Giọng chiêm nghiệm, suy tư

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 113 - 115)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.2. Giọng chiêm nghiệm, suy tư

Không chỉ thể hiện giọng điệu khách quan trung tính để trần thuật các sự kiện, Hoàng Quốc Hải còn để cho nhân vật tự chiêm nghiệm và phát biểu ý kiến của mình về nhân tình thế thái trong cuộc đời. Theo nhà văn, mọi sự chiêm nghiệm, suy tư đều bắt nguồn từ chính sự nhận thức ở cái tôi của nhân vật. Đó là những trăn trở về lịch sử, những suy ngẫm về số phận con người mà trong thực tế nhân vật đã đúc kết lại được, họ muốn thổ lộ để mọi người cùng hưởng ứng nhằm hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Tám triều vua Lý, giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư chủ yếu được thể hiện ở các vị vua và một số tướng lĩnh trong triều đình. Từ những trải nghiệm trong thực tế, họ đã đúc kết nên những điều tâm huyết, từ đó thuyết giảng các vấn đề để quan trong triều đình thấu hiểu mà thực hiện sao cho hợp lòng dân. Khi lên ngôi vua, Lý Thái Tông đã cùng các quan đầu triều bàn bạc về vấn đề giới hạn lãnh thổ của nước ta, nhằm bố cáo cho người dân cả nước biết được cương thổ của nước ta từ đâu tới đâu. Với niềm tự hào, nhà vua rưng rưng xúc động nói: “Đất nước tức là quốc gia được tạo dựng từ ngàn đời bằng mồ hôi, công sức và máu xương của toàn dân tộc, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhất là máu xương của sĩ tốt đã tưới đẫm trên từng tấc đất biên cương để ta có được diện mạo núi sông như ngày nay” [28, 544]. Trong suốt hai mươi sáu năm cầm quyền, vua Thái Tông luôn lo lắng cải tạo đất nước và chống giặc ngoại xâm. Với ngài đất nước là sự kết tinh từ máu thịt của nhân dân, vậy nên mỗi người dân phải góp sức mình để bảo vệ quốc gia và lãnh thổ toàn vẹn theo hình hài của nó. Noi theo lời di ngôn của tiên vương, ngay từ khi mới lên ngôi, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu đốt, bỏ các hình cụ đau đớn và nhục mạ con người còn rơi sót lại ở các nơi giam cầm tù ngục; lại tha giảm tô thuế cho

các vùng, miền trong cả nước. Tân quân còn tuyên dụ: “Một nước mạnh hay yếu là ở như bộ máy điều hành. Bộ máy ấy lại do nơi mỗi con người chi phối. Nếu dùng được người tài giỏi, đức độ và đặt đúng nơi đúng chỗ, đúng sở trường và năng lực thì nó sẽ phát tác dụng không biết đâu mà lường. Song nếu vì mờ tối, vì bè đảng mà đưa người yếu kém bất tài, thất đức vào nắm giữ các cơ quan then máy, thì sự nguy hại cho nước cũng không biết đâu mà lường” [29, 11]. Muốn nước được cường thịnh và có nhiều nhân tài, thì “người làm vua tức là bậc thánh nhân mọi mặt đều phải gương mẫu, tức là phải thân giáo, là đem cái thân mình ra để thực hành theo nhân luân, pháp độ để người dân trong nước noi theo. Điều đó có nghĩa rằng, hễ ở trên, vua ăn ở cho có nhân thì từ quần thần đến dân chúng, chẳng ai dám ăn ở bất nhân. Hễ ở trên, vua noi theo điều nghĩa, làm việc nghĩa, thì cả nước chẳng ai dám lơ là việc nghĩa” [28, 514]. Khi lên điều hành công việc triều chính, các vị vua nhà Lý luôn coi dân là nguồn lực cơ bản để phát triển đất nước, bởi vậy mà thiền sư Vạn Hạnh đã khuyên vua Thuận Thiên: “Việc đầu tiên của một triều đại là phải lo yên dân. Muốn yên dân thì phải lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, không để xã hội có trộm cắp; không để chức dịch, quan lại chèn ép, nhũng nhiễu hà hiếp dân. Việc thứ hai của một triều đại là phải làm cho nước được cường thịnh. Muốn nước được cường thịnh thì phải lo cho dân được yên định lâu dài. Muốn yên định được lâu dài thì phải để cho người dân được tự do mở mang nghề nông, nghề công và nghề thương. Các việc trên mà phát đạt thì dân sẽ giàu” [28, 463]. Qua đó có thể thấy, chiêm nghiệm, suy tư không chỉ thể hiện qua giọng của các vị vua chúa, mà các bậc thiền sư đạo cao đức trọng cũng luôn thể hiện quan điểm của mình ở giọng điệu này. Thời Lý, các vị thiền sư không chỉ khai trí cho nhân dân bằng con đường Phật pháp, mà họ còn là những vị quân sư luôn đứng sau nhà vua trong việc điều hành và cải

tạo xã hội. Khi khai ngộ cho vua Lý Thánh Tông về con đường trị nước, thiền sư Lâm Huệ Sinh đã giảng giải cho ngài cái đạo của người tu hành: “Làm việc dân chính là làm việc đạo. Dân sinh thì đạo sinh. Đạo không dựa vào dân thời dựa vào cái gì để hành hóa. Ngay Phật tổ cũng vì chúng sinh nên Phật mới thị hiện. Cho nên người tu hành, nếu chỉ dốc chí tu cho bản thân mình, cầu mong tinh tiến, cầu mong giải thoát thành Phật mà quên mất gốc nguồn mình cũng từ dân mà ra, tu tập nhưng vẫn phải ăn lúa gạo do dân cày cấy, đắp cà sa che ấm thân mình thời vải ấy vẫn do người dân trồng bông kéo sợi và dệt mới có áo quần, thế mà lại làm ngơ với chuyện thế tục, chuyện dân sinh, tu hành như thế chỉ là kẻ ngu tu” [29, 379 - 380].

Từ những phân tích trên có thể thấy, việc sử dụng giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư vào trong tác phẩm là một thành công lớn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Quốc Hải. Giọng điệu mang tính chiêm nghiệm triết lý của các nhân vật trong Tám triều vua Lý

không phải là những từ ngữ khô cứng, khuôn mẫu, mà là những từ giàu hình tượng với nhiều màu sắc khác nhau, làm cho nhân vật bộc lộ suy nghĩ của mình về quá khứ, để người đọc cùng suy luận về các vấn đề đó khi tiếp nhận tác phẩm.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 113 - 115)

w