Giọng trữ tình thiết tha sâu lắng

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 118 - 121)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.4. Giọng trữ tình thiết tha sâu lắng

Trữ tình thiết tha sâu lắng không phải là giọng phổ biến, nhưng lại có sức thuyết phục cao trong sáng tác của Hoàng Quốc Hải. Nó là tiếng nói thủ thỉ, nhẹ nhàng mà thấm thía, do vậy dễ đi vào lòng người, thể hiện thái độ đồng cảm và yêu thương giữa các nhân vật với nhau.

Trong Con ngựa nhà Phật, Hoàng Quốc Hải đã sử dụng giọng văn ngọt ngào và tha thiết để diễn tả tâm trạng hồi hộp, phấn chấn của hoàng tử Phật Mã khi nghĩ về cô thôn nữ hái dâu Minh Nguyệt: “Ước gì ta đến tuổi nạp phi, ta sẽ xin với phụ vương cho ta đưa nàng về cung. Trong giấc ngủ chập chờn, hoàng tử mơ về Mai thị và chàng cảm như có ai phủ lên thân thể chàng một tấm chăn mỏng nhẹ như khói, mà sao nó dịu êm đến thế. Chàng cảm như tấm chăn kia nâng bổng chàng lên, và cứ thế chàng bay,

bay miết vào bầu trời thăm thẳm với triệu triệu ánh sao xanh” [27, 346]. Tình cảm của vị hoàng tử đã được cô thôn nữ làng Tam Sơn đáp trả một cách chân thành. Sau này, khi đã là hoàng hậu, Minh Nguyệt đã thổ lộ tình yêu của mình với hoàng thượng qua những lời tâm sự với mẹ: “Con nhớ buổi hoàng thái tử Lý Phật Mã đến thăm anh Mạnh Minh con, lúc con đi hái dâu về cũng là lúc hoàng tử mới ra khỏi ngõ nhà mình. Từ đấy con ao ước được gần chàng. Ấy là ước mơ hão của một cô gái quê, như mọi cô gái quê khác thôi, chứ phúc phận đâu đến lượt mình. Thế rồi chàng về đây mở phủ, chàng để ý đến con. Con cũng nghĩ người ta con vua chúa, người ta chỉ huê nguyệt để giải khuây thôi, nên con cứ tránh lẫn mãi. Mẹ có biết ngày ấy con sung sướng thế nào không. Con nghĩ, cứ như là con đang sống trong mơ ấy. Rằng con vào rừng chơi, bỗng gặp một bà tiên. Bà hỏi con ước gì thì bà cho. Nhưng chỉ được ước một điều thôi. Con nói rằng con chỉ muốn được làm vợ một chàng hoàng tử. Thế là bà cho con một hoàng tử thật” [28, 219 - 220]. Giọng điệu trữ tình thiết tha còn được thể hiện qua cuộc đối thoại giữa Minh Nguyệt với thái tử Phật Mã, nàng đã tỏ ra e thẹn khi nói với chồng về giấc mơ của mình: “Thiếp mơ đang đi chơi cùng chàng trên đồi thông vào một đêm trăng tỏ. Vừa lên tới đỉnh đồi mệt quá, thiếp ngồi nghỉ dưới gốc thông. Thấy thảm lá thông êm như đệm, thiếp bèn ngả mình dưới gốc thông nhìn bầu trời, nhìn vầng trăng tròn vành vạnh. Tự nhiên thiếp như buồn ngủ, liền ngáp to một cái. Thế là vầng trăng chui tọt vào miệng thiếp, và nó đang còn nằm trong bụng đây này” [27, 553].

Không chỉ là những lời lẽ yêu thương, trong Tám triều vua Lý, Hoàng Quốc Hải còn sử dụng giọng thiết tha trữ tình để nhân vật giãi bày những đau khổ và dằn vặt của mình với người thân khi họ gặp cảnh ngộ éo le trên đường đời. Mẹ của Thuần Khanh đã vô cùng đau xót khi biết tin con

gái mình lận đận trong đường tình duyên. Đối với Thuần Khanh, cuộc đời đã không còn tươi đẹp kể từ khi nàng biết tin chồng mình là Ngô Tuấn phải tự yêm để vào cung phục vụ triều đình suốt đời. Nhà văn đã để cho nhân vật đối thoại với nhau về vấn đề này: “Con ơi, lòng con có muốn thế đâu. Tại ông trời xui khiến ra như vậy. Trăm đường chẳng khỏi số, biết đâu mà tránh khỏi hở con. Chỉ có ông trời ông ấy tránh cho mình thì mới được. Như vợ chồng con đấy, chẳng là tấm gương, chẳng là ước mơ cho bao cặp vợ chồng trẻ khác ư. Đúng là không ai biết phúc đâu mà tìm, họa đâu mà tránh. Trong sự bất hạnh của con, mẹ cũng có lỗi, vì mẹ đã sinh con ra là phận gái” [28, 613]. Với giọng văn tha thiết, Hoàng Quốc Hải còn cho chúng ta thấy tận cùng nỗi đau trong tâm can nhân vật khi nhà văn để cho ông đồ Lê Trung Lương bộc bạch tâm sự của mình với cô con gái Lê Thị Khiết. Lê Trung Lương đã vô cùng đau đớn khi cô con gái bé nhỏ của mình phải trải qua nỗi đau mất cha, mất mẹ: “Khiết ơi Khiết, thày thương con lắm. Thày có lỗi với con nhiều. Nếu ông trời bắt thày đi vào lúc này thì khắc nghiệt quá. Thày không sợ chết, nhưng thày thương con còn nhỏ. Thày đã không làm tròn trách phận của người cha, con tha thứ cho thày. Nếu còn kiếp khác, thày nguyện sẽ trả nợ cho con, trả nợ cho cả mẹ con và cả cô Tuất nữa. Cái phận thày nó bạc quá, thày làm khổ mọi người. Trời hỡi trời!” [29, 340].

Với giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng, Hoàng Quốc Hải đã tạo nên những trang văn mượt mà nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Mỗi lời văn luôn ẩn chứa trong đó cả nỗi niềm xen lẫn suy tư, hay những sẻ chia của nhân vật mà tác giả ngầm gửi đến với người đọc. Với những dòng suy tư của nhân vật, chúng ta ít nhiều đều thấy được phần nào con người mình trong đó. Bởi vậy tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải đã có được sức hấp dẫn riêng trong lòng công chúng.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 118 - 121)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w