- Yêu cầu thực tiễn của đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
1.3.4. Những yêu cầu trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
1.3.4.1. Xây dựng chương trình đào tạo
a, Ba yêu cầu chính của chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ
- Quy hoạch tường minh khối lượng, nội dung và trình độ kiến thức người học phải tích luỹ để đạt văn bằng chứng chỉ.
- Quy hoạch liên thông giữa các khối kiến thức/học phần trong chương trình đào tạo để người học tích luỹ một cách linh hoạt. Đây là yếu tố cốt lõi để thực hiện mục tiêu của hệ thống tín chỉ.
- Mỗi học phần phải có đề cương chi tiết được soạn kỹ kèm theo tập bài giảng, tài liệu tham khảo và một phần ngân hàng câu hỏi tự luân hoặc trắc nghiệm khách quan cung cấp cho người học.
b, Về khối lượng
- Khối lượng tích luỹ xây dựng dựa trên quỹ thời gian của người học và độ phức tạp của chương trình đào tạo để có thể tích luỹ đủ số tín chỉ của chương trình của ngành/ chuyên ngành đào tạo. Ví dụ: 4 năm x 7 tháng thực học x 4 tuần x 5 ngày x 8 giờ thực học = 4480 giờ.
- Tín chỉ hay đơn vị học trình là đơn vị đo khối lượng công sức (thời lượng và trí tuệ) người học phải bỏ ra để tích luỹ năng lực. Tuỳ theo loại năng lực (năng lực trí tuệ, năng lực vận hành hay năng lực xã hội, ...) mà công sức bỏ ra để tiếp thu khác nhau, giao động từ 15 giờ (cho lý thuyết) đến 45 giờ (cho thực hành) cho 1 tín chỉ. Như vậy số tín chỉ để đạt một bằng cử nhân đào tạo trong 4 năm khoảng 150-180 tín chỉ. Trong thực tế số giờ thực học còn ít hơn do các hoạt động ngoại khoá trong 4 năm là rất nhiều nên phần lớn các nước xây dựng chương trình đào tạo chỉ gồm từ 130 -140 TC.
c, Về nội dung
- Nội dung tổng quát và cũng là mục tiêu đào tạo năng lực nói chung bao gồm 3 loại năng lực:
+ Năng lực nhận thức (8 bậc) và năng lực tư duy (4 bậc) +Năng lực thực hành (5 bậc)
+ Năng lực xã hội (3 bậc).
- Nội dung cụ thể đối với từng ngành đào tạo, cần phải xây dựng chương trình dào tạo đảm bảo người học được đào tạo về:
+ Năng lực xử lý thông tin của ngành
+ Năng lực giải quyết vấn đề hay ra quyết định cho ngành.
d, Về trình độ kiến thức
Tối thiểu phải bao gồm 4 trình độ sau đây :
+ Trình độ 100: chủ yếu gồm các kiến thức đại cương và cơ bản của ngành, chỉ cần dùng kiến thức phổ thông trung học là học được.
+ Trình độ 200 : gồm kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành, ngoài kiến thức PTTH còn phải dùng kiến thức 100 mới học được.
+ Trình độ 300 : gồm các kiến thức cơ sở nâng cao của ngành, phải dùng kiến thức 100 và 200 mới học được.
+ Trình độ 400 : gồm các kiến thức nhập môn các chuyên ngành của ngành, phải dùng các kiến thức của 3 trình độ trên mới học được.
Ngoài ra, chương trình đào tạo theo tín chỉ có thể có thêm các trình độ: + Trình độ dưới 100 : gồm các kiến thức PTTH bổ sung hoặc nâng cao để học trình độ 100. Các học phần này không có giá trị tích luỹ, mà chỉ là điều kiện tiên quyết cho một học phần nào đó trong chương trình đào tạo.
+ Trình độ trên 400 : gồm các kiến thức chuyên ngành nâng cao hoặc chuyên sâu, có thể dùng để tích luỹ kiến thức cho đủ khối lượng văn bằng quy định hoặc thuần tuý bổ sung năng lực tuỳ theo mục tiêu của người học.
e, Về quy hoạch liên thông
Quy hoạch liên thông không chỉ đảm bảo cho ngưòi học chủ động tích luỹ kiến thức đáp ứng yêu cầu của cơ sở sử dụng nhân lực mà còn góp phần tạo nên hiệu quả đào tạo cho người học và cơ sở đào tạo.
Các nguyên tắc chính trong quy hoạch liên thông của một chương trình đào tạo là :
+ Tỷ lệ khối kiến thức tự chọn và tuỳ chọn trên khối kiến thức bắt buộc ít nhất là 1/1, cao nhất là 2/1.
+ Cùng một khối kiến thức chỉ nên có một đề cương chi tiết tối thiểu được dùng chung cho nhiều ngành đào tạo có mục tiêu tương tự nhau. Và nguyên tắc, nếu cùng một khối kiến thức có nhiều đề cương chi tiết khác nhau người học được phép lựa chọn để tích luỹ.
f, Về đề cương chi tiết soạn kỹ
Mỗi học phần cần có đề cương chi tiết soạn kỹ để người học biết phải học như thế nào mới đạt yêu cầu; các giảng viên phải biết mục tiêu môn học để dạy học cho kết quả tương đương và người quản lý quản lý được chất lượng của việc học từng học phần.
Yêu cầu tối thiểu của một đề cương học phần phải có:
+ Mục tiêu cụ thể cho từng kiến thức trong học phần, nghĩa là phải nắm
được và vận dụng được kiến thức đó đến mức nào.
+ Yêu cầu về kiểm tra đánh giá học phần đó như thế nào (gồm điểm thành phần, loại hình gì và vào thời gian nào).
1.3.4.2. Tổ chức quản lý trong đào tạo
Hệ thống đào tạo theo tín chỉ có những đặc trưng và tính ưu việt của nó, song việc tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, ... là một vấn đề khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải đảm bảo hệ thống đồng bộ các yếu tố về quan điểm, tổ chức, chương trình, nội dung, phương thức tổ chức, đánh giá; sự hội nhập về kiến thức, chương trình, công nhận văn bằng, chứng chỉ lẫn nhau, ...
Do vậy, khi tổ chức đào tạo theo tín chỉ một số vấn đề thực tiễn cơ bản sau đây cần được đảm bảo để cho việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ có chất lượng và hiệu quả:
Thứ nhất, đối với các nhà quản lý, cần có sự thay đổi một cách toàn diện
và triệt để hơn từ tư duy đến phong cách phục vụ trong toàn bộ hệ thống giáo
dục đại học nước ta cũng như cần tạo ra được sự thống nhất ý chí giữa các cấp lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên trong nhà trường, thay đổi cách tiếp cận vấn đề, từ đó xây dựng lộ trình và các điều kiện thực hiện một cách có hệ thống, chuẩn mực và có bước đi chắc chắn.
Thứ hai, Cần có một hệ thống công cụ quản lý đầy đủ, đó là quy chế đào
tạo và hướng dẫn đầy đủ các quy định đáp ứng cho cả các quy trình đào tạo và
các phương thức đào tạo.
Ngày 15/8/2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thông tín chỉ.Vấn đề quan trọng hiện nay là cần triển khai chi tiết, cụ thể Quy chế này vào điều kiện của từng trường như thế nào ? và đặc biệt là cần có sự thống nhất quan điểm, quan niệm, ... giữa các trường, các cơ quan chức năng, các ngành đào tạo, ... về tất cả các vấn đề có liên quan, nhất là về nội dung, chương trình, quy trình đào tạo, thừa nhận văn bằng, chứng chỉ, ... Đây là vấn đề khó khăn và đang là vấn đề cản trở cho việc triển khai đào tạo theo tín chỉ trên phạm vi cả nước, nhất là ở các trường chưa đủ điều kiện để đảm bảo cho đào tạo theo phương thức này.
Ở mỗi trường khi triển khai quy chế đào tạo theo tín chỉ cần thiết phải có các quy định chi tiết theo từng lĩnh vực hoạt động, trong đó có việc quy định về cách thức xây dựng mã môn, tên học phần, số ĐVHT, đơn vị quản lý, ...
cũng như các biểu mẫu, văn bản, tài liệu hướng dẫn học tín chỉ, lập kế hoạch và đăng ký học phần cho sinh viên, các tài liệu dùng cho cố vấn học tập, ...
Trong công tác quản lý đào tạo và công tác sinh viên, cần thiết phải tìm hiểu và lựa chọn phần mềm quản lý đào tạo theo hệ tín chỉ thích hợp để vận hành thống nhất trong toàn trường và ở từng công đoạn công việc và quản lý đến từng sinh viên (vì mỗi sinh viên sẽ được quyền lựa chọn chương trình học tập cho riêng mình).
Thứ ba, Cần có một lộ trình đào tạo cụ thể để người học lựa chọn.
Nếu như đào tạo theo niên chế, kế hoạch học tập của khoá học được thiết kế chung cho một tập thể (có thể một lớp hoặc một chuyên ngành) thì theo hệ thống tín chỉ thiết kế riêng phù hợp với sự lựa chọn của sinh viên. Điều đó có nghĩa là nhà trường phải có lộ trình cụ thể để người học lựa chọn. Người học có thể lựa chọn đường đi phù hợp với điều kiện riêng của mình: hoặc là có thể tương ứng với phương thức học niên chế hoặc là có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian tuỳ theo điều kiện của mình. Lộ trình đó chính là kế hoạch học tập toàn khoá học kế hoạch này phải thể hiện đầy đủ mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo, thời gian thực hiện với nhiều phương thức linh hoạt. Kế hoạch đào tạo này phải cung cấp đầy đủ cho người học và công khai trên mạng hoặc theo các kênh thông tin khác để người học tra cứu. Kinh nghiệm của nhiều trường đại học đã áp dụng thành công hệ thống tín chỉ là đã công khai toàn bộ kế hoạch học tập của khoá học và cung cấp cho học viên ngay từ khi nhập trường.
Thứ tư, Cần phải hoạch định, xây dựng và cung cấp đầy đủ thông tin cho
người học về chương trình, nội dung đào tạo, học tập, giảng dạy một cách
khoa học và năng động. Nội dung chương trình đào tạo phải đáp ứng thoả mãn các nhu cầu của sự phát triển, của các yếu tố đi trước của tri thức đào tạo,
nhưng phải vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của phía người tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực. Nội dung đào tạo này được thể hiện qua phần mô tả môn học, đề cương chi tiết, tài liệu tham khảo, ...
Đây là những yêu cầu rất cao của việc tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, khi mà chương trình đào tạo này phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản là:
- Quy hoạch tường minh khối lượng, nội dung và trình độ kiến thức người học phải tích luỹ để đạt văn bằng tích luỹ;
- Quy hoạch liên thông giữa các khối kiến thức/ học phần trong chương trình đào tạo để người học tích luỹ một cách linh hoạt. Đây là yêu cầu cốt lõi để thực hiện mục tiêu của hệ thống tín chỉ.
Thứ năm, Cần có một hệ thống giáo trình, tài liệu học tập, đề cương bài
giảng của trường, các tài liệu tham khảo và hệ thống thông tin- thư viện đáp
ứng đầy đủ nhu cầu của người dạy và người học.
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ sẽ phát huy cao độ tính tích cực của sinh viên. Tuy nhiên, để sinh viên thực sự phát huy được tính tự chủ, tích cực trong học tập thì nhà trường phải tạo ra môi trường cho họ tự chủ. Một trong những điều kiện quan trọng để sinh viên phát huy được tính tự chủ là nhà trường phải có hệ thống giáo trình, tài liệu học tập đầy đủ. Song trong điều kiện của hầu hết các trường đại học của ta hiện nay, trong đó có Trường Đại học Trần Đại Nghĩa khi nhà trường mới bắt đầu chuyển đổi, số lượng giáo trình, tài liệu chủ yếu biên soạn khi đang áp dụng theo niên chế. Vì vậy hệ thống giáo trình này liệu có còn phù hợp với tính tự chủ của sinh viên hay không? Nhưng để việc tự học tập, nghiên cứu của sinh viên thực sự có hiệu quả thì hệ thống giáo trình, tài liệu biên soạn sao cho phù hợp với điều kiện sinh viên có thể tự nghiên cứu được. Nhiều ý kiến hiện nay và dường như được xã hội đồng tình ủng hộ là đối với một môn học không nhất thiết chỉ sử
dụng một giáo trình mà có thể sử dụng nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo khác nhau. Nhà trường chỉ cần quy định thống nhất nội dung chương trình của môn học, nội dung thi. Còn việc tiếp cận nội dung đó như thế nào và sử dụng tài liệu nào thì do từng giảng viên đó thực hiện.
Cần có hệ thống thông tin, thư viện đảm bảo không những thoả mãn về các nguồn tài liệu phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên mà còn thoả mãn cả về diện tích, kết cấu không gian, trang thiết bị với hệ thống tra cứu nhanh, thuận tiện và hiện đại.
Thứ sáu, Đào tạo theo hệ thống tín chỉ cần có hệ thống giảng đường và
cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy đảm bảo.
- Hệ thống giảng đường và cơ sở vật chất đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng, và đặc biệt khi áp dụng hệ thống tín chí thì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công của việc chuyển đổi. Do vậy đào tạo theo hệ thống tín chỉ cần nhiều phòng học đa chức năng, đa phương tiện cũng như các phòng học đa dạng khác thuận tiện cho việc tổ chức học lý thuyết, hướng dẫn thảo luận, thực hành-thực tập trên lớp, nghiên cứu giảng dạy và học tập qua internet, qua giáo án điện tử, ... theo các lớp ghép, lớp đơn, lớp nhỏ, ...
- Phải có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ cho việc đăng ký học, thông báo kế hoạch, nội dung, chương trình học tập; thông báo kết quả học tập, tài liệu tham khảo, ...
Thực tế trong nhiều năm qua một số trường áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý và phục vụ giảng dạy đã gặt hái được những thành công nhất định khi chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Ngược lại, những trường chưa đủ điều kiện về công nghệ thông tin như hệ thống máy tính, hệ thống mạng internet, phầm mềm quản lý, ... đã gần như thất bại trong
việc chuyển đổi. Với hạ tầng công nghệ thông tin tốt cần có đội ngũ nhân viên thành thạo tin học mới có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của toàn bộ sinh viên. Hệ thống thông tin tốt còn giúp các nhà quản lý xây dựng chương trình đào tạo tới từng sinh viên từ khâu đăng ký học, bố trí lớp học phần, quản lý điểm thi, quản lý và xét tốt nghiệp, ... Vì vậy cần phải có phần mềm đủ mạnh
để giúp nhà trường quản lý tất cả các hoạt động, kết quả học tập, giảng dạy và có thể đó là phần mềm thông minh nhất.
Thứ bảy, Trong đào tạo theo tín chỉ việc giảm tải giờ học trên lớp,
chuyển tải giờ đọc bài giảng thành giờ tự học, tự nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau như thảo luận trên lớp, làm bài tập, tiểu luận ở nhà, ... theo
hướng dẫn của giảng viên. Do vậy, việc xác định cơ cấu phân bổ giờ giảng phần lý thuyết với giờ học thực hành, làm bài tập, tự nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tế, thực tập, ... cho từng học phần/ môn học là hết sức quan trọng và phải được tường minh cho các học viên trong toàn bộ chương trình của khoá học.
Thứ tám, Trong đào tạo tín chỉ, giảng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt
lịch trình giảng dạy và giảng viên có vai trò quyết định trong tổ chức giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
- Hệ thống tín chỉ đòi hỏi giảng viên phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình
giảng dạy. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa đào tạo theo niên chế với đào tạo theo tín chỉ. Nếu như theo niên chế, giảng viên có thể điều chỉnh lịch giảng và tổ chức học bù một cách linh hoạt thì theo hệ thống tín chỉ việc này sẽ rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là do sinh viên học theo lớp học phần được tổ chức từ nhiều chuyên ngành khác nhau, mỗi người có một thời khoá biểu riêng.Việc tổ chức học bù khó đáp ứng được mọi người trong lớp, vì vậy mà yêu cầu giảng viên phải tuân thủ đúng lịch trình giảng dạy.