Viết về một thời đại lịch sử

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 37 - 40)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Viết về một thời đại lịch sử

Từ những năm cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết lịch sử đã có xu thế ổn định và đạt được những thành tựu nhất định. Ngày càng có nhiều bộ tiểu thuyết mang tầm vóc quy mô, đồ sộ, phản ánh cả một triều đại trong lịch sử và những sự kiện trọng đại của toàn dân tộc. Những thành tựu này phải kể đến các tác giả: Hà Ân, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo,... Ngoài ra, khi nói về thành tựu của tiểu thuyết lịch sử không thể không nói đến nhà văn Hoàng Quốc Hải, tuy

xuất hiện muộn nhưng hiện ông đang là một trong những cây bút sung sức nhất. Trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã chọn ra những thời đại tiêu biểu nhất trong lịch sử dân tộc như thời đại nhà Lý, thời đại nhà Trần, qua đó gửi gắm ý tưởng của mình đến với độc giả hôm nay và đặt ra nhiều câu hỏi để người đọc cùng suy ngẫm.

Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải viết về một giai đoạn lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm (từ năm 1225 đến năm 1400) từ khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh đến khi Hồ Quý Ly đoạt ngôi vua từ đứa cháu ngoại mới có năm tuổi, nhằm lập ra nhà Hồ. Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm sáu tập: Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ, Đuổi quân Mông Thát, Huyết chiến Bạch Đằng. Trong tác phẩm, Hoàng Quốc Hải đã chọn những thời điểm mang ý nghĩa trọng đại đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển của triều đại này để viết. Bão táp cung đình viết về giai đoạn chuyển giao phức tạp từ nhà Lý sang nhà Trần và thời kì đầu của triều đại nhà Trần. Đó là sự suy sụp không thể cứu vãn được của triều đình Lý Huệ Tông, nhân dân đói khổ, loạn lạc, đất nước có nguy cơ rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu. Trước tình hình đó, thế lực họ Trần đã nổi lên, đứng đầu là Trần Thủ Độ đã thâu tóm được thiên hạ và làm một cuộc đảo chính cung đình, một cuộc chuyển giao quyền lực có một không hai trong lịch sử. Trong khoảng thời gian 26 năm đầu của triều Trần (Từ năm 1225 đến năm 1251), nhà văn tập trung đề cao vai trò của vị khai quốc công thần Trần Thủ Độ và ông vua đầu tiên của triều đại Trần Thái Tông trong việc hình thành Bộ luật triều Trần, quy hoạch kinh thành Thăng Long thành sáu mốt phường, quy định các đình, trạm, các tuyến đường giao thông trong nước, đào vét kênh ngòi nhằm phục vụ nhân dân sản xuất, tổ chức thi thái học để tìm người tài giỏi cho

đất nước. Những việc làm này đã góp phần phục dựng lại nền kinh tế, văn hóa, đưa Đại Việt thành một quốc gia cường thịnh trong khu vực.

Thăng Long nổi giận, Đuổi quân Mông Thát, Huyết chiến Bạch Đằng

viết về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Đây là những sự kiện tiêu biểu có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử triều Trần. Trong những tập này, tác giả chỉ viết về một giai đoạn lịch sử rất ngắn, song lại khẳng định tinh thần và sức mạnh của Đại Việt. Đây là những giai đoạn gay cấn nhất trong toàn bộ lịch sử nhà Trần cũng như trong lịch sử Đại Việt. Vì vào thời điểm này đế quốc Mông Cổ là một đế quốc hùng mạnh, khắp bốn phương đều rên xiết dưới vó ngựa của chúng, nhưng chúng đã ba lần thất bại thảm hại trước vua tôi nhà Trần.

Huyền Trân công chúa được viết về một giai đoạn lịch sử kéo dài bảy năm, kể từ khi Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông rồi lên đỉnh núi Yên Tử trực tiếp truyền bá dòng Thiền Trúc Lâm do ông sáng lập, và kết thúc ở cái chết của quốc vương Champa Chế Mân. Đây là giai đoạn lịch sử ít biến động nhất về mặt nội trị và bang giao, song lại là thời kỳ quan trọng để nhà Trần thực hiện đường lối ngoại giao thời bình, nhằm duy trì một nền hoà bình bền vững với các quốc gia lân cận. Sự kiện trung tâm của cuốn sách là cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Champa Chế Mân. Qua sự kiện này có thể thấy, cuộc thương lượng là một kế sách ngoại giao mềm dẻo của ông vua có tư tưởng hòa hiếu, lúc nào cũng muốn lo cho dân cho nước. Chính tư tưởng trên đã tạo cho triều Trần duy trì được hòa bình để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Vương triều sụp đổ viết về giai đoạn suy thoái triền miên suốt sáu mươi năm cuối của nhà Trần (1341- 1400). Những sự kiện, biến cố chính dẫn đến sự sụp đổ không thể cưỡng lại của triều đại này đều được tác giả phản ánh rất rõ. Tập truyện mở đầu bằng sự kiện Dụ Tông ăn chơi trụy lạc,

coi tính mạng của nhân dân như cỏ rác, không chịu nghe những lời góp ý thẳng thắn, mà lại tin dùng những kẻ bất tài vô dụng chỉ biết bóc lột nhân dân để thỏa mãn những thú vui xa hoa. Trước tình hình đó, Chu Văn An đã dâng “Thất trảm sớ” (Dùng sớ đòi chém bảy loạn thần) nhưng vua không nghe, ông đành cáo quan về ở ẩn mặc cho triều đình tự đổ nát. Đây là giai đoạn lịch sử tồn tại nhiều vị vua như: Trần Dụ Tông, Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Thuận Tông. Sự sụp đổ của nhà Trần tất yếu sẽ xảy ra, bởi các đấng quân vương không biết lắng nghe sự góp ý thẳng thắn của các trung thần, không biết quan tâm tới đời sống của nhân dân trong lúc khó khăn; trái lại, họ chỉ biết hưởng lạc nhằm thỏa mãn những thú vui cho riêng mình.

Qua sáu tập sách, có thể thấy, tác giả đã tái hiện trọn vẹn 175 năm tồn tại và phát triển của triều đại nhà Trần, giúp người đọc nắm bắt được đầy đủ bối cảnh lịch sử chủ yếu của thời đại. Bộ tiểu thuyết được đánh giá cao ở giá trị lịch sử và văn học, bởi tác giả đã chọn ra những sự kiện quan trọng mang tính cốt lõi, chứa đựng tất cả các vấn đề về lịch sử, văn hoá của đất nước, vì thế tác phẩm không bị dàn trải và khó hiểu về mặt nội dung. Từ việc chỉ ra và đánh giá những thành bại của triều đại nhà Trần, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đem lại cho độc giả thời hiện đại nhiều bài học cổ ích.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 37 - 40)