Các sắc thái giọng điệu trong tiểu thuyết Tám triều vua Lý

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 110 - 113)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Các sắc thái giọng điệu trong tiểu thuyết Tám triều vua Lý

3.2.1.1. Giọng khách quan, trung tính

Tám triều vua Lý là bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ có tính sử thi hoành tráng về triều đại nhà Lý kể từ khi hình thành đến giai đoạn suy vong, với số lượng nhân vật đông đảo gồm nhiều tầng lớp và nhiều sự kiện lịch sử phong phú, nên giọng điệu mà nhà văn thể hiện rất đa dạng. Hoàng Quốc Hải đã thành công trong việc sử dụng giọng điệu khách quan, trung tính trong tác phẩm của mình. Theo nhà văn, “những gì mà tác phẩm tái tạo không được trái với lịch sử. Có khi quan điểm của tác giả văn học độc lập, thậm chí trái ngược với sử gia, song nó phải đạt tới tính chân thực lịch sử mà người đọc đương đại chấp nhận” [55, 69]. Tính khách quan trong việc tổ chức giọng điệu tác động mạnh mẽ đến người đọc khi tiếp cận các sự kiện lịch sử, dường như không phải giọng kể của nhà văn mà lịch sử đang diễn ra như nó vốn có. Mỗi nhân vật xuất hiện, hành động, suy nghĩ đều chịu sự đánh giá khách quan của lịch sử. Điểm nhìn của nhà văn trùng với điểm nhìn chung của cộng đồng, vì thế nhân vật và sự kiện lịch sử được khám phá ở nhiều phương diện. Với cái nhìn mang tính khách quan của tác giả, tất cả được hiện lên ở nhiều phương diện khác nhau với đầy đủ diện mạo của nó.

Viết về Lý Thái Tông, nhà văn dùng giọng văn mang tính khách quan, trung tính để miêu tả trạng thái phấn chấn của nhà vua khi nghe tiếng tụng kinh phát ra từ trong chùa, với mong muốn người đọc có thể cảm nhận được đây là vị vua rất mộ đạo, đúng với tên gọi Con ngựa nhà Phật của ngài. “Đêm qua nhà vua nghỉ lại chùa. Ngài có thói quen dậy sớm để luyện tập. Buổi đêm, trước, khi đi ngủ, ngài ngồi thiền. Sớm, ngài luyện võ. Bữa nay nhà vua tập hầu quyền trên bãi cỏ phía sau chùa. Nhưng những thanh âm từ trong chùa lan tỏa ra cùng với lời kinh như hút

cả tâm trí nhà vua. Các đường quyền cứ ríu lại chẳng còn trật tự lớp lang gì hết. Lời kinh như một ma lực hút dần, hút dần nhà vua đi lại phía cửa chùa. Khi tới bậc tam cấp ngài ngồi xuống. Tự nhiên chắp hai tay vái vọng vào chùa, miệng đọc lời kinh nhịp cùng thiền sư…” [28, 141]. Đối với hoàng tử Lý Nhật Tôn, một thanh niên còn rất trẻ nhưng đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong trận mạc, Hoàng Quốc Hải đã có lời trần thuật mang tính khách quan, không thể hiện thái độ đối với nhân vật này: “Với Khai Hoàng vương thì không phải đây là lần đầu tiên hoàng thái tử lãnh án đại nguyên soái, mà là lần đầu tiên chàng tham gia hầu như tất cả mọi việc nơi tiền quân; các quan phụ tá đều có ý nể trọng hoàng thái tử, chứ không còn coi chàng như một thiếu niên mười lăm tuổi nữa” [28, 482]. Những nhận xét của nhà văn không trái với sự thực lịch sử, đã giúp người đọc có một cái nhìn toàn vẹn về ông vua thứ ba của triều đại nhà Lý trong những ngày niên thiếu. Dưới cái nhìn khách quan của người trần thuật, nhân vật Lý Thường Kiệt ngay từ khi còn trẻ đã phải chịu một nỗi đau rất lớn về tinh thần. Tận hưởng niềm hạnh phúc bên người vợ trẻ chưa được bao lâu, chàng phải từ bỏ tất cả, tự yêm để vào cung phục vụ triều. “Phiên đầu tiên Ngô Tuấn được vào chầu như các đại thần khác. Gương mặt trẻ măng không còn dáng vẻ tươi rói hừng hực tuổi xuân như trước nữa, mà phảng phất một nét buồn sâu lắng. Các quan như cũng cảm thông không ai xì xào bàn tán, hoặc nhắc hỏi lại sự việc mà Ngô Tuấn bị tước đoạt phần sinh lực trời cho” [28, 632]. Có thể thấy, giọng điệu khách quan, trung tính rất phù hợp với vệc nhận xét, đánh giá về nhân vật lịch sử. Mỗi nhân vật đều được nhà văn dành những tình cảm, ưu ái với cách bày tỏ kín đáo ẩn sâu vào bên trong giọng điệu.

Ngoài ra, Hoàng Quốc Hải cũng dùng giọng điệu trung tính khách quan để miêu tả các sự kiện để người đọc thấy rõ đây là những sự kiện

có thật đã xảy ra trong lịch sử. Mở đầu bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý, tác giả đã miêu tả tâm trạng chung của quần chúng nhân dân trong những ngày đầu tiên nhà Lý lên thay nhà Lê điều hành đất nước: “Từ khi nhà Lý thay nhà Lê, dân chúng thấy dễ sống hơn. Người dân đi lại làm ăn không còn sợ gặp vua nữa. Như thời Lê Ngọa triều, người nào vô phúc gặp ông ta chỉ có mất mạng… Triều đại mới quả có chăm chút đến thân phận của người dân như tha bớt tô thuế, khuyến dân khai khẩn đất hoang, bãi bồi và cho họ làm chủ luôn đất ấy. Vì vậy trong dân chúng nô nức không khí làm ăn [27, 122 - 123]. Với tâm trạng yên lòng về một triều đại mới nên mọi người trong kinh thành rất phấn khởi đón nhận vị vua mới của triều đại nhà Lý. “Mặt trời vừa khuất, cả kinh thành bừng sáng. Người ta có cảm giác như tất cả vì sao trên dải Ngân hà đều xà thấp xuống bầu trời Thăng Long để mừng vua mới, mừng kinh thành mới” [27, 143]. Ở giai đoạn cuối, nhà Lý bước vào con đường khủng hoảng trầm trọng. Nhà vua không thể đảm đương được công việc triều chính, chỉ biết ăn chơi và để mặc dân chúng sống trong cảnh lầm than. Chân thực và khách quan, hoàng Quốc Hải đã tái hiện hiện thực ấy bằng một giọng điệu điềm tĩnh, tự nhiên: “Chẳng hiểu sao trời lại giáng nhiều tai họa đến như vậy, hết sâu bệnh, giông bão đến lũ lụt khiến mùa màng mất trắng, dân đói khổ nhưng triều đình vẫn không tha giảm tô thuế. Khắp nơi nạn trộm cướp nổi lên như ong. Dân chúng bỏ quê hương kéo nhau lên rừng tìm củ quả để sống, tới cuối năm Tân Sửu (1181) thì sức dân đã kiệt, nạn đói kinh hoàng làm chết tới non nửa số dân trong cả nước” [30, 887].

Bằng giọng văn mang tính khách quan, trung tính, tác giả đã miêu tả nhân vật và sự kiện một cách chân thật, từ đó người đọc cảm nhận và có những đánh giá khách quan nhất về lịch sử. Đó cũng là một trong những thành công về mặt nghệ thuật tiểu thuyết của tác giả.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 110 - 113)

w