Ngôn ngữ trang trọng, cổ kính

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 98 - 100)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Ngôn ngữ trang trọng, cổ kính

Viết về đề tài lịch sử, việc sử dụng lớp ngôn ngữ trang trọng, cổ kính là điều hiển nhiên và cần thiết, bởi sử dụng kiểu ngôn ngữ này sẽ góp phần tái hiện lại không khí lịch sử của thời đại mà tác giả đang hướng tới. Vì vậy, nhiệm vụ của nhà văn là khơi dậy ở độc giả hôm nay không khí của thời đại hôm qua, để phân biệt được sự tương đồng và nét khác biệt giữa lớp người ngày trước và lớp người ngày nay. Trong bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, Hoàng Quốc Hải một mặt tuân thủ theo những nguyên tắc đó, nhưng mặt khác lại có sự hư cấu phù hợp với ý đồ nghệ thuật của mình. Không những thế, việc sử dụng ngôn ngữ trang trọng, cổ kính trong tác phẩm còn góp phần tạo nên độ tin cậy cần thiết cho người đọc về mặt cứ liệu lịch sử. Bởi như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là một sinh thể có đời sống riêng, vô cùng phong phú và luôn in đậm dấu ấn của thời đại lịch sử mà nhà văn phản ánh.

Khảo sát bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, người đọc có thể nhận ra rất nhiều trang văn in đậm dấu ấn ngôn ngữ trang trọng, cổ kính qua các vai giao tiếp, qua cách xưng hô giữa các nhân vật khi đối thoại với nhau. Chẳng hạn, cách xưng hô giữa các nhân vật vua quan và thường là: Bệ hạ - thần;

Bệ hạ - thiếp; Hoàng thượng - hạ thần (bề tôi, tội thần,…); Mẫu hậu - con; ta - ngươi, chàng - thiếp (nàng)… Đây là những ngôn ngữ được dùng trong cung vua, phủ chúa, nó khác xa với ngôn ngữ đời thường, mang tính quy phạm cao. Mỗi nhân vật đều đứng trên địa vị và trọng trách của mình để phát ngôn, vì thế ngôn ngữ của họ phải hết sức cao quý.

Trong Tám triều vua Lý, vua là người có quyền uy tối cao, bởi vậy chúng ta thường bắt gặp kiểu xưng hô Takhanh. Chẳng hạn, khi chuẩn bị kế sách để đánh người Tống, vua Lý Thái Tổ đã hỏi châu mục Hoàng Ân Vinh: “Vậy chớ ý khanh thế nào?” [27, 222]. Hay, khi Lý Đạo Thành đưa ra mức thưởng phạt cho quan dưỡng liêm hàng năm, vua Thánh Tông đã rất hài lòng, ngài nói “Được! được! Ta y chuẩn cách làm của Thái sư” [29, 553]. Khi thưởng chức tước cho Lê Phụng Hiểu, vua Thái Tông nói: “Ta chẳng thưởng cho khanh chức tước vào hàng thượng phẩm, vừa vinh hiển vừa ăn lộc lâu dài đó sao” [28, 20]. Ngược lại, khi muốn bàn bạc hoặc nhận lệnh gì từ đức vua, các quan trong triều phải giữ đúng chuẩn mực của kẻ bề tôi: “Chúng thần xin phụng chỉ” [27, 288] hoặc: “Xin bệ hạ ra oai để kẻ kia khiếp phục” [27, 221]. Với mẹ vua và vợ vua, cách xưng hô cũng mang tính trang trọng của ngôn ngữ cung đình: “Hoàng hậu thật đa lễ. Ta cho con bình thân” [29, 349] hay: “Con xin thái hoàng thái hậu gia ân ạ” [29, 350]. Trong quan hệ vợ chồng, ngoài khoảng thời gian riêng tư, nhà vua và hoàng hậu cũng luôn xưng hô theo chức bậc: “Thiếp xin lĩnh ý của hoàng thượng” [29, 580]. Với những người dân thường, cách xưng hô giữa họ với nhà vua lại khác: “Thảo dân xin kính chào bệ hạ” [29, 421].

Nhằm tăng thêm nét trang trọng, cổ kính trong tác phẩm, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn sử dụng các từ Hán - Việt để diễn đạt các mốc sự kiện phù hợp với bối cảnh lịch sử mà nhà văn miêu tả, như: Lại năm Mậu Thìn (1028) ba vương nổi loạn; Ngô Tuấn sinh năm Kỷ Mùi (1019), thái tử Nhật

Tôn sinh năm Quý Hợi (1023); Giờ Dậu ngày Tân Hợi,… Những từ ngữ trên hoàn toàn là ngôn ngữ cổ xưa mang tính trang trọng phù hợp với không khí lịch sử thời bấy giờ.

Ngoài ra, cách gọi tên các nhân vật cũng gắn liền với ngôi vị và chức tước mang tính trang trọng, được nhà văn Hoàng Quốc Hải vận dụng vào tác phẩm một cách thành thục và đạt được hiệu quả cao trong quá trình tái hiện lại không khí lịch sử dưới triều đại nhà Lý. Chúng ta bắt gặp trong tác phẩm các kiểu gọi như: Tiên đế Lý Thái Tổ, Kim Thiên Mai thái hậu, Nguyên phi Ỷ Lan, Thái sư Lý Đạo Thành, Thái úy Lý Thường Kiệt,… Tên của các nhân vật luôn gắn liền với địa vị mà họ đảm nhận, đó là cách xưng hô phổ biến trong chế độ cũ. Làm được điều này chứng tỏ nhà văn Hoàng Quốc Hải đã góp phần phục dựng lại không khí lịch sử một cách trọn vẹn, tạo nên độ tin cậy lớn cho độc giả về mặt cứ liệu lịch sử.

Như vậy, bằng việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ cung đình mang tính trang trọng, cổ kính, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tái hiện lại không khí trang nghiêm của triều đại nhà Lý một cách sinh động, tạo nên độ tin cậy và sự hứng thú cho độc giả khi tìm hiểu tác phẩm. Bởi vậy, trong quá trình tiếp nhận tác phẩm, người đọc như được quay về quá khứ hào hùng của dân tộc, hòa nhập vào một thời đại hoàn toàn khác so với thế giới hiện tại. Từ đó, giúp họ hiểu thêm về quá khứ, lịch sử và văn hóa của dân tộc mình.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 98 - 100)

w