Hệ thống nhân vật trong Tám triều vua Lý

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 63 - 87)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Hệ thống nhân vật trong Tám triều vua Lý

Để tái hiện lại bức tranh triều đại nhà Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dụng công xây dựng số lượng nhân vật lịch sử đông đảo với nhiều lớp nhân vật khác nhau như: nhân vật thiền sư, đạo sư; nhân vật hoàng đế; nhân vật tướng lĩnh; nhân vật quần chúng,… Những nhân vật lịch sử này không chỉ đóng vai trò tái hiện lại lịch sử mà còn giúp nhà văn tái hiện lại ý đồ nghệ thuật của mình.

2.2.2.1. Nhân vật thiền sư, đạo sư

Ở bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, nhân vật thiền sư luôn có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội lúc bấy giờ. Các vị thiền sư là những người đã gián tiếp giúp cho các vị hoàng đế trong việc xây dựng và cải tạo xã hội, đưa đất nước đi vào con đường thịnh trị nhất.

Trong Tám triều vua Lý, thiền sư Vạn Hạnh là người có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển vương triều nhà Lý, ông đã khẳng định

vai trò lịch sử của mình trong buổi đầu xây dựng đất nước. Dưới cái nhìn của Hoàng Quốc Hải, thiền sư Vạn Hạnh là người luôn tiên đoán được thời cuộc. Bởi vậy, lần đầu tiên mới nhác thấy Công Uẩn ở chùa Kiến Sơ, không kìm nén được, ông đã buột miệng nói ra: “Thằng bé này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn trong đời trở thành đấng vua giỏi trong thiên hạ” [27, 324]. Từ đấy, Vạn Hạnh nuôi dạy Công Uẩn nên người, thay vì rèn cho Công Uẩn trở thành người xuất gia xả tục, ông lại dạy cho Công Uẩn cái tâm của nhà Phật, các yếu ước của nhà Nho, và cả binh thư, đồ trận, thiên văn, địa lý,… rồi tiến cử người học trò của mình vào giữ một chức quan võ trong triều đình nhà Lê. Trước những biến động của thời đại, sự xuất hiện của Vạn Hạnh như một vị cứu tinh vĩ đại cho dân tộc. Khi thấy Lê Long Đĩnh bạo ngược, trăm họ sống trong cảnh lầm than, thiền sư cho rằng để thay đổi vận mệnh đất nước không gì hơn là phải đổi ngôi vua. Lúc này Lý Công Uẩn đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ của triều Lê, thiền sư đã vận động quần thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập ra nhà Lý. Về sau, cũng chính thiền sư đã tham mưu cho Lý Thái Tổ trong việc dời đô, từ kinh đô Hoa Lư về Thăng Long, để tính kế phồn thịnh lâu đời cho con cháu. Không chỉ có vậy, thiền sư Vạn Hạnh còn chỉ dạy vua Lý Thái Tổ trong việc trị nước cũng như việc tâm linh trong những ngày đầu ông lên nắm quyền trị vì thiên hạ.

Qua những việc làm trên, có thể thấy Vạn Hạnh thiền sư đã có công rất lớn trong việc tạo lập ra vương triều nhà Lý. Ở ông có sự kết hợp hài hòa, đẹp đẽ giữa ý thức của một công dân hết lòng phụng sự đất nước với tư tưởng phù hợp và tốt đẹp nhất của nhà Phật. Một hôm, vào đúng ngày trăng rằm, sư gọi các đệ tử vào thiền phòng đọc cho nghe bài kệ. Sau khi đọc xong lời kệ, Vạn Hạnh ngồi trong thế kiết già, sư ra đi trong tình trạng tỉnh thức,

không ốm đau bệnh tật gì. “Không ai không tỏ lòng thương tiếc một thiền tăng đã suốt đời phụng sự quốc gia dân tộc và đạo pháp” [27, 577].

Cũng như thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Đa Bảo hiện lên là một người đạo cao đức trọng, với “nụ cười tươi rói, gương mặt phúc hậu, nom thiền sư có nét hao hao Phật Di Lặc, là người tu theo hỉ đạo” [27, 120]. Ông cùng với thiền sư Đạo Hạnh luôn hết lòng giúp vua Lý Thái Tổ trong việc dựng nước và điều hành triều chính. Khi nhà vua xin ý kiến về việc dời đô, thiền sư chỉ nói một câu rất khôi hài, nhưng ẩn chứa trong đó bao nhiêu ngụ ý: “Tâu bệ hạ, việc dời đô cũng như việc thay áo. Áo cũ đã rách vá, lại chật thì phải may áo mới, có phải không thưa chư vị” [27, 98].

Cùng với hai thiền sư Vạn Hạnh và Đa Bảo, thiền sư Định Hương cũng là một vị quân sư tài ba giúp vua Lý Thái Tông đưa ra kế sách, thời cơ đối phó với các nước Chiêm Thành, Chân Lạp. Nắm bắt được tình hình suy yếu của các nước láng giềng này, thiền sư Định Hương cho rằng “các nước từ lâu không tuế cống… không cần phải thảo phạt, sát hại sinh linh vô tội làm gì. Bệ hạ chỉ cần gửi một chiếu thư thăm hỏi, rồi trách nhẹ quốc vương nước họ. Nói rõ cái đạo nước lớn nên quan hệ thế nào cho hòa hiếu… Còn mặt Bắc, nhà Tống ngày một suy yếu… Bây giờ mới đúng thời cho bệ hạ, để triều Lý ta chấn hưng mọi mặt như bệ hạ mong muốn… Ta nói để nhà vua rõ, cả ngàn năm mới có một cơ hội trời cho như thế này” [27, 278 - 279].

Ngoài ra, trong trang văn của Hoàng Quốc Hải, thiền lão Lâm Huệ Sinh được các bậc vương tôn như thái tử Lý Nhật Trung, thái tử Lý Hiển Minh yêu quý và ngưỡng mộ, thường qua lại chùa Vạn Tuế để tham vấn học hỏi sư về đạo thiền. Các quan đầu triều như thái sư Lương Nhậm Văn, thái bảo Đào Xà Trung cũng thường lui tới viếng sư để bày tỏ vướng mắc, mong được khai thị. Mặc dù đã xuất gia, nhưng thiền sư Huệ Sinh luôn sát cánh bên vua Lý Thánh Tông trong việc trị nước và đưa ra kế sách để đối phó với giặc ngoại xâm.

Có thể nói, các bậc thiền sư trong Tám triều vua Lý, họ không chỉ là những vị bồ tát làm sống dậy cái tâm của con người, họ còn là những anh hùng trong thời cuộc. Trong mọi công việc, các vị làm mà không cậy công, thành công rồi họ lại lặng lẽ đứng ra bên lề xã hội. Điều mà các vị thiền sư hướng tới đó là hạnh phúc của muôn dân, là sự hưng thịnh của đất nước.

Nhằm tạo nên sự đa dạng ở hệ thống nhân vật, ngoài nhân vật thiền sư, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng đã dành không ít tâm huyết miêu tả các bậc đạo sư. Tác giả đặt nhân vật đạo sư bên cạnh nhân vật thiền sư với mục đích làm nổi bật vai trò của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng. Số lượng đạo sư trong tác phẩm khá nhiều, nhưng hầu như không đóng vai trò gì trong quá trình xây dựng và cải cách đất nước. Kiểu nhân vật này xuất hiện chỉ nhằm giải quyết những thắc mắc mang tính chất cá nhân. Chẳng hạn, đạo sĩ từ Tây Thiên về cung chỉ để huấn giảng cho Khai Hoàng vương cái đạo nhiếp sinh trước khi chàng làm lễ nạp phi; hay nguyên phi Ỷ Lan đến quán Thái Thanh gặp đạo sĩ Lưu Khánh chỉ để nghe giảng về sự trường sinh bất tử.

2.2.2.2. Nhân vật hoàng đế

Nhân vật hoàng đế thuộc tầng lớp thống trị, đứng đầu một triều đại, nắm mọi quyền lực trong việc điều hành xã hội. Đây là những nhân vật có thật trong lịch sử, được ghi chép khá đầy đủ trong chính sử. Trong tác phẩm, Hoàng Quốc Hải đã xây dựng khá đầy đủ chân dung các vị vua nhà Lý, từ ông vua khởi nghiệp Lý Thái Tổ đến những vị vua tự đào hố đưa sự nghiệp nhà Lý ngày một xuống dốc. Có những vị vua nhà văn chỉ điểm qua một vài nét, nhưng cũng có những vị vua ông dành nhiều tâm huyết để khắc họa về sự nghiệp, cuộc đời với một sự đồng cảm xen lẫn kính phục.

Hình ảnh nhà vua khởi nghiệp nhà Lý đã từng xuất hiện trong tiểu thuyết Lê triều Lý thị của Phạm Minh Kiên, xuất bản năm 1931 ở Nam Bộ.

Ở tác phẩm này, nhà văn không tập trung sự chú ý vào việc điều hành vương triều của nhà vua mà chỉ dựa vào một số trang viết về Lý Công Uẩn trong sách Đại Việt sử ký, Đại Nam thực lục tiền biên, Việt Nam sử lược để khắc họa nên hình tượng vị minh quân Lý Công Uẩn. Trong tiểu thuyết của Phạm Minh Kiên, Lý Công Uẩn đã trải qua bao sóng gió, bắt đầu quãng thời gian hành hiệp và kết giao anh hùng, cướp của người giàu để chia cho dân nghèo cho đến khi lập được nhiều công trạng, lên ngôi chí tôn, mở ra một thời kì thái bình thịnh trị kéo dài, và đặt nền móng vững chắc để xây dựng một đất nước văn hiến hùng mạnh ở cõi trời Nam. Ở bộ tiểu thuyết

Tám triều vua Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải lại khắc họa Lý Công Uẩn với một hình ảnh khác. Đó là một vị vua có trách nhiệm về vai trò và vị thế của mình, luôn suy tư trăn trở đến vận mệnh của đất nước, luôn mong muốn đem lại lợi ích cho những người dân nghèo khổ. Ngoài ra, tác giả đã hư cấu thêm, đặt nhân vật vào những hoàn cảnh đặc biệt để thể hiện tâm lí, tính cách phù hợp với đặc điểm của nhân vật tiểu thuyết. Vì vậy, vua Lý Thái Tổ hiện lên trong tác phẩm toàn diện hơn, sống động hơn.

Vua Lý Thái Tổ trong tập Thiền sư dựng nước bắt đầu khởi nghiệp khi nhà Lê suy thoái tới cùng cực, vua Lê Long Đĩnh hoang dâm vô độ đến nỗi kiệt sức mà chết. Vừa lên ngôi, Lý Thái Tổ đã thi hành một số sách lược nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân. Việc đầu tiên ông làm là cho phá bỏ tất cả các hình thức xử tội man rợ được lập ra từ thời nhà Đinh như: ném người vào vạc dầu, nhốt tội nhân vào chuồng hổ, báo cho thú dữ ăn thịt, đẩy tội nhân xuống hầm rắn độc,… Ngoài ra, trong mười tám năm trị vì, vua Lý Thái Tổ cũng đã ba lần xuống chiếu tha toàn bộ số tô thuế ruộng đất cho dân chúng trong cả nước và hàng năm cứ đến mùa giáp hạt, kho lúa của nhà nước sẽ mở cho dân nghèo vay, tới khi mùa vụ gặt hái phơi phóng xong, dân lại đem tới kho để trả. Làm như vậy người dân sẽ không bị bọn nhà giàu bóc lột nữa, và hạt lúa trong kho cũng không bị mối mọt.

Không chỉ lo cho dân có cái ăn cái mặc, Lý Thái Tổ còn cho soạn bộ luật mới nhằm mang lại lợi ích cho trăm họ. Ông nói: “Chớ có soạn luật văn chỉ có lợi riêng cho ta và các khanh mà để thiệt hại cho trăm họ, thì đấy sẽ là đầu mối của mọi sự bất công”. Và “lợi quyền của ta và chư khanh phải hòa đồng vào lợi quyền của bách tính” [27, 174]. Qua đó có thể thấy, trong lịch sử cổ kim từ khi có tổ chức nhà nước, thì chưa có một nhà nước nào đã làm được những việc phi thường, nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân như triều Thuận Thiên của vua Lý Công Uẩn.

Về việc dùng binh, vua Lý Thái Tổ đã khéo léo tận dụng sức dân trong thời kì nông nhàn, nhằm tiết kiệm ngân khố. “Nhà nước chỉ nuôi một đội quân tinh nhuệ rất nhỏ, gọi là chính binh. Ngoài ra, còn có đội thường binh lấy tất cả trai tráng trong nước từ mười tám đến ba nhăm tuổi, mỗi năm phải tập hợp về lộ, rèn luyện trong một hai tháng, chia làm hai kỳ nông nhàn vào tiết xuân, thu. Đội quân này phải mang lương thực từ nhà đi dùng đủ trong thời gian luyện tập. Triều đình chỉ cung cấp binh khí, cử người có võ học cao về huấn hỗ. Hết thời gian rèn tập, mọi người lại trở về nhà cày ruộng” [27, 127]. Ngay từ khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã nghĩ phải chọn cho đất nước một kinh đô xứng đáng, có thể thấy đây là sáng kiến vĩ đại có tính chất bước ngoặt trong lịch sử nước ta. Ông muốn dời đô là bởi “động Hoa Lư vừa nhỏ hẹp, vừa không thuận cho việc giao lưu. Đất chật, dân nghèo, thật không xứng làm đất đế đô… Nay thế nước đã khác xưa rồi. Ta khoan nới sức dân. Nhất định sức người sức của sẽ do đấy mà giàu thịnh lên” [27, 88]. Chủ trương của ông đã được triều đình và dân chúng ủng hộ. Bài Chiếu dời đô tự tay ông viết, được coi là một áng văn kiện lịch sử quý giá, đồng thời có giá trị văn chương kiệt xuất.

Lý Thái Tổ còn là một anh hùng trong các cuộc kháng chiến. Bản thân nhà vua đã tự đưa ra kế sách để đối phó và chiến thắng bọn giặc phản

loạn người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí. Về ngoại giao, nhà Tống đã quý trọng và sắc phong cho ông làm An Nam quận vương. Các nước như Chân Lạp, Chiêm Thành đều kính nể và triều cống hàng năm. Sinh ra và lớn lên tại chùa, được các sư nhận làm con nuôi nên vua Lý Thái Tổ rất chú trọng việc xây dựng chùa chiền, với mục đích khai trí cho nhân dân. Trong buổi sơ triều, nhà Lý đã lập ra được nhiều chùa và thày chùa kiêm nhiệm luôn các chức năng phù hợp với hoàn cảnh xã hội vào thời điểm lịch sử đó. Qua những việc làm trên, có thể thấy, Lý Thái Tổ là một vị vua anh minh, cả cuộc đời ông luôn gắn với những cải cách nhằm mang lại lợi ích cho dân chúng. Ông luôn mong muốn có một xã hội công bằng với tất cả mọi người.

Người kế nghiệp vai trò phục hưng đất nước là Lý Thái Tông. Ngay từ thuở nhỏ, Đức Chính là người được Lý Thái Tổ bằng lòng nhất, bởi “Phật Mã là đích trưởng tử…, lại siêng học hành, có lòng thương kẻ khó, không ỷ mình là con vua mà xa dời đám dân lao khổ” [27, 192]. Khi còn là hoàng thái tử, Phật Mã đã được vua cha cho đi mở phủ để được gần dân, thấu hiểu được nỗi khó nhọc của nhân dân. Vì vậy, ngay từ khi lên ngôi, năm 1042 vua Lý Thái Tông đã cho soạn thảo bộ luật Hình thư. Đây là bộ luật được soạn ra dựa trên quyền lợi của dân chúng, chứ không phải nhằm bảo vệ lợi ích cho người giàu và người cầm quyền. Sau khi luật ban ra, triều đình đã cử các quan về tận nơi thôn cùng xóm vắng nghe ngóng, thu thập qua các vụ xét xử. Nếu điều nào phù hợp với lợi ích của người dân thì giữ nguyên, điều nào dân cho là không công bằng thì vua cho sửa lại. Kết quả là “nhiều đám thưa kiện được xử bằng luật mới, phép xử xem ra rõ ràng, thông thoáng, công bằng, quan xử kiện thấy yên tâm; người dân cho đó là một sự tiện lợi chưa từng có; bởi kẻ thua đều thấy thoải mái, không bị oan ức” [28, 545].

Lý Thái Tông còn là vị vua rất coi trọng việc nông trang. Nhà vua đã học hỏi và tự tìm ra phương pháp dệt gấm. Các cung nữ lớn tuổi trong cung không muốn về quê, ngài đã cấp đất và tiền bạc, cho ra ngoài lập trại trồng dâu, chăn tằm và dệt lụa. Chính ngài đã dạy cho cung nữ dệt gấm và tự mình mặc loại gấm nội ấy để thiết triều, ngài khẳng định: “Ta sẽ có gấm Việt. Nhất định sẽ có Việt gấm. Gấm của nước ta” [28, 367], “người Việt phải mặc vải lụa Việt, gấm, đũi Việt” [28, 359]. Ngoài ra, vua Lý Thái Tông còn mở kho dự trữ các loại gấm mua của nhà Tống thường may triều phục cho các quan, phát hết cho mọi người đem về cho gia đình. Từ đó, tất cả các quan đều phải mặc triều phục may bằng gấm nội. “Mình phải tự sản ra được các đồ cần yếu để khỏi phải mua, khỏi phải phụ thuộc vào nước ngoài… Từ nay, ta cấm không được nhập vải vóc của người Tống nữa. Phải tự sản ra mà dùng. Việc dùng hàng nội phải bắt đầu từ triều đình, từ ta” [28, 480].

Không những thế, hàng năm Lý Thái Tông còn tự mình cày ruộng tịch điền để khuyến cáo nhân dân chăm lo việc nông trang, và tự cày cấy lấy gạo thơm để làm xôi dâng lên tổ tiên. Các quan xúm vào can, vua liền nói: “Nếu trẫm không tự cày ruộng thì lúa gạo đâu mà làm xôi cúng tổ tiên

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 63 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w