6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Cốt truyện và cốt truyện tiểu thuyết
Một tác phẩm tự sự, dù lớn hay nhỏ, thường có cốt truyện. Cốt truyện là hệ thống các sự kiện, biến cố được tổ chức một cách chặt chẽ, có tác động qua lại theo một ý đồ nghệ thuật đã được định sẵn. Cốt truyện bộc lộ mâu thuẫn của đời sống, những xung đột của xã hội, phản ánh bức tranh hiện thực một cách rộng lớn, khắc họa tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề tư tưởng và cá tính sáng tạo của nhà nghệ sĩ.
Ở thể loại tiểu thuyết, cốt truyện thường chiếm vị trí quan trọng, nó được xem là yếu tố cơ bản để tạo nên sự thành công của mỗi tác phẩm. Raxun Gamzatop từng nói: “Đá quý phải xem trong khung, nhìn người phải nhìn trong nhà, đánh giá tác phẩm nghệ thuật phải bắt đầu từ cốt truyện”. Một bộ tiểu thuyết hấp dẫn muốn lôi cuốn người đọc, đòi hỏi tác phẩm đó phải có cốt truyện độc đáo. Thông qua cốt truyện, cá tính, tài năng và phong cách nhà văn phần nào sẽ được bộc lộ. Nhận thức rõ điều này, trong quá trình sáng tác, các nhà văn hiện đại đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi những cốt truyện có hình thức mới lạ, nhằm tạo nên sự phong phú, đa dạng trong việc tái hiện cuộc sống và thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình.
Trong quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Tám triều vua Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng cốt truyện. Ông cho rằng, điều quan trọng khi viết tiểu thuyết lịch sử là phải làm sống lại lịch sử để nó trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Muốn làm được điều đó thì cần phải hư cấu, nhưng hư cấu phải hợp lý và phải có giới hạn, nếu
không nó sẽ làm mất đi tính chân thực của lịch sử. Nhưng nếu trung thành tuyệt đối với sử liệu thì sẽ làm cho người đọc có cảm giác nhàm chán. Nhà văn từng bày tỏ: “Cái khó nhất khi thực hiện là làm sao cho người đọc thấy đây đúng là lịch sử, hình dung ra bức tranh toàn diện về lịch sử mà không phải là những mảnh chắp vá của lịch sử. Muốn làm được như vậy nhà văn phải đi vào giải mã lịch sử” [64]. Bởi vậy, ở Tám triều vua Lý, Hoàng Quốc Hải đã chọn cho mình một lối đi riêng, đó là vừa trung thành với các sự kiện lịch sử, vừa hư cấu để tạo nên cốt truyện với nhiều đoạn mạch khác nhau cùng đan xen, khiến cho câu chuyện nhà văn kể luôn nhất quán nhưng cũng không kém phần đa dạng.