn nếu vận dụng hữu hiệu, đặc biệt là khi thiết kế chương trình đảm bảo được tính hội nhập quốc tế cao sẽ giúp cho việc chuyển đổi và được thừa nhận đối với quốc tế. Điều này rất có lợi cho sinh viên, giảng viên Việt Nam khi đi du học.
Do hệ thống tín chỉ cho phép ghi nhận cả những kiến thức và khả năng tích luỹ được ngoài trường lớp để dẫn tới văn bằng, khuyến khích sinh viên từ nhiều nguồn khác nhau có thể tham gia đại học một cách thuận lợi. Về phương diện này có thể nói hệ thống tín chỉ là một trong những công cụ quan trọng để chuyển từ nền đại học mang tính tinh hoa sang nền đại học mang tính đại chúng.
Có tính mềm dẻo và khả năng thích ứng cao.
- Với hệ thống tín chỉ lấy người học làm trung tâm, sinh viên có thể chủ động ghi tên các học phần khác nhau dựa vào những quy định chung về cơ cấu và khối lượng của từng lĩnh vực kiến thức. Nó cho phép sinh viên dễ dàng thay đổi ngành chuyên môn trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết hoặc cho những sinh viên không đủ điều kiện tốt nghiệp có thể chuyển sang một lĩnh vực ngành nghề khác mà không phải học lại từ đầu.
- Với hệ thống tín chỉ, các trường đại học có thể mở thêm ngành học mới một cách dễ dàng khi nhận được thông tin về nhu cầu của thị trường lao động và tính lựa chọn ngành nghề của sinh viên.
- Hệ thống tín chỉ cung cấp cho các trường đại học một ngôn ngữ chung, tạo điều kiện cho sinh viên khi cần chuyển trường ở cả trong nước cũng như ngoài nước.
- Hệ thống tín chỉ mang tính thực tiễn và tính linh hoạt cao do nhà trường có kế hoạch định kỳ xem xét lại chương trình học theo hoàn cảnh thực tiễn và sự đòi hỏi của thị trường lao động nên môn học nào cần thì giữ và phát triển, môn học nào không cần thì sửa đổi hoặc bỏ. Việc thay đổi như vậy không làm ảnh hưởng đến bố cục chung của chương trình học.
Đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo.
- Với hệ thống tín chỉ, kết quả học tập cả sinh viên được tính theo từng học phần chứ không phải theo năm học. Do đó việc chưa đạt một học phần nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục, sinh viên không buộc phải học lại từ đầu. Chính vì vậy giá thành đào tạo theo hệ thống tín chỉ thấp hơn so với đào tạo theo niên chế.
- Nếu triển khai hệ thống tín chỉ, các trường đại học lớn, đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho sinh viên nhiều trường, nhiều khoa, tránh được các môn học được tổ chức trùng lặp ở nhiều nơi. Ngoài ra sinh viên có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức nói trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi và phương tiện tốt nhất cho từng môn học. Kết hợp với hệ thống tín chỉ, nếu trường đại học tổ chức thêm những kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học tích luỹ được từ bên ngoài trường hoặc bằng con đường tự học để cấp cho một chứng chỉ tương đương thì sẽ tạo thêm cơ hội cho họ đạt văn bằng đại học. Ở Mỹ
trên 1000 trường đại học chấp nhận cung cấp tín chỉ cho những kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ được ngoài nhà trường.
- Trong công tác quản lý, hệ thống tín chỉ chỉ là một đơn vị đo lường không chỉ cho các môn học mà còn cho một số khâu về công tác quản lý hành chính, tài chính.
1.3.3.2. Những hạn chế của đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Theo GS Lâm Quang Thiệp, có hai nhược điểm quan trọng của học chế tín chỉ:
a, Cắt vụn kiến thức.
Phần lớn các modun trong hệ thống tín chỉ được quy định tương đối nhỏ, cỡ 3-4 tín chỉ nên thường không đủ thời gian để trình bày kiến thức một cách đầy đủ, theo một trình tự diễn biến liên tục, nên kiến thức của học phần/ môn học bị cắt vụn, làm hạn chế khả năng cung cấp kiến thức logic và tính hệ thống bị chia cắt. Để khắc phục nhược điểm này người ta thường không thiết kế các modun quá nhỏ (dưới 3 TC) và trong những năm cuối cùng người ta thường thết kế các môn học hoặc tổ chức các kỳ thi có tính tổng hợp để sinh viên có cơ hội liên kết, tổng hợp các kiến thức đã học.
b, Khó tạo nên sự gắn kết trong sinh viên.
Do các lớp học theo modun không ổn định, khó xây dựng các tập thể gắn kết chặt chẽ như các lớp theo khoá học niên chế nên việc tổ chức sinh hoạt đoàn thể, quản lý lớp, quản lý sinh viên sẽ gặp khó khăn; tính cộng đồng trong sinh viên giảm sút hoặc có thể hiểu là "chủ nghĩa cá nhân" có nhiều cơ hội trỗi dậy trong sinh viên. Khó khăn này là một nhược điểm thực sự của hệ thống tín chỉ, nhất là trong điều kiện cụ thể của nước ta khi mục tiêu giáo dục của chúng ta luôn coi trọng đào tạo con người toàn diện "vừa hồng vừa chuyên", trong đó việc tổ chức sinh hoạt đoàn thể, tham gia các hoạt động phong trào, thi đua, ... không thể thiếu được trong các nhà trường ở Việt Nam.
Để khắc phục khó khăn này người ta thường xây dựng các tập thể tương đối ổn định ở các lớp khoá học năm thứ nhất và có thể ở cả năm thứ hai khi sinh viên phải học chung phần lớn các modun kiến thức, và đảm bảo sắp xếp một số thời gian xác định không bố trí thời khoá biểu để sinh viên có thể tham gia các sinh hoạt chung của tập thể, của cộng đồng.
Ngoài những hạn chế có tính phổ biến trên, trong thực tiễn tổ chức thực hiện, nhất là trong điều kiện ở nước ta nảy sinh một số trở ngại khác như:
- Khó tạo nên sự gắn kết, liên kết, sự thống nhất và đồng thuận từ quan điểm hệ thống giữa các cơ sở đào tạo trong nước cũng như ngoài nước về nội dung, chương trình ngành/ nhóm ngành đào tạo để chúng chúng trở thành tài sản chung trong yêu cầu liên thông ở cấp độ quốc gia. Để giải trừ khó khăn và xung đột này chắc chắn các trường đại học sẽ phải vượt qua nhiều thử thách và tìm ra những nguyên nhân, biện pháp để tháo gỡ từ những phản vệ của chương trình đào tạo truyền thống của mỗi trường, thậm chí của mỗi ngành / chuyên ngành đào tạo. Không xây dựng được các chương trình liên thông và thừa nhận văn bằng giữa các trường thì việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ sẽ không còn được ý nghĩa như bản thân chúng đã được khẳng định.
- Sự lạm dụng của người học khi được trao quyền lựa chọn cơ cấu kiến thức tích luỹ các tín chỉ sẽ gây những trở ngại nhất định trong tổ chức đào tạo, phân công giảng dạy, bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên và các nguồn lực khác cũng như đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi phải trao quyền cho người học để họ chủ động lựa chọn cơ cấu kiến thức tích luỹ và kế hoạch học tập cá nhân. Có thể nói rằng trao quyền hiện tại là một điểm yếu dễ thấy nhất nhất trong truyền thống dạy học ở Việt Nam khi chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ điều quan trọng là để các giảng viên thật sự đánh giá đúng tầm quan trọng to lớn và lợi ích lâu dài của việc trao lại trời gian làm việc cho người học, trao
lại cơ hội lựa chọn kiến thức và cho người học thông qua các mô hình tích luỹ các tín chỉ kiến thức. Trong thực tế trao quyền thường xuất hiện rào cản là sự lạm dụng trao quyền của cả người học cũng như người dạy, đó là việc "khoán trắng" cho người học, đó là sự "thách đố - rào cản thi cử", trong đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Trong điều kiện hiện nay cũng như trong những năm sắp tới nhiều trường đại học ở nước ta cần nhận diện khi áp dụng hệ thống tín chỉ là vấn đề đáp ứng nguồn nhân lực - nhất là nguồn nhân lực con người. Lựa chọn môn học, lựa chọn người dạy, lựa chọn kế hoạch học tập, ... đều là những áp lực lên nguồn lực của nhà trường. Chỉ khi nào nhà trường sẵn sàng đảm bảo mọi nguồn lực và điều kiện cho việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì khi đó hiệu quả và chất lượng đào tạo theo phương thức này mới có thể được khẳng định và việc tổ chức đào tạo mới nên bắt đầu được thực hiện.
- Thời gian đào tạo của khoá học dễ bị kéo dài: 5,6,7 năm... do chịu ảnh hưởng của sự trao quyền cho người học nên kế hoạch của nhà trường luôn bị chi phối, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức đào tạo và quản lý sinh viên.