Viết về một thời điểm lịch sử

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 35 - 37)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Viết về một thời điểm lịch sử

Ở tiểu thuyết lịch sử, thông thường trong hành trình sáng tạo nghệ thuật, các nhà văn thường dùng lịch sử để gửi gắm những ý nghĩ của mình về cuộc sống, với mong muốn bộc lộ cái nhìn của thời đại mình. Đối tượng lịch sử mà họ lựa chọn để thực hiện ý tưởng của mình là một số giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử đang còn gây nhiều tranh cãi, đang còn nhiều nghi vấn, cần được nhìn nhận và đánh giá lại.

Trong quá trình sáng tác, đã có một số nhà văn chứng tỏ được bản lĩnh của mình khi viết về những thời điểm vàng son nhất của lịch sử dân tộc mà không kém phần gay cấn, như: triều Lý, triều Trần, triều Hồ... Đây là những triều đại gắn liền với võ công oanh liệt hiển hách của những vị anh hùng đã được vinh danh trong lịch sử dân tộc. Điều đó phù hợp với mục đích sáng tác của các nhà văn, vì họ đã khơi dậy quá khứ vẻ vang của dân tộc cũng như ca ngợi truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Khi viết tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chọn giai đoạn lịch sử gay cấn nhất ở thời điểm cuối Trần - đầu Hồ làm bối cảnh cho những suy ngẫm, đề xuất ý kiến về hiện tại. Trong tiểu thuyết này, nhà văn không nhằm kể lại lịch sử mà đặt ra vấn đề xung đột giữa đổi mới và bảo thủ. Ở giai đoạn cuối, triều đại nhà Trần đã không còn đủ khả năng đóng vai trò chủ chốt đối với sự phát triển của lịch sử. Vấn đề cấp bách nhất lúc này là phải đổi mới, trong hoàn cảnh ấy, Hồ Quý Ly xuất hiện trên chính trường Đại Việt như một ngôi sao sáng, với những chủ trương cải cách triệt để. Sự cách tân táo bạo và quyết liệt của Hồ Quý Ly đã làm cho phe bảo thủ thất bại, điều đó là hợp với quy luật, bởi họ đã đi

ngược lại với lịch sử và đã bị sự phát triển của lịch sử nghiền nát. Để đổi lấy chiến thắng trong cuộc đấu tranh này, phe cách tân của Hồ Quý Ly đã phải tàn sát biết bao nhiêu mạng người nhưng vẫn không thu phục được lòng dân. Đây là bài học quý giá cho những người bằng mọi cách muốn cách tân nhanh chóng hoặc bảo thủ một cách mù quáng.

Tiếp sau tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng đã xây dựng bộ tiểu thuyết của mình ở những thời điểm lịch sử khác nhau trong triều đại nhà Trần. Bão táp triều Trần được coi là bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Việt Nam có quy mô đồ sộ. Thăng Long nổi giận viết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai của nhà Trần. Đây là giai đoạn gay cấn trong toàn bộ lịch sử 175 năm của nhà Trần và trong lịch sử dân tộc Đại Việt. Thời điểm lịch sử này gắn liền với các sự kiện: Sài Thung được Hốt Tất Liệt cử áp dẫn triều đình bù nhìn Trần Di Ái về Thăng Long cùng đội quân 5000 tên nhằm áp chế Đại Việt và tìm kế sách để châm ngòi cuộc chiến. Chúng đã ngang ngược đi lại, cướp phá hãm hiếp nhân dân, đưa ra nhiều yêu sách bắt ta phải phục tùng chúng, như việc lập Trần Di Ái là quân vương về phá hoại dân tộc Đại Việt, buộc chúng ta phải cống nạp sản vật quý, chúng đòi hỏi những điều không thể chấp nhận như cho chúng mượn đường, cung cấp lương thực cho chúng để đánh Chiêm Thành. Nhưng kì thực, ý của chúng là muốn cướp luôn nước Đại Việt. Trước tình hình đó, Trần Nhân Tông vừa phải đối phó với Sài Thung, vừa phải đem viện binh ứng cứu Chiêm Thành đang bị quân Nguyên Mông xâm chiếm nhằm giữ yên mặt Nam của đất nước. Triều đình nhà Trần càng nhân nhượng, Hốt Tất Liệt càng lấn tới. Vì vậy, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đưa ra những kế sách để đối phó với bọn giặc Nguyên mà không phải hao tổn sức của dân, máu của binh lính. Cuộc chiến chống quân Nguyên Mông nổ ra vào cuối năm 1284. Để củng cố lực lượng,

nhà Trần đã làm cuộc tổng duyệt binh ở Bình Than. Để thống nhất quyết tâm giết giặc cho toàn thể quân dân, nhà Trần đã tổ chức hội nghị Diên Hồng, mời nhân dân, các bậc hiền triết, với mong muốn đóng góp ý kiến nên đánh hay nên hòa với giặc. Có thể thấy, đây là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện tinh thần dân chủ của cả một triều đại, nhằm khẳng định sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, làm nên những chiến công hiển hách của cả một thời đại lịch sử. Cuối cùng cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai đã giành được thắng lợi vào giữa năm 1285. Sau sự kiện lịch sử mang ý nghĩa trọng đại này, Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho Trần Anh Tông, để đi tu trên đỉnh núi Yên Tử với mong muốn truyền bá đạo Phật trong nhân dân.

Như vậy, quan tâm tới những thời kỳ lịch sử phức tạp, mục đích của tác giả không phải là kể lại lịch sử hay phản ánh trung thành lịch sử. Mà thông qua tác phẩm của mình, các nhà văn muốn trình bày một góc nhìn riêng về lịch sử, đồng thời đưa ra những vấn đề để người đọc cùng suy ngẫm, hoặc đem đến cho họ những điểm nhìn mới từ các sự kiện hay nhân vật lịch sử quen thuộc. Các sự kiện ở những thời điểm lịch sử được tác giả lí giải bằng cái nhìn của con người hôm nay, cái nhìn dân chủ ít định kiến. Đó chính là một trong những điều thú vị, mới lạ của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w