6. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Từ câu chuyện lịch sử đến cốt truyện tiểu thuyết
Tám triều vua Lý là một bộ tiểu thuyết có dung lượng dài và hấp dẫn, mặc dù nhà văn luôn trung thành với lịch sử, nhưng ông lại không lệ thuộc hoàn toàn vào chính sử. Trong cùng một tác phẩm ông có thể đan xen nhiều cốt truyện vào nhau, từ câu chuyện lịch sử nhà văn đã đan xen vào trong đó cốt truyện tiểu thuyết nhằm làm cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn.
Bằng tài năng và sự hiểu biết của mình, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã sáng tạo nên một cốt truyện tiểu thuyết mới, cốt truyện này được xây dựng liền mạch với câu chuyện lịch sử về triều đại nhà Lý, nhằm bồi đắp cho nhân vật thể hiện những tính cách trong mọi hoàn cảnh mà lịch sử không hề nhắc đến, giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật. Ở Con ngựa nhà Phật, Hoàng Quốc Hải đã miêu tả rõ nét tâm trạng của vua Lý Thái Tông sau những ngày đi dẹp loạn ở đạo Lâm Tây trở về, nhà vua luôn trăn trở về những điều mà đức Vạn Hạnh khuyên ngài trước khi lên nối ngôi. Đó là “việc đầu tiên của một triều đại là phải lo yên dân. Muốn yên dân thì phải lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, không để xã hội có trộm cắp… Việc thứ hai của một triều đại là phải làm cho nước
được cường thịnh… Làm cho dân giàu nước mạnh, chính là thuật trị nước của các bậc vua sáng từ thượng cổ tới nay và mãi mãi về sau chắc cũng không khác được” [28, 465 - 466]. Từ những suy tư, trăn trở của Lý Thái Tông, người đọc có thể cảm nhận được ông là một vị vua luôn quan tâm lo lắng và làm nhiều việc tốt để người dân sớm thoát khỏi cảnh lầm than, để đất nước của ông ngày càng cường thịnh.
Không chỉ là những suy tư trăn trở về thời cuộc, trong câu chuyện lớn về lịch sử nhà Lý, nhà văn còn tạo ra cốt truyện về cuộc sống dân dã đời thường. Như khi đã là vợ vua, nhưng khi về quê thăm cha mẹ, Kim thiên hoàng hậu đã bỏ tất cả nghi lễ triều đình mà phục sức mộc mạc như một cô gái quê: “Tóc vấn, khăn mỏ quạ, áo dài tứ thân may bằng vải thanh cát, chân đi dép mo cau, quai ngang, đội nón thúng quai thao gióc bằng chỉ màu” [28, 267] cùng bạn bè đồng trang lứa đội lễ vào nhà ông trưởng tộc. Họăc khi kể về những chiến công lừng lẫy trong cuộc đời thái úy Lý Thường Kiệt, nhà văn đã gắn vào đó số phận éo le về con đường tình duyên của vị võ tướng tài ba này. Cha mẹ mất sớm, hai anh em Lý Thường Kiệt được cô chú đem về dạy dỗ, đến tuổi trưởng thành chàng kết duyên với một người con gái xinh đẹp, đảm đang. Ngờ đâu, đang trong thời kì mặn nồng hạnh phúc, tai họa đã ập đến. Vì sự yêu quý, Khai Hoàng vương đã xin vua cha cho Lý Thường Kiệt làm chức quan Hoàng môn, để suốt đời chàng có thể ở bên cạnh Lý Thánh Tông. Kể từ đây, bóng đen đã bao phủ xuống cuộc đời Lý Thường Kiệt, chàng phải từ bỏ người vợ yêu dấu và đứa con sắp chào đời của mình. Đây là nỗi đau lớn không bao giờ nguôi, nó luôn ám ảnh trong tâm trí chàng và Hoàng Quốc Hải đã khéo léo xây dựng nỗi buồn này một cách thường trực trong con người Lý Thường Kiệt: “Đêm ngủ tại nhà tân khách, nghe sóng vỗ rì rầm như những lời oán than của Thuần Khanh, trong lòng Lý Thường Kiệt lại trỗi dậy những kỉ niệm đau
đớn mà từ hơn chục năm nay chàng cố quên, cố vùi sâu như một nấm mồ chôn trong tâm khảm” [29, 84].
Như vậy, lồng ghép câu chuyện lịch sử vào trong cốt truyện tiểu thuyết là nét sáng tạo độc đáo riêng của nhà văn Hoàng Quốc Hải, đưa lại cho tác phẩm sự hấp dẫn với những giá trị biểu cảm cao, giàu tính nhân văn.