Kết cấu đan cài cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 57 - 60)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.3. Kết cấu đan cài cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý

Trong quá trình sáng tác, Hoàng Quốc Hải đã không bằng lòng với những ghi chép đơn điệu về lịch sử, bởi viết tiểu thuyết lịch sử theo cốt truyện sự kiện thông thường, diễn biến số phận cuộc đời của nhân vật sẽ chỉ theo những cái có sẵn trong lịch sử, nó sẽ làm cho tác phẩm trở nên khô khan, khiến người đọc có cảm giác nhàm chán khi tiếp nhận. Vì vậy, ở

Tám triều vua Lý, nhà văn đã khai thác đặc trưng của thể loại tiểu thuyết là sáng tạo và hư cấu, đan cài cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý, biến nhân vật có thật trong lịch sử trở thành nhân vật trong tiểu thuyết. Ngoài ra, nhà văn còn để nhân vật suy nghĩ theo dòng ý thức, từ đó đi sâu vào khám phá thế giới nhân vật với những đấu tranh, giằng xé nội tâm.

Khi vua Lý Thái Tổ băng hà, “loạn tam vương” nổi lên. Các hoàng tử đã bàn mưu tính kế, chặn mọi cửa để chờ Đức Chính vào cấm thành là đánh úp, nhằm ép các quan lập vua mới rồi mới phát tang Thái Tổ. Biết được âm mưu này của ba vương, thái tử Phật Mã đã cùng các tướng thẳng tay trừng trị. Tuy nhiên, khi đã dẹp được “loạn tam vương”, Thái Tông lại thấy vô cùng chua xót, nhà vua tự hỏi: “Có phải đức ta bạc hay kiếp trước ta mắc vào nghiệp chướng. Ai dè tiên đế nằm xuống chưa kịp khâm liệm, thì một lũ em đã rủ nhau nổi loạn. Ta không biết, nếu giết được ta thì chúng sẽ làm gì. Ba đứa ấy lòng tham đều chất ngất, sẽ chẳng đứa nào chịu cho đứa nào giữ ngôi tôn” [27, 641]. Và ngài đã rất khó xử trong việc xử tội

những người anh em phản phúc của mình, bởi nhà vua phải lựa chọn giữa tình huynh đệ và phép nước. “Ôi, những người anh em, sao các ngươi làm ta khó xử. Nếu không trị tội các người, thì các tướng còn ai dám vì ta mà dấn thân vào nơi nước lửa. Mà trị tội các người thì có khác nào tay phải cầm dao chém vào tay trái” [27, 642]. Hay kể từ khi Thái Tông lên ngôi hoàng đế, là nước nhỏ nhưng Chiêm Thành chưa một lần sai sứ sang thăm viếng. Không những thế còn đem binh tàn phá biên ải của ta. Nhà vua thấy đó là trái với cái đạo nước nhỏ thờ nước lớn từ xưa đã an bài. Vì thế, vua Thái Tông đã đích thân cầm quân sang Chiêm Thành, tiến thẳng vào làm chủ thành Phật Thệ và lấy được đầu quốc vương Sạ Đẩu. Giành chiến thắng vẻ vang như vậy, nhưng Thái Tông không thấy vui, ông chạnh lòng bởi “sau khi xem các cung điện, đền đài và thưởng thức vũ nhạc của người Chiêm, vua Thái Tông thấy lòng xao động. Một cảm giác không rõ rệt nhen lên trong tâm não, nhà vua không thể nào cắt nghĩa được. Vài ngày sau cái ý nghĩ mơ hồ ấy vẫn cứ bám đuổi, mãi sau nhà vua mới gọi ra được hình hài nó. Ấy là lòng tự tôn của ông bị tổn thương. Rằng so với dân tộc mà ông đã chinh phục về mặt nghệ thuật từ kiến trúc, điêu khắc tới âm nhạc, họ đã bỏ xa những gì mà mà đất nước ông hiện có. Nhà vua nghiệm ra một điều mà ông cho là đúng đắn, rằng sức mạnh của người Chiêm Thành, tinh hoa của người Chiêm Thành, họ đã trút dồn hết cho nghệ thuật. Đây là chỗ mạnh nhất và cũng là chỗ yếu nhất của dân tộc này” [27, 712].

Thái sư Lý Đạo Thành là một bề tôi trung thành, liêm khiết đã phò tá công việc đất nước dưới ba đời vua, trong nước từ hoàng thượng đến các bậc trọng thần đều tin ông là bậc trí tuệ, có tài nội trị. Khi Lý Thánh Tông băng hà, Lý Nhân Tông lên ngôi còn rất bé. Bởi vậy, công việc triều chính đều nằm trong tay hoàng thái hậu Ỷ Lan, khi buông rèm nhiếp chính bà đã đảo lộn tất cả trật tự mà nó vốn được định sẵn trong buổi chầu

đầu tiên. Trước sự kiện này, Lý Đạo Thành tỏ ra vô cùng thất vọng: “Ta ngờ từ ngày đó đã manh nha có một thế lực gây dựng thanh thế cho bà nhưng chúng giấu mặt sau những bức màn đen không hé mở… Cho tới nay dường như bà ta đã làm tất cả, kể cả sự liều lĩnh để đoạt lấy quyền lực vào tay mình. Vì rằng có quyền lực rồi sẽ có tất cả. Thế mới biết ở đời không có loại bẫy nào lại dụ được con người vào tròng một cách đầy hứng khởi và tận lực dấn thân như cái bẫy quyền lực” [30, 48]. Đỉnh điểm của sự kiện này, là mẹ con hoàng thái hậu Ỷ Lan và thái úy Lý Thường Kiệt đã thay đổi toàn bộ hệ thống quan trong triều. Khi biết mình bị giáng chức gián nghị đại phu đi coi châu Nghệ An, Lý Đạo Thành tỏ ra không một chút ngạc nhiên. Ở chi tiết này, tác giả đã rất tinh tế khi để Lý Đạo Thành thể hiện cảm xúc trong lòng mình: “Ông không trách ai mà chỉ trách mình, vì quá tin người nên dẫn tới lầm người. Một cô gái quê chất phác mộ Phật và hiếu học lại biết giữ lễ, khăng khăng đòi làm lễ bái sư trước khi được ta nhận dạy về các yếu ước của nho gia… Ai dè mười năm qua là mười năm ấp ủ và mưu toan đoạt lấy quyền lực từ một cô gái quê chân chất. Phải chăng cuộc sống vương giả và những quyền uy tự thân nó đã làm hư hỏng một con người” [30, 78-79]. Chính những suy tư trăn trở trên đã thể hiện tấm lòng trung thành, tận tụy đối với đất nước của những người như vua Lý Thái Tông và thái sư Lý Đạo Thành, lúc nào họ cũng chỉ lo tới sự an nguy của dân tộc, với mong muốn đất nước ngày càng phát triển cường thịnh.

Qua những chi tiết trên, người đọc không chỉ biết đến các sự kiện đã diễn ra trong lịch sử mà họ còn có thể thấu hiểu được trạng thái tâm lý của các nhân vật trong những sự kiện đó. Bởi vậy, có thể nói, đan cài cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý vào nhau là kiểu sáng tạo độc đáo của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Một phần của tài liệu Tám triều vua lý của hoàng quốc hải từ góc nhìn thể loại (Trang 57 - 60)

w