Vị trí của tiểu thuyết lịch sử trong văn học

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 26 - 28)

6. Cấu trúc luận văn

1.1.3. Vị trí của tiểu thuyết lịch sử trong văn học

Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam. Từ khi ra đời, tiểu thuyết lịch sử đã nhanh chóng chiếm được chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các thể loại của văn học. Nó làm cho văn học trở về với cuộc sống đời thường trong quá trình phát triển lịch đại của loài người. Vì vậy, thể loại tiểu thuyết lịch sử đang chiếm vị thế quan trọng trong quá trình phát triển văn học nước nhà.

Ở nước ta, trong giai đoạn đầu của thời kỳ trung đại, văn học luôn tuân thủ theo quan điểm cổ điển là đề cao thơ và coi nhẹ văn xuôi. Vì vậy, ở giai đoạn đó, tiểu thuyết lịch sử vẫn chưa thể phát triển. Chúng ta chỉ mới có những bộ truyện truyền kỳ kể lại những câu chuyện kỳ quái ở dân gian, và với quan niệm coi trọng thơ ca hơn văn xuôi nên truyện truyền kỳ chưa được coi là văn chương đích thực. Sang thế kỷ XVII, tiểu thuyết lịch sử ở nước ta mới bắt đầu hình thành với cuốn gia phả lịch sử viết dưới dạng tiểu thuyết chương hồi Hoan Châu ký nhưng lại không rõ tác giả là ai. Phải đến thế kỷ XVIII, mới xuất hiện cuốn tiểu thuyết có giá trị thực sự, đó là cuốn

Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm tác giả Ngô gia văn phái. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, cùng với quá trình hiện đại hoá văn học, tiểu thuyết lịch sử đã có chỗ đứng vững chắc và trở thành lực lượng nòng cốt ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thời kì này xuất hiện một số lượng tác phẩm khá lớn: Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu; Tiếng sấm đêm đông, Hai bà đánh giặc, Vua bà Triệu Ẩu, Đinh Tiên Hoàng của Nguyễn Tử Siêu; Bà chúa Chè, Loạn kiêu binh, Chúa Trịnh Khải của Nguyễn Triệu Luật; An Tư, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng; Vua Quang Trung, Giọt máu sau cùng của Phan Trần Chúc; Cái hột mận của Lan Khai,... Sự góp mặt của đội ngũ tiểu thuyết gia này đã làm phong phú thêm cho tiểu thuyết hiện đại, khẳng định vị trí của tiểu thuyết lịch sử trong tiến trình vận động, phát triển của nền văn học dân tộc.

Đến thời kỳ đổi mới (từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX), với phong trào tự do sáng tác được mở rộng, đề tài lịch trở thành một trong những đề tài nổi bật của văn học. Tiểu thuyết lịch sử nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng với những bộ tiểu thuyết cỡ lớn, như muốn chứng minh cho tiềm năng bị bỏ quên của nó. Có thể nói, tiểu thuyết lịch sử đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại là giáo dục lịch sử và góp phần giải quyết những vấn đề của thời hiện tại.

Yêu cầu giáo dục lịch sử bằng tiểu thuyết xuất hiện là do sự thúc bách của cuộc sống thực tiễn. Nhất là từ những năm đầu đổi mới, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, phim lịch sử nước ngoài đã có dịp thâm nhập ồ ạt vào Việt Nam. Trong khi đó chúng ta lại không phát triển được các loại hình nghệ thuật lịch sử mang tính xã hội hoá cao để phổ biến cho người dân trong nước. Điều này dẫn đến việc người dân nước ta, nhất là lớp trẻ, có xu hướng thông thạo sử nước ngoài hơn sử Việt Nam. Năm 1997, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã trăn trở: "Dân tộc ta có một quá khứ dựng nước và giữ nước đầy nhọc nhằn và kiêu dũng, không thua kém một dân tộc nào, nhưng sao thế giới biết đến ta quá ít. Cũng bởi bộ môn tiểu thuyết lịch sử của ta chậm phát triển. Đến nỗi thanh thiếu niên của chúng ta rất thông thạo sử Tàu, sử Ấn, sử Hy - La, sử Anh, sử Pháp,... Trong khi đó họ lại không biết rõ các nhân vật lịch sử của nước nhà” [21]. Điều này đã thôi thúc các nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử để giáo dục lịch sử cho người dân Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ.

Ngoài ra, tiểu thuyết lịch sử còn có mục đích là mượn lịch sử để bàn về hiện tại. Lịch sử giống như một kho kinh nghiệm cho con người của thời đại, vì có rất nhiều vấn đề của ngày nay, nếu được nói bằng hình tượng lịch sử thì sẽ có hiệu quả thẩm mỹ hơn bất cứ một phương thức nào khác. Bởi vậy, tác động thẩm mỹ và tác động xã hội của tiểu thuyết lịch

sử trong giai đoạn đương đại đang tỏ ra cần thiết hơn bao giờ hết. Bước sang thế kỷ XXI, xuất hiện của các tác phẩm như Khúc Khải hoàn dang dở (Hà Ân), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh, Mạc Đăng Dung

của Lưu Văn Khuê, Con ngựa Mãn Châu Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thuỳ,... Gần đây, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Tám triều vua Lý gồm bốn tập:

Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh,... Điều đó được xem là sự tiếp tục khẳng định hướng đi mới của tiểu thuyết lịch sử, chúng ta có quyền tin tưởng vào vị trí và sự phát triển của tiểu thuyết lịch sử trong quá trình hiện đại hóa văn học thời kì đổi mới.

Quả thực, giai đoạn đương đại của nước ta đang được chứng kiến sự xuất hiện của một loạt tiểu thuyết lịch sử có tiếng vang, trong đó có những tác phẩm được tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam như: Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, trao giải năm 2000. Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội” lần thứ nhất, năm 2008 của Quỹ Bùi Xuân Phái dành cho bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải. Giải thưởng hạng A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba năm 2006 - 2009 được trao cho tác phẩm Hội thề của Nguyễn Quang Thân. Và gần đây là giải A cho tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi (2011).

Với những gì đã có, tiểu thuyết lịch sử đang chiếm một vị trí quan trọng trên văn đàn văn học Việt Nam, trong đó có Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 26 - 28)

w