6. Cấu trúc luận văn
3.1.4. Kết hợp hài hòa giữa kể, tả, bình
Để tái hiện lại toàn cảnh bức tranh sinh động lịch sử về triều đại nhà Lý, Hoàng Quốc Hải đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời kể và lời tả. Lời kể thường đi theo dòng phát triển của thời gian và mạch phát triển của sự kiện. Người trần thuật kể lại diễn biến của các sự kiện hoặc một số hành động của nhân vật một cách khách quan như những gì đã xảy ra, mà không phụ
thuộc vào ý muốn hoặc tình cảm của người kể chuyện. Lời tả lại nhằm xác định loại hình nhân vật, ảnh hưởng môi trường nơi diễn ra sự kiện dưới hình thức trực tiếp thông qua những chi tiết cụ thể do đó lời tả thường mang tính chủ quan của người trần thuật. Khảo sát bốn tập Tám triều vua Lý, chúng tôi nhận thấy, Hoàng Quốc Hải đã sử dụng hình thức này với mật độ dày đặc. Điều này góp phần thể hiện cá tính sáng tạo và dấu ấn của nhà văn trong tác phẩm.
Trong Tám triều vua Lý, phần lớn Hoàng Quốc Hải thường tả những cảnh sắc và vẻ đẹp của thiên nhiên trước, sau đó mới đi vào kể những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập tới. Ở tập Thiền sư dựng nước, người đọc dễ dàng nhận ra suy nghĩ của vua Thuận Thiên về hình hài đất nước nhờ sự kết hợp giữa lời kể và lời tả của người trần thuật: “Nhà vua ngẩng mặt nhìn trời. Bầu trời mùa xuân trong xanh. Mặt trời đang chính ngọ. Ánh nắng tươi vàng chảy khắp bốn phương. Từ đâu đó một đàn sếu ào tới vắt ngang bầu trời, như một giải lụa khổng lồ, dài tới cả mấy chục trượng. Xa kia, hồ Dâm Đàm vẫn ùn ùn bốc lên khí sương trắng đục... Tân quân đảo mắt nhìn dòng sông chảy dài từ thượng lưu xuống hạ lưu, có dáng cong cong như hình một lưỡi kiếm, che chắn nửa phía Bắc của Đại La chảy rộng. Xa xanh tít tắp về phía trời tây kia, dãy núi Tản bọc lấy phần còn lại như một bức tường thành vĩ đại, tạo cho Đại La một thế đứng uy nghi, lẫm liệt. Và hồ Dâm Đàm chính là nơi kết tụ khí của thế núi, mạch sông của miền đất thiêng này” [27, 83]. Trong mắt vua Lý Thái Tổ, cảnh sắc thiên nhiên hiện lên thật đẹp bởi sự hùng vĩ của kinh thành Đại La, sự hùng vĩ nơi đây đã kết tụ nên một hồ Dâm Đàm thật thiêng liêng trong công cuộc bảo vệ đất nước. Chính vì lẽ đó, trước khi biết mình sắp băng hà, nhà vua đã dặn hoàng tử Phật Mã bằng bất cứ giá nào phải giữ gìn nguyên vẹn non sông bởi: Dâm Đàm tuyệt, Thăng Long sẽ diệt…
Ngay cả khi miêu tả giờ phút hoàng tử Càn Đức ra đời, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng xen vào đó hoạt động của cỏ cây hoa lá lúc nửa đêm: “Về đêm kinh thành tĩnh mịch đến lạ thường. Người có lòng thân thiện đến muôn loài, dường như có thể lắng nghe tiếng nói xôn xao của chúng và cái thời khắc chuyển mùa. Nhựa cây đang âm thầm chuyển dịch lên đầu cành để tiếp sức cho các mầm non lá nõn, tựa như các dòng sông ngầm đang lặng chảy trong lòng đất. Và cả tiếng tí tách của vỏ cây đang rạn nứt bởi sức căng trương của thớ gỗ. Vào một đêm như thế trong Lan cung, nguyên phi Ỷ Lan đang trở dạ. Vua Thánh Tông đứng ngồi không yên ngoài đại sảnh dõi theo cái thời khắc khai hoa mà cả hoàng gia, hoàng tộc và triều đình cầu mong đó sẽ là một hoàng nam. Ngài đuổi hết nội thị ra ngoài và cả lính cấm vệ cũng không được đi lại quanh khu vực của ngài. Ngài muốn cái giờ phút thiêng liêng ấy, ngài là người đầu tiên nghe con cất tiếng khóc chào đời. Và cũng chẳng cần ai báo tin, mà chỉ nghe tiếng reo ồn trong phòng sinh nở cũng đủ biết đứa bé là trai hay gái” [29, 559]. Bằng thủ pháp nghệ thuật xen kẽ giữa lời tả và lời kể, thiên nhiên và con người như hòa vào nhau, vì vậy khi tiếp nhận tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận ra bất cứ một sự kiện lịch sử nào tác giả cũng đều đan cài vào trong đó yếu tố ngoại cảnh. Nhờ đó mà các sự kiện lịch sử trở nên sinh động và nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, khi nhà vua ra mắt dân chúng kinh thành để lên đường đi đánh giặc nhà Tống, Hoàng Quốc Hải cũng có những lời tả, kể rất hấp dẫn. “Đầu tháng ba, hoa ban hoa gạo nở tưng bừng như những quầng lửa thắp sáng cả kinh thành, Trong các vườn nhà cam, bưởi đã có trái non, chỉ có nhãn là đang khai hoa, những chùm hoa nhãn nâu li ti chấm trắng lấp ló vươn khỏi các vòm lá xanh đan kết khiến ong bướm đi về rộn rã. Đường phố kinh thành rộn sức xuân, cây cối đâm trồi nảy lộc, khai hoa kết trái nom thật là vui mắt… Đường hòe, đường muỗm và các con đường dẫn tới
bến sông sớm nay đều lộng lẫy cờ quạt, nghi trượng và dân kinh thành đứng ken kín hai bên đường tiễn nhà vua và các tướng lĩnh xuống thuyền vào cuộc nam chinh. Trống, chiêng từ sớm đã khua vang động khắp kinh thành, khắp các đường phố” [29, 655].
Trong bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn sử dụng lời bình trực tiếp để đưa ra những đánh giá về nhân vật và sự kiện lịch sử. Điều này chứng tỏ nhà văn đã thâm nhập sâu vào lịch sử, đem những kiến thức phong phú về phong tục, văn hóa, con người,… nhằm lý giải, cắt nghĩa lịch sử, sẻ chia và đồng cảm với con người trong quá khứ. Viết về nhân duyên giữa vua Lý Thái Tông với đạo Phật, tác giả đã bình luận với thái độ ngợi ca: “Nắng lên, một thứ nắng xuân non nhẹ, vừa ẩm ướt hơi sương, vừa tràn đầy sinh khí, khiến con người và cả tạo vật như tươi tốt hẳn lên. Lúc này nhà vua mới kịp ngắm cái lầu khán nhật của thiền sư. Tên gọi nghe có vẻ sang quý chứ thực nó không hơn một cái lều tranh, dựng lên bốn cây cột bằng tre bương cao vút, mái lợp rạ, xung quanh chốt bằng các gióng tre và trải giát cũng bằng tre bương đập giập. Lên xuống lầu bằng một chiếc thang, trèo lên, trèo xuống dập dềnh như đi lên bè mảng. Ấy vậy mà nhà vua cũng lên ngự một cách thản nhiên, như ngự trong cung vàng, điện ngọc. Thế mới biết khi người ta đã đã có cái tâm đạo, thì người ta không nệ chấp, không bấu víu vào một cái gì hết” [28, 144]. Nhà văn đã tả thiên nhiên để bình về tấm lòng thành tâm mộ đạo của vua Thái Tông. Với tấm lòng kính Phật, dường như mọi khoảng cách về vị thế giữa thiền sư và nhà vua đã được xóa bỏ. Chính vì vậy, trong những năm điều hành công việc triều chính, vua Thái Tông đã nối nghiệp tiên đế, lựa chọn con đường thân dân nhằm duy trì luật pháp để người dân không phải sống trong cảnh lầm than. Về vấn đề này, Hoàng Quốc Hải đã đưa ra những lời bình với thái độ tự hào, ngợi ca đối với vị vua thứ hai của vương triều nhà Lý:
“Phúc thay, vua Thái Tông cũng lựa chọn con đường thân dân như tiên đế, nên tại hai chiếc lầu chuông đối nhau ở hai bên tả, hữu thềm rồng, nhà vua để cho người dân trong nước, ai có oan ức qua nhiều cấp, nhiều lần xét xử mà nỗi oan vẫn chưa tỏ, được phép đến tận sân rồng đánh chuông thỉnh nguyện, vua sẽ đích thân xét xử. Mới hay đó là dấu hiệu của thời thịnh, là biểu trưng của công lý” [28, 89].
Ngôn ngữ bình thay đổi linh hoạt theo diễn biến các sự kiện lịch sử mà nhà văn miêu tả. Từ kiểu ngôn ngữ tự hào, ngợi ca những vị minh quân đầu tiên đã làm nên những chiến công hiển hách cho dân tộc, thì sang giai đoạn suy vong của nhà Lý, tác giả lại đưa ra lời bình với thái độ căm giận và tiếc nuối đối với những người đã tự tay đào mồ chôn đất nước đi vào con đường suy thoái: “Bà Đàm thái hậu vừa thiển cận vừa tự kỷ thái quá, nhẽ ra phải dựa vào các người tài đảm trong nước và trong hàng tôn thất để vực thế nước hưng lên; nhưng bà đã làm ngược lại, chỉ vì bà sợ các hoàng thúc, hoàng tôn cướp mất ngôi vị của con bà. Vì vậy bà đã câu kết với những kẻ ngoại thích vừa ngấm ngầm, vừa công khai trừ khử cho bằng hết những người trong hoàng gia và hoàng tộc, bởi vậy thế lực của Lý Huệ Tông ngày càng suy yếu và cô độc. Người trong nước ai cũng biết kẻ vặt hết vây cánh của triều đình làm suy yếu thế nước một cách hung hãn nhất không ai khác ngoài mẹ nhà vua, tức bà Đàm thái hậu” [30, 940].
Tóm lại, việc kết hợp giữa kể, tả, bình của người trần thuật đã tạo nên giọng điệu riêng thấm đẫm cảm xúc trữ tình và yếu tố triết lý trong Tám triều vua Lý. Khi tiếp nhận tác phẩm, người đọc dễ dàng nhận thấy Hoàng Quốc Hải vừa tạo ra giọng điệu mang tính khách quan vừa chú trọng tới yếu tố cảm xúc thể hiện qua những lời kể, bình về các nhân vật và sự kiện lịch sử, tạo cho tác phẩm có sức vang vọng trong lòng độc giả.