Ngôn ngữ đời thường

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 100 - 103)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Ngôn ngữ đời thường

Với mong muốn giúp người đọc hôm nay hiểu biết thêm về lịch sử nước nhà một cách hiệu quả nhất, trong quá trình sáng tác, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã để cho các nhân vật của mình giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của thời đương đại. Trong bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, ngoài lớp ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, Hoàng Quốc Hải còn sử dụng lớp ngôn ngữ của cuộc sống đời thường. Các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn có

thể giao tiếp với nhau theo cách của những con người bình thường, mà không bị gò bó bởi những quy phạm nhất định nào.

Ngôn ngữ đời thường trước hết được thể hiện ngay trong những nhân vật đời thường. Đó là những lời nói dân giã giữa những người bạn cùng trang lứa với nhau: “Loắt choắt, như cái ngữ ấy là nghịch như tướng cướp. Học hành vào lúc nào em chẳng tin. Người ấy chẳng bén gót anh đâu. Thật mà, thày mẹ em khen anh lắm. Nhưng mà sao anh lớn thế này mà anh phải gọi thằng nhóc đen nhẻm ấy bằng anh. Nó kém tuổi anh chứ” [29, 134], hay “Giời ơi! Quý hóa quá” [29, 200]. Đó còn là lời mời chân thành của chủ nhà khi khách tới chơi: “Con mời thày, mời lão bá xơi nước, con xin phép xuống nhà” [29, 241]. Qua việc thể hiện ngôn ngữ đời thường trong tác phẩm đối với nhân vật thường dân, có thể thấy Hoàng Quốc Hải không chỉ miêu tả các bậc vua chúa quyền cao chức trọng, mà còn quan tâm tới cả cuộc sống cũng như lời ăn tiếng nói của những người dân thường. Đây có thể coi là điểm khác biệt nổi bật của Hoàng Quốc Hải so với các nhà văn khác cùng thời.

Điều đặc biệt hơn, trong bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, Hoàng Quốc Hải đã để cho những nhân vật vua chúa và tầng lớp quan lại trong triều đình nhà Lý đối thoại với nhau bằng lớp ngôn ngữ đời thường. Ngoài công việc triều chính, trong cuộc sống, các vị vua quan thường giao tiếp với nhau một cách dân dã. Lúc này ở họ không còn quan hệ vua - tôi mà chỉ còn mối quan hệ bình đẳng với nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn, đó là lời nói dân dã của nhà vua đối với hoàng đệ: “Nào uống đi! Uống đi rồi ta trả lời chú hai” [29, 666]. Ngay cả khi đang ở trong cung vua, các vị quan đầu triều vẫn luôn tỏ ra thân mật với những vị công tử nhỏ hiếu học, Ngô Tuấn đã hồn nhiên hỏi tướng Lê Phụng Hiểu: “Thưa bác, làm sao bác quay được nhanh như thế mà khi dừng lại bác không bị chóng mặt ạ?” [28, 15].

Không dừng lại ở đó, khi đưa ngôn ngữ đời thường vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của các bậc vua chúa, Hoàng Quốc Hải còn miêu tả họ dưới góc nhìn của con người đương đại. Nhà văn đã vận dụng việc nhân vật được sinh ra ở đâu thì thì tất nhiên cách hành xử và lời ăn tiếng nói cũng giống như ở đó, điều này khiến cho nhân vật có thể tự bộc lộ cá tính của mình qua lời ăn tiếng nói. Chẳng hạn, khi Kim Thiên hoàng hậu về quê thăm cha mẹ, Trọng Mẫn đã nói chuyện với nàng bằng tình cảm chân thành, tự nhiên của người anh trai đối với em gái: “Kìa cô, đám nữ tỳ đang tìm cô đấy. Mà sao đi về thăm thày mẹ lại không cho chú ấy cùng các cháu về chơi” [28, 222]. Đó còn là giọng nói thân mật của bà Mai dành cho nàng: “Gớm, cô chỉ được cái khéo nói” [28, 217]. Đặc biệt, trong chính sử cũng như trong các tiểu thuyết lịch sử cùng thời, người đọc rất ít khi bắt gặp kiểu nói chuyện giữa hoàng hậu với bạn bè đồng trang lứa của mình như trong tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải, giữa họ dường như đã không còn khoảng cách về thứ bậc trong xã hội, họ nói chuyện với nhau như những người bạn lâu ngày không gặp: “Con nỡm! Chị là hoàng hậu, vợ vua, nhưng ở Thăng Long kia, chứ về quê, chị vưỡn cứ là bạn hái dâu chăn tằm của em thuở trước. Thôi, hãy cứ về nhà chị chơi đã, rồi chiều chị sang thăm dì với em” [28, 229].

Một sáng tạo độc đáo khi viết bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý là nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đưa vào trong các cuộc hội thoại những câu thành ngữ, tục ngữ rất gần gũi với người dân. Điều này được thể hiện trong cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con Sĩ Thoại:

“- Bu ơi, việc ấy nói ra lúc này thầy đồ con giận đấy. - Thì bu đã bảo chờ mưa tạnh gió tan kia mà” [29, 231].

Hay khi cô Khiết xin dì đi dự hội làng nhân dịp nhà vua về làm lễ cầu duyên, bà Tuất liền nguýt dài môi nói: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai, huống hồ mảnh chĩnh ở ngoài bờ tre” [29, 400].

Việc sử dụng lớp ngôn ngữ đời thường trong cuộc sống hàng ngày, gắn với lời ăn tiếng nói của chúng ta hôm nay đã làm cho nhân vật hiện lên một cách chân thực, sống động. Đồng thời, việc sử dụng lớp ngôn ngữ đời thường còn làm cho nhân vật thoát ra khỏi cái khung lịch sử khép kín để đối thoại với hiện tại và lịch sử như được kéo gần lại với bạn đọc hôm nay. Nhờ lối ngôn ngữ này, tác phẩm Tám triều vua Lý đã rút ngắn khoảng cách sử thi, giúp người đọc khám phá lịch sử ở chiều sâu của nó. Lịch sử không còn là vật để tôn thờ mà chính là cuộc sống sinh động, tươi nguyên đối với độc giả đương đại.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w