6. Cấu trúc luận văn
1.3.3. Một cái nhìn khái lược về Tám triều vua Lý
Bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải gồm bốn tập, viết về nhà Lý kể từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009 - 1225), trải
dài 216 năm trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bộ tiểu thuyết đã phục dựng đầy đủ và toàn cảnh bức tranh sinh động về vương triều Lý, triều đại đã xây dựng nên một nền móng vững chắc cho nước Đại Việt văn hiến và tự chủ.
Thiền sư dựng nước (tập 1) viết về vị vua khởi nghiệp nhà Lý, Thái tổ Lý Công Uẩn (974 - 1028) và sự ra đời của vương triều nhà Lý, nhờ vào vai trò của các bậc thiền sư, những việc làm của Lý Công Uẩn trong thời kỳ đầu khởi nghiệp nhằm đặt nền móng cho một triều đại mới. Trong đó có việc dời đô về Thăng Long (1010), thực hiện chính sách gần dân, thân dân. “Trong mười tám năm trị Lý Thái Tổ đã ba lần tha tô thuế cho dân, trong đó có hai lần, mỗi lần tha ba năm, lần thứ ba cũng tha ba năm nhưng chỉ tha cho nửa số tô thuế, gộp lại là bảy năm rưỡi dân không phải nộp tô, thuế không phải đóng. Xét ra trong lịch sử cổ kim từ khi có tổ chức nhà nước, thì chưa có một nhà nước nào đã làm một việc phi thường như triều Thuận Thiên của Lý Công Uẩn” [27, 26], đặc biệt là công cuộc mở mang Phật giáo thông qua việc xây dựng các đạo tràng lớn, trọng dụng các bậc thiền sư đạo cao đức trọng.
Con ngựa nhà Phật (tập 2), là câu chuyện về vị vua thứ hai của triều Lý - Lý Thái Tông (1000 - 1254). Ông là người uyên thâm võ công, có công giữ nước an dân, cũng là người xây dựng và ban bố Bộ hình đầu tiên ở nước ta (1042). Trong 26 năm nắm quyền, Lý Thái Tông đã xây dựng đất nước về mọi mặt, sự đạo cũng như sự đời đều phát triển đến cực thịnh, bởi vua đã làm tốt việc tải đạo và hoằng dương Phật pháp, điều mà thiền sư Vạn Hạnh kỳ vọng vào “con ngựa nhà Phật” (Lý Phật Mã). Hơn thế nữa, Lý Thái Tông còn là một vị vua rất coi trọng việc nông trang. “Nhà vua tự mình tìm ra phương pháp để dệt gấm... chính ngài dạy cho cung nữ biết dệt gấm và tự mình mặc loại gấm nội ấy để thiết triều. Tiếp đó ngài mở kho lưu trữ các loại gấm của nhà Tống thường để may triều phục cho các quan,
nay phát hết cho mọi người đem về cho gia đình vợ con. Và từ đấy tất cả các quan đều phải mặc triều phục may bằng gấm nội” [27, 29]. Chính những chính sách và việc làm đó đã khiến cho vị vua Lý Thái Tông gần dân, thân dân hơn.
Bình Bắc dẹp Nam (tập 3) vẽ nên bức chân dung về vị vua võ công - văn trị Lý Thánh Tông (1023 - 1072) với những thành tựu chính trị - quân sự quan trọng (phá Tống - 1060, bình Chiêm - 1069). Những đóng góp về văn hóa, phát triển kinh tế (trong đó có khai mỏ: đồng, bạc, vàng), nỗ lực đưa Phật giáo vào đời sống, chú trọng mở mang hệ thống trường học,... Ông cũng chính là người đổi tên nước ta thành nước Đại Việt, cho lập Văn miếu (1070) thờ Khổng Tử và mở Quốc học viện cho các quốc tử sinh và nho sinh vào học để chuẩn bị cho kỳ thi đại học (tiến sĩ), “Lý Thánh Tông là người cầm cương chính hết sức quyết đoán nhưng biết lắng nghe và thấu hiểu lòng dân. Ông là người có trí tuệ siêu việt, và cũng là một vị vua có lòng nhân ái và tôn trọng nhân phẩm con người một cách kỳ lạ” [27, 30].
Con đường định mệnh (tập 4) tái hiện triều đại nhà Lý dưới thời vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) với sự phát triển đến cực thịnh (trận “Phạt Tống” và lời “Lộ bố” năm 1075, trận thắng Tống trên sông Như Nguyệt năm 1075), nhưng đây cũng là thời điểm xuất hiện sự xuống dốc, sau đó đi vào “con đường định mệnh” của vương triều nhà Lý với hàng loạt sự kiện ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Các nhân vật của bốn triều vua Lý đi vào con đường khủng hoảng, suy vong: Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1176); Lý Cao Tông (1176 - 1210); Lý Huệ Tông (1211 - 1224). Trong quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã đi vào khám phá mọi góc khuất trong triều đại nhà Lý. Mặt khác, tác giả cũng đưa ra những nhận định khách quan về mỗi triều đại cũng như mỗi tuyến nhân vật, từ đó khẳng định những công trạng, những
thiếu sót của từng cá nhân trong từng thời kì. Ngoài ra, Tám triều vua Lý
còn ca ngợi tinh thần quật cường của những người cầm đầu và những người dân nhỏ bé đã cùng nhau hợp sức để xóa bỏ đi cái không hợp thời, thay vào đó cái tiến bộ phù hợp với tình hình đất nước nhằm mang lại lợi ích cho mọi người.
Bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải cho thấy sự dũng cảm của nhà văn, khi khai thác, tiếp cận lịch sử theo một cái nhìn mới. Ông bám sát, phản ánh trung thực sự thật lịch sử và tuân thủ thi pháp của thể loại tiểu thuyết lịch sử. Nhà văn đã dùng chất liệu của lịch sử, tôn trọng lịch sử như nó đã xảy ra, trên cơ sở đó hư cấu nhằm dựng lại toàn cảnh lịch sử triều Lý cách đây hàng ngàn năm như nó vốn có. Với sự hiểu biết về văn hóa, Hoàng Quốc Hải đã dựng lại không gian văn hóa của cả một thời đại trải dài 216 năm, với vẻ đẹp của văn hóa Phật giáo cùng những phong tục, tập quán, khung cảnh lao động, lễ hội dân gian, cung đình... và nền nếp sinh hoạt đời thường của dân chúng, nho sĩ,... Ngoài ra, một không gian khác của tiểu thuyết là không gian chiến trận cũng được tác giả tái hiện rất sinh động. Bộ tiểu thuyết cũng đã khắc họa sinh động tính cách mỗi vị vua với tư cách là nhân vật văn học cũng như xây dựng thành công những con người kiệt xuất của dân tộc như Thiền sư Vạn Hạnh, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành, Thái hậu Ỷ Lan...
Sức sáng tạo của Hoàng Quốc Hải trong tiểu thuyết Tám triều vua Lý
đã đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ khi thưởng thức các giá trị của tiểu thuyết lịch sử, đồng thời nhiều vấn đề của lịch sử được tiếp cận ở tầm cao hơn, đó là sự lý giải lịch sử.
Chương 2
CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT
TRONG TÁM TRIỀU VUA LÝ - TỪ GÓC NHÌN THỂ LOẠI 2.1. Cốt truyện trong Tám triều vua Lý
2.1.1. Cốt truyện và cốt truyện tiểu thuyết
Một tác phẩm tự sự, dù lớn hay nhỏ, thường có cốt truyện. Cốt truyện là hệ thống các sự kiện, biến cố được tổ chức một cách chặt chẽ, có tác động qua lại theo một ý đồ nghệ thuật đã được định sẵn. Cốt truyện bộc lộ mâu thuẫn của đời sống, những xung đột của xã hội, phản ánh bức tranh hiện thực một cách rộng lớn, khắc họa tính cách nhân vật, thể hiện chủ đề tư tưởng và cá tính sáng tạo của nhà nghệ sĩ.
Ở thể loại tiểu thuyết, cốt truyện thường chiếm vị trí quan trọng, nó được xem là yếu tố cơ bản để tạo nên sự thành công của mỗi tác phẩm. Raxun Gamzatop từng nói: “Đá quý phải xem trong khung, nhìn người phải nhìn trong nhà, đánh giá tác phẩm nghệ thuật phải bắt đầu từ cốt truyện”. Một bộ tiểu thuyết hấp dẫn muốn lôi cuốn người đọc, đòi hỏi tác phẩm đó phải có cốt truyện độc đáo. Thông qua cốt truyện, cá tính, tài năng và phong cách nhà văn phần nào sẽ được bộc lộ. Nhận thức rõ điều này, trong quá trình sáng tác, các nhà văn hiện đại đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi những cốt truyện có hình thức mới lạ, nhằm tạo nên sự phong phú, đa dạng trong việc tái hiện cuộc sống và thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình.
Trong quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Tám triều vua Lý, nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng cốt truyện. Ông cho rằng, điều quan trọng khi viết tiểu thuyết lịch sử là phải làm sống lại lịch sử để nó trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Muốn làm được điều đó thì cần phải hư cấu, nhưng hư cấu phải hợp lý và phải có giới hạn, nếu
không nó sẽ làm mất đi tính chân thực của lịch sử. Nhưng nếu trung thành tuyệt đối với sử liệu thì sẽ làm cho người đọc có cảm giác nhàm chán. Nhà văn từng bày tỏ: “Cái khó nhất khi thực hiện là làm sao cho người đọc thấy đây đúng là lịch sử, hình dung ra bức tranh toàn diện về lịch sử mà không phải là những mảnh chắp vá của lịch sử. Muốn làm được như vậy nhà văn phải đi vào giải mã lịch sử” [64]. Bởi vậy, ở Tám triều vua Lý, Hoàng Quốc Hải đã chọn cho mình một lối đi riêng, đó là vừa trung thành với các sự kiện lịch sử, vừa hư cấu để tạo nên cốt truyện với nhiều đoạn mạch khác nhau cùng đan xen, khiến cho câu chuyện nhà văn kể luôn nhất quán nhưng cũng không kém phần đa dạng.
2.1.2. Từ câu chuyện lịch sử đến cốt truyện tiểu thuyết
Tám triều vua Lý là một bộ tiểu thuyết có dung lượng dài và hấp dẫn, mặc dù nhà văn luôn trung thành với lịch sử, nhưng ông lại không lệ thuộc hoàn toàn vào chính sử. Trong cùng một tác phẩm ông có thể đan xen nhiều cốt truyện vào nhau, từ câu chuyện lịch sử nhà văn đã đan xen vào trong đó cốt truyện tiểu thuyết nhằm làm cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn.
Bằng tài năng và sự hiểu biết của mình, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã sáng tạo nên một cốt truyện tiểu thuyết mới, cốt truyện này được xây dựng liền mạch với câu chuyện lịch sử về triều đại nhà Lý, nhằm bồi đắp cho nhân vật thể hiện những tính cách trong mọi hoàn cảnh mà lịch sử không hề nhắc đến, giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật. Ở Con ngựa nhà Phật, Hoàng Quốc Hải đã miêu tả rõ nét tâm trạng của vua Lý Thái Tông sau những ngày đi dẹp loạn ở đạo Lâm Tây trở về, nhà vua luôn trăn trở về những điều mà đức Vạn Hạnh khuyên ngài trước khi lên nối ngôi. Đó là “việc đầu tiên của một triều đại là phải lo yên dân. Muốn yên dân thì phải lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, không để xã hội có trộm cắp… Việc thứ hai của một triều đại là phải làm cho nước
được cường thịnh… Làm cho dân giàu nước mạnh, chính là thuật trị nước của các bậc vua sáng từ thượng cổ tới nay và mãi mãi về sau chắc cũng không khác được” [28, 465 - 466]. Từ những suy tư, trăn trở của Lý Thái Tông, người đọc có thể cảm nhận được ông là một vị vua luôn quan tâm lo lắng và làm nhiều việc tốt để người dân sớm thoát khỏi cảnh lầm than, để đất nước của ông ngày càng cường thịnh.
Không chỉ là những suy tư trăn trở về thời cuộc, trong câu chuyện lớn về lịch sử nhà Lý, nhà văn còn tạo ra cốt truyện về cuộc sống dân dã đời thường. Như khi đã là vợ vua, nhưng khi về quê thăm cha mẹ, Kim thiên hoàng hậu đã bỏ tất cả nghi lễ triều đình mà phục sức mộc mạc như một cô gái quê: “Tóc vấn, khăn mỏ quạ, áo dài tứ thân may bằng vải thanh cát, chân đi dép mo cau, quai ngang, đội nón thúng quai thao gióc bằng chỉ màu” [28, 267] cùng bạn bè đồng trang lứa đội lễ vào nhà ông trưởng tộc. Họăc khi kể về những chiến công lừng lẫy trong cuộc đời thái úy Lý Thường Kiệt, nhà văn đã gắn vào đó số phận éo le về con đường tình duyên của vị võ tướng tài ba này. Cha mẹ mất sớm, hai anh em Lý Thường Kiệt được cô chú đem về dạy dỗ, đến tuổi trưởng thành chàng kết duyên với một người con gái xinh đẹp, đảm đang. Ngờ đâu, đang trong thời kì mặn nồng hạnh phúc, tai họa đã ập đến. Vì sự yêu quý, Khai Hoàng vương đã xin vua cha cho Lý Thường Kiệt làm chức quan Hoàng môn, để suốt đời chàng có thể ở bên cạnh Lý Thánh Tông. Kể từ đây, bóng đen đã bao phủ xuống cuộc đời Lý Thường Kiệt, chàng phải từ bỏ người vợ yêu dấu và đứa con sắp chào đời của mình. Đây là nỗi đau lớn không bao giờ nguôi, nó luôn ám ảnh trong tâm trí chàng và Hoàng Quốc Hải đã khéo léo xây dựng nỗi buồn này một cách thường trực trong con người Lý Thường Kiệt: “Đêm ngủ tại nhà tân khách, nghe sóng vỗ rì rầm như những lời oán than của Thuần Khanh, trong lòng Lý Thường Kiệt lại trỗi dậy những kỉ niệm đau
đớn mà từ hơn chục năm nay chàng cố quên, cố vùi sâu như một nấm mồ chôn trong tâm khảm” [29, 84].
Như vậy, lồng ghép câu chuyện lịch sử vào trong cốt truyện tiểu thuyết là nét sáng tạo độc đáo riêng của nhà văn Hoàng Quốc Hải, đưa lại cho tác phẩm sự hấp dẫn với những giá trị biểu cảm cao, giàu tính nhân văn.
2.1.3. Kết cấu đan cài cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý
Trong quá trình sáng tác, Hoàng Quốc Hải đã không bằng lòng với những ghi chép đơn điệu về lịch sử, bởi viết tiểu thuyết lịch sử theo cốt truyện sự kiện thông thường, diễn biến số phận cuộc đời của nhân vật sẽ chỉ theo những cái có sẵn trong lịch sử, nó sẽ làm cho tác phẩm trở nên khô khan, khiến người đọc có cảm giác nhàm chán khi tiếp nhận. Vì vậy, ở
Tám triều vua Lý, nhà văn đã khai thác đặc trưng của thể loại tiểu thuyết là sáng tạo và hư cấu, đan cài cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý, biến nhân vật có thật trong lịch sử trở thành nhân vật trong tiểu thuyết. Ngoài ra, nhà văn còn để nhân vật suy nghĩ theo dòng ý thức, từ đó đi sâu vào khám phá thế giới nhân vật với những đấu tranh, giằng xé nội tâm.
Khi vua Lý Thái Tổ băng hà, “loạn tam vương” nổi lên. Các hoàng tử đã bàn mưu tính kế, chặn mọi cửa để chờ Đức Chính vào cấm thành là đánh úp, nhằm ép các quan lập vua mới rồi mới phát tang Thái Tổ. Biết được âm mưu này của ba vương, thái tử Phật Mã đã cùng các tướng thẳng tay trừng trị. Tuy nhiên, khi đã dẹp được “loạn tam vương”, Thái Tông lại thấy vô cùng chua xót, nhà vua tự hỏi: “Có phải đức ta bạc hay kiếp trước ta mắc vào nghiệp chướng. Ai dè tiên đế nằm xuống chưa kịp khâm liệm, thì một lũ em đã rủ nhau nổi loạn. Ta không biết, nếu giết được ta thì chúng sẽ làm gì. Ba đứa ấy lòng tham đều chất ngất, sẽ chẳng đứa nào chịu cho đứa nào giữ ngôi tôn” [27, 641]. Và ngài đã rất khó xử trong việc xử tội
những người anh em phản phúc của mình, bởi nhà vua phải lựa chọn giữa tình huynh đệ và phép nước. “Ôi, những người anh em, sao các ngươi làm ta khó xử. Nếu không trị tội các người, thì các tướng còn ai dám vì ta mà dấn thân vào nơi nước lửa. Mà trị tội các người thì có khác nào tay phải cầm dao chém vào tay trái” [27, 642]. Hay kể từ khi Thái Tông lên ngôi hoàng đế, là nước nhỏ nhưng Chiêm Thành chưa một lần sai sứ sang thăm viếng. Không những thế còn đem binh tàn phá biên ải của ta. Nhà vua thấy đó là trái với cái đạo nước nhỏ thờ nước lớn từ xưa đã an bài. Vì thế, vua Thái Tông đã đích thân cầm quân sang Chiêm Thành, tiến thẳng vào làm chủ thành Phật Thệ và lấy được đầu quốc vương Sạ Đẩu. Giành chiến thắng vẻ vang như vậy, nhưng Thái Tông không thấy vui, ông chạnh lòng bởi “sau khi xem các cung điện, đền đài và thưởng thức vũ nhạc của người Chiêm, vua Thái Tông thấy lòng xao động. Một cảm giác không rõ rệt nhen lên trong tâm não, nhà vua không thể nào cắt nghĩa được. Vài ngày sau cái ý nghĩ mơ hồ ấy vẫn cứ bám đuổi, mãi sau nhà vua mới gọi ra được hình