6. Cấu trúc luận văn
3.2.1.3. Giọng thân mật, gần gũi
Trong tiểu thuyết Tám triều vua Lý, giọng thân mật, gần gũi phần lớn được sử dụng nhiều trong tầng lớp vua chúa và quan lại, điều này có thể coi là một sự phá cách của Hoàng Quốc Hải trong quá trình sáng tạo. Với ý đồ nghệ thuật như vậy, nhà văn đã phá bỏ khoảng cách sử thi trong cái nhìn nhân vật đối với người đọc. Chúng ta có thể thấy, ngoài lớp ngôn ngữ mang tính trang trọng, cổ kính, thì tầng lớp vua quan trong triều đình nhà Lý vẫn thường sử dụng giọng điệu rất đời thường mang tính suồng sã, gần gũi giữa những con người với nhau trong cuộc sống.
Khi lập được công lớn trong việc đánh bại hai tên tướng giặc người man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí, vua Lý Thái Tổ đã gả quận chúa và ban cho châu mục Hoàng Ân Vinh rất nhiều đất đai. Nhà vua còn đối xử ân cần và nhẹ nhàng khi châu mục đòi về vì thấy nhớ nhà: “Được! Được, rồi ta sẽ cho xe ngựa đưa khanh về đến tận nhà. Khanh nhớ rừng nhớ suối lắm sao?”[27, 273]. Hay khi nhà vua có ý định hỏi vợ cho hoàng tử Phật Mã, các quan trong triều còn băn khoăn vì gia thế nhà họ Mai không môn đăng hộ đối, vua Thuận Thiên liền cười vỡ ra và phản bác lại các quan: “Khanh kỹ tính quá. Nếu xét đăng đối thì con ta ế vợ mất” [27, 534]. Lúc này cả triều quan cùng cười, vua tôi thật là vui vẻ. Điều này cho thấy môt tinh thần bình đẳng, dân chủ trong xã hội thời Lý. Một trong những nhân vật thể hiện rõ giọng điệu thân mật, gần gũi là hoàng thái tử Lý Phật Mã. Nhân vật này đã tỏ ra là người rất gần gũi với những người dân trong vùng Tam Sơn. Là người nhận được từ họ rất nhiều sự giúp đỡ, Đức Chính cảm thấy ái ngại, chàng nói: “Thưa các trưởng lão! Thưa dân làng, xin các trưởng lão cùng dân làng coi tôi như một người dân mới nhập cư. Sự giúp đỡ của dân làng với chúng tôi như thế là đủ rồi. Các trưởng lão và bà con cứ về, nhà nào làm việc nhà ấy” [27, 364]. Hay khi thấy tướng Lê Phụng Hiểu là người rất giỏi võ nghệ nhưng lại phải ở làng Tam Sơn để giúp mình chặt cây xây dựng phủ, Lý Phật Mã cảm thấy tiếc cho tài năng của vị tướng này liền nói như reo: “Để ta tâu với phụ hoàng cho tướng quân về triều, làm việc gì chứ ở đây đi chặt cây chặt que thế này, vừa phí tài, vừa phí sức” [27, 373]. Với nhũ mẫu, Đức Chính luôn được coi là một vị hoàng tử bé nhỏ, khi biết chàng chuẩn bị ra ngoài mở phủ, nhũ mẫu rất buồn. Thấu hiểu được nỗi lòng bà, chàng nhẹ nhàng nói: “Nhũ mẫu đừng khóc nữa. Tôi đi mấy ngày lại về với nhũ mẫu thôi mà” [27, 348]. Ngay cả khi đã là vua của một nước, Thái Tông vẫn muốn phá bỏ khuôn phép vua tôi với những
người đồng môn, để có thể được sống và xưng hô thân mật, gần gũi với họ như xưa. Vì thế nhà vua tỏ ra suồng sã với Mai Mạnh Minh, người nói: “Mạnh huynh, ta và huynh vốn là tình bạn cũ, nay lại là anh em. Tình thì như vậy, phận lại là vua tôi. Hôm nay, ta muốn sống lại trong tình bạn thời niên thiếu, chứ lúc nào cũng bệ hạ với thần, hoặc ta với khanh nó thế nào ấy” [28 ,55]. Giọng điệu thân mật, gần gũi còn được thể hiện qua lời của nhân vật Ỷ Lan. Tuy là hoàng thái hậu, nhưng Ỷ Lan đã dùng những lời lẽ rất gần gũi đời thường để nói chuyện với những người bạn cùng quê lâu năm không gặp: “Đã bảo ta là bà con, là chỗ tình thân cố cựu lại cứ giữ lễ làm cho nó cách biệt xa vời quá. Ý anh Sĩ Thoại thế nào. Nói thật các anh, tôi mãi mãi biết ơn thầy anh Thịnh, từ khi mẹ tôi mất, bác bên nhà hay qua lại an ủi thầy tôi, đôi khi tôi còn thấy bác cho cả anh Thịnh đi theo. Hồi ấy tôi đã nghe loáng thoáng anh Thịnh học giỏi lắm. Lần thầy tôi sang thăm bác bên nhà bắt gặp anh nằm gọn trong chiếc nong ở sân sau phanh áo để phơi bộ Mạnh Tử sợ nó mốc, suýt ăn đòn. Thầy tôi về cứ khoe mãi... ” [30, 162].
Hay khi đã là vợ vua nhưng khi về thăm quê, Minh Nguyệt vẫn được mẹ đối xử như một cô gái bé bỏng thuở nào. Bà đã dùng những lời trìu mến để nói với cô con gái yêu: “Vào cung, làm hoàng hậu vui quá rồi quên cả cha mẹ, họ hàng, làng xóm rồi phải không con” [28, 218]. Điều đặc biệt hơn cả, là khi đã lên nắm quyền điều hành, các vị vua nhà Lý đã không hề phân biệt chức phận vua tôi một cách cứng nhắc. Trái lại, họ xưng hô rất lễ phép với những vị quan đầu triều đã lớn tuổi như những người thân trong gia đình. Khi Mạnh Minh cảm thấy mình đã nhiều tuổi, không còn khả năng để giúp việc cho triều đình, nên ông xin được hồi hương, vua Thánh Tông đã dùng những lời lẽ ân cần để nói với ông: “Cậu thứ lỗi cho cháu. Bởi bất đắc dĩ cháu phải lưu cậu lại triều khiến cậu không vui” [29, 116]. Hay khi đến thăm bệnh thái sư Lý Đạo Thành, vua Lý Nhân Tông đã bỏ
cách xưng hô kiểu vua - tôi để tâm sự với ông những lời thật chân thành mà giản dị từ đáy lòng ngài: “Ông ơi, ông đang sốt nóng rồi. Đây là nhà ông chớ đâu phải điện Thiên An. Ông cứ nằm nghỉ đi, ông cháu mình nói chuyện. Cháu chỉ muốn là một đứa trẻ bình thường như mọi đứa trẻ khác thôi. Ai lại trẻ nhỏ như cháu mà đi đến đâu mọi người cũng quỳ cũng lạy. Muốn chơi không có bạn. Muốn hỏi han ai cũng giữ ý giữ lễ, thành ra cháu khi ngôi vị thì ở trên thiên hạ, nhưng rốt lại chẳng hiểu gì về thiên hạ. Ông ơi, hay là cứ phải như thế mới được làm vua làm chúa... ” [30, 607].
Có thể thấy, bằng việc sử dụng ngôn ngữ thân mật, gần gũi vào trong tác phẩm, Hoàng Quốc đã để cho nhân vật tự bộc lộ cảm xúc của mình qua lời nói và hành động. Dường như mọi khoảng cách về thứ bậc giữa các vị vua và những người dưới quyền đã được xóa bỏ, bởi vậy họ có thể trải lòng mình và được đối xử như những người dân bình thường. Đây có thể coi là một sự sáng tạo và là một thành công lớn của nhà văn Hoàng Quốc Hải trong quá trình tổ chức giọng điệu ở bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý.