Viết về một nhân vật lịch sử

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 30 - 35)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.1. Viết về một nhân vật lịch sử

Tác phẩm viết về đề tài lịch sử không thể thiếu nhân vật lịch sử. Nhân vật lịch sử là những con người có thật trong lịch sử. Nhân vật lịch sử là sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, là đứa con tinh thần do nhà văn thai nghén, nhào nặn nên. Bởi vậy, nhân vật lịch sử bao giờ cũng thể hiện rõ quan niệm nghệ thuật, tư tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người và cuộc sống. Nhân vật được miêu tả qua các sự kiện, biến cố, xung đột và mâu thuẫn... Tùy theo ý đồ nghệ thuật mà nhà văn xây dựng nhân vật theo phong cách riêng của mình.

Nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong tiểu thuyết lịch sử, bởi nó là phương tiện cơ bản thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Các nhân vật này có vai trò dẫn dắt cốt truyện đi theo hướng lịch sử, đưa người đọc trở về với quá khứ của dân tộc. Ngoài ra, sự góp mặt của các nhân vật này đã làm cho bức tranh lịch sử trở nên đầy đặn, sống động, bổ sung cho người đọc nhiều kiến thức cần thiết về quá khứ. Qua hình tượng nhân vật lịch sử, nhà văn có thể phản ánh hiện thực cuộc sống một cách đầy đủ và trọn vẹn

nhất. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi phân tích nhân vật Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết cùng tên Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Nhân vật Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết cùng tên hiện lên là một con người đầy cơ mưu, quyền biến, giàu tham vọng, ông không từ bất kỳ một thủ đoạn tàn bạo nào nhằm đạt được mục đích của mình. Mặc dù chưa lên làm vua, nhưng mọi quyền hành đều nằm trong tay Hồ Quý Ly. Mọi người xem ông là “kẻ tàn tặc, đa sát, nhiễu sự. Lên ngôi hắn sẽ là một bạo chúa, một Tần Thủy Hoàng của nước Việt” [27, 100]. Trong tác phẩm, Nguyễn Xuân Khánh không vội vàng đánh giá Hồ Quý Ly qua những hành động bên ngoài, mà đi tìm những nguyên nhân thúc đẩy hành động của Hồ Quý Ly. Có công giúp Trần Nghệ Tông chống ngoại bang, được vua tin tưởng, ông là người hiểu hơn ai hết nhà Trần đã quá mục ruỗng, không thể nào làm trụ cột cho thiên hạ được nữa. Vì thế, Hồ Quý Ly đã có những cải cách với mong muốn đưa nước Đại Ngu phát triển giàu mạnh. Mà một xã hội muốn phát triển, không bị dẫm chân tại chỗ bao giờ cũng cần có sự đổi mới. Vào giai đoạn cuối Trần, yêu cầu của sự đổi mới là cần thiết. Nhà Trần từng đem lại cho đất nước những năm tháng thanh bình, thịnh vượng, với những chiến công hiển hách. Nhưng đến giai đoạn cuối, triều đình đã trở nên rối rem, nhân dân đói khổ, lầm than, những người tâm phúc của nhà Trần như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Đán lại không có kế sách gì để đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly đã mạo hiểm đứng ra gánh vác lịch sử, thực hiện hàng loạt cải cách như: chủ trương dùng tiền giấy thay tiền đồng để tiết kiệm nhiên liệu, thực hiện chính sách hạn điền, hạn nô, nhằm tạo sự công bằng cho xã hội, bắt các nhà sư hoàn tục vì sư sãi quá nhiều, mở chiến lược thu hút người hiền tài... Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn dồn tất cả tâm huyết để viết sách Minh Đạo, bởi ông muốn tạo ra những điều mới mẻ trong xã hội hiện tại, không muốn sử

dụng những khuôn mẫu, những lối đi xáo mòn như các vị vua khác. Tư tưởng này của ông đã hơn hẳn các nhà Nho cùng thời, và đây là điều mà thế hệ sau cần phải học hỏi. Bên cạnh những cải cách với những thủ đoạn tàn bạo, Nguyễn Xuân Khánh còn cho độc giả thấy Hồ Quý Ly là một con người cô đơn, mềm yếu và hướng thiện. Sống trong thời kì suy vong, luôn phải đối phó với nhiều phe phái đầy âm mưu và thủ đoạn, ông luôn cảm thấy cô đơn và mong muốn có được một người hiểu mình “Ta cần, ta muốn, ta thèm được có người hiểu ta...” [38, 94]. Những lúc đứng trước bàn thờ hay pho tượng của người vợ dịu dàng mà ông vô cùng yêu thương, trong ông lại ngập tràn cảm xúc. Lòng biết ơn và tình yêu của ông dành cho bà Huy Ninh, những tiếng nói giao cảm không nói nên lời đã an ủi, nâng đỡ tâm hồn ông những khi ông trở về với con người thực của mình. Bằng sự tinh tế, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã phát hiện ra những điều mà lịch sử không phát hiện ra hoặc không ghi lại được ở Hồ Quy Ly, bởi đó là con người có tính cách phức tạp. Vì vậy, từ nhân vật Hồ Qúy Ly, độc giả hôm nay nhận thấy tinh thần dám làm dám chịu là yêu cầu cần có đối với một nhà lãnh đạo, một bậc quân vương; đổi mới là nhu cầu chính đáng, hợp quy luật, phải biết chấp nhận những đau đớn nhưng điều quan trọng là phải giữ hồn nước, hồn sông. Bi kịch thời đại của Hồ Quý Ly đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị vì nó là bài học lớn cho những người chủ trương đổi mới bằng mọi giá hay bảo thủ một cách mù quáng. Vì vậy, có thể nói, nhân vật Hồ Quý Ly là suy tư cá nhân của Nguyễn Xuân Khánh về các vấn đề lịch sử đương đại.

Giống như Hồ Quý Ly, nhân vật Trần Thủ Độ trong tiểu thuyết Bão táp triều Trần cũng được nhà văn Hoàng Quốc Hải xây dựng trong hoàn cảnh lịch sử đầy nhạy cảm. Nhà Lý đã suy sụp đến mức không thể cứu vãn được, vua Lý Huệ Tông bất tài không thể đảm đương được công việc triều

đình, khiến trăm dân khốn khổ. Trong hoàn cảnh ấy, Trần Thủ Độ hiện lên là một người đầy mưu lược, quyết đoán, đã đứng lên gánh vác công việc triều chính, nhằm đưa đất nước trở về quy cũ, để người dân khỏi phải sống kiếp lầm than. Dưới sự phân tích tài tình của nhà văn, vị khai quốc triều Trần hiện lên là một con người lắm công, nhiều tội, vừa là người có tài thao lược, một anh hùng kiệt hiệt, biết dẹp những quyền lợi riêng tư để giữ nghiêm phép nước, nhưng cũng là một kẻ gian hùng nhiều mưu mô sâu hiểm, một người làm ra lịch sử, tạo dựng cơ nghiệp nhà Trần bằng những việc làm mà từ trước đến nay chưa từng ai dám làm.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, Trần Lý đã gửi gắm cả cơ đồ vào tay người cháu họ là Trần Thủ Độ, bởi ông nhận ra Trần Thủ Độ là con người sắc sảo, đa mưu, quyết đoán. Con người kiệt hiệt như Trần Thủ Độ khi mới bước chân vào vương triều nhà Lý không thể không nhận ra vận nhà Lý đã hết. Và ông nhận thức được thời nhà Trần đã đến, dòng họ của ông có thể đảm đương được sứ mệnh gánh vác non sông. Vì thế, ông đã lợi dụng nhà Lý đang bước vào thời kì suy vong, diễn màn kịch nhường ngôi giữa đôi vợ chồng trẻ con Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Để làm được việc tày trời này, Trần Thủ Độ đã lợi dụng Trần Thị Dung, người đàn bà mà ông hết mực yêu thương cùng thực hiện những mưu đồ chính trị. Có thể nói, Trần Thủ Độ đã làm một cuộc đổi ngôi với tính toán khôn ngoan, thậm chí có phần tàn nhẫn đến lạnh lùng. Hành động của Trần Thủ Độ dù có thành công nhưng không thành nhân.

Với tư cách là thái sư đương triều, ngày đêm Trần Thủ Độ lo nghĩ để tìm ra kế sách an dân, chăm lo cho thiên hạ. Xuất thân là võ tướng ít học nhưng Trần Thủ Độ vẫn luôn chịu khó nghiên cứu “Hình thư” (Bộ luật của triều Lý) để vận dụng vào triều Trần. Lúc nào Trần Thủ Độ cũng đau đáu lo cho dân cho nước. Qua những việc làm vì nước vì dân của Trần Thủ Độ,

có thể thấy Hoàng Quốc Hải đã khắc hoạ một nhân vật lịch sử trong đó nổi trội lên tính cách của một vị tướng lãnh đạo tài ba. Tác giả nhìn nhận công lao khai nghiệp nhà Trần của ông là vô cùng to lớn, tất cả vì dòng họ Trần chứ tuyệt đối không vì lợi ích của bản thân. Nhưng cũng không cố gắng biện minh cho những việc làm trái với cương thường đạo lý của Trần Thủ Độ, như gả công chúa Thuận Thiên là vợ Trần Liễu cho Trần Cảnh - em ruột Trần Liễu trong khi nàng đang có thai với Trần Liễu, rối chính Trần Thủ Độ cũng lấy Trần Thị Dung là chị mình và là vợ Lý Huệ Tông... Trong con mắt của người đời sau, đây chính là vết nhơ khó xóa hết ở con người Trần Thủ Độ.

Không chỉ khẳng định Trần Thủ Độ là con người đầy mưu lược, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm, soi chiếu ông trong cuộc sống đời thường. Trong tác phẩm, Trần Thủ Độ hiện lên với những trằn trọc, băn khoăn, suy nghĩ. Bên cạnh những việc làm mang lại lợi ích cho dòng họ, ông luôn day dứt bởi những hành động tàn bạo của mình: “Biết bao nhiêu tội ác, ông có phần trách nhiệm. Có một cái gì đấy nhói đau, nơi lồng ngực ông. Chợt dậy trong ông lòng thương xót và cả sự hối hận. Dường như lương tâm ông đang thức tỉnh” [21, 138]. Có thể nói, ở quan hệ đời thường, Trần Thủ Độ đã được nhà văn Hoàng Quốc Hải thể hiện khá sinh động, khai thác mối quan hệ này, nhà văn lí giải rõ hơn những việc làm trái đạo đức của Trần Thủ Độ mà người đời thường lên án.

Nếu trong tiểu thuyết Chiếc ngai vàng của Lan Khai, Trần Thủ Độ được xây dựng là người đa mưu, đầy thủ đoạn thì trong tác phẩm của mình, Hoàng Quốc Hải lại xây dựng Trần Thủ Độ với nhiều mối quan hệ phức tạp để nhân vật này hiện lên một cách chân thực và đời thường hơn. Điều đó cho thấy nhà văn Hoàng Quốc Hải đã có cái nhìn

mới, tiến bộ về nhân vật này, ông đã thổi hồn để trái tim nhân vật đập trở lại với mong muốn "trả lại sự công bằng cho nhân vật lịch sử cũng như giai đoạn lịch sử”.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 30 - 35)

w