Một số yếu tố liên quan với bệnh thoái hoá khớp gối:

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại tỉnh hải dương (Trang 121 - 127)

4.1.4.1. THK gối với nhóm tuổi:

Trong nghiên cứu của chúng tôi, sự phân bố tỷ lệ mắc bệnh theo lứa tuổi (bảng 3.9) cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc THK gối tăng cao ở những người nhóm tuổi từ 50 trở lên, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên.

Cho và cộng sự nghiên cứu về tỷ lệ THK bàn tay và gối tại cộng đồng ở Hàn Quốc cho thấy, độ tuổi trung bình mắc THK là 59,2 [99]. M Rosignol và cộng sự, nghiên cứu về mối liên quan giữa nghề nghiệp và THK nguyên phát ở 2842 người tại Pháp cho thấy tuổi trung bình khởi phát THK là 55 tuổi,

đa số là tuổi 50 và khoảng 75% bệnh nhân cho biết triệu chứng THK bắt đầu trước tuổi 61 [141].

Theo Yuquing Zhang và cộng sự, tuổi là một trong những yếu tố nguy cơ cao của bệnh THK ở tất cả các khớp [189]. Felson DT và cộng sự cho thấy tỷ lệ THK trên xquang tăng từ 33% lên 43,7% qua mỗi 10 năm cuộc đời con người từ tuổi 60 đến tuổi 80. Tỷ lệ THK trên xquang tăng từ 22,2% ở tuổi 55- 64 lên tới gần 50% ở tuổi 75 trở lên. Người ta ít gặp bệnh thoái hoá khớp ở tuổi dưới 45 nhưng tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng lên đến 65 tuổi, rõ ràng đây là một yếu tố nguy cơ của bệnh [117].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nhận xét của nhiều tác giả về sự ảnh hưởng của tuổi tác với bệnh thoái hoá khớp. Theo nghiên cứu của chúng tôi, ảnh hưởng tuổi tác với phân bố bệnh tật bắt đầu từ tuổi >50 và rõ rệt ở tuổi > 60, ở lứa tuổi này sự lão hoá của sụn khớp đã trở nên rõ ràng, dưới tác động của các yếu tố cơ học làm cho bệnh thoái hoá khớp gối phát triển. Có thể nói rằng tuổi không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra THK, nhưng tuổi làm lão hóa tế bào và mô, mất tế bào sụn làm cho khớp dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, bệnh THK còn bị tác động bởi nhiều yếu tố nguy cơ khác như bất thường về cơ học, chấn thương khớp, di truyền và béo phì [117].

4.1.4.2. THK gối với giới tính

Kết quả nghiên cứu ở bảng 10 cho thấy tỷ lệ mắc thoái hoá khớp gối ở nữ giới cao hơn nam giới (29,8% so với 18,4%). Nhận xét này cũng phù hợp với nhận xét của nhiều tác giả khác là thoái hoá khớp gối ở phụ nữ cao hơn ở nam giới. Nghiên cứu của I Haq và cộng sự [101] cho thấy tỷ lệ THK gối tìm thấy chia theo giới nam/nữ=1/3; M Rosignol [141], khảo sát trên 11.144 người từ 25 đến 64 tuổi cho thấy, tỷ lệ mắc THK ở nữ giới so với nam giới là 2/1 ở tất cả các lứa tuổi.

Hyung Joon Cho và cộng sự (2010) nghiên cứu 660 người từ 65 tuổi trở lên tại cộng đồng ở Hàn Quốc, kết quả sau 1 năm cho thấy ở nữ giới hình ảnh xquang chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 và giai đoạn 3 sang giai đoạn 4 (theo Kellgren và Lawrence) nhiều hơn ở nam giới, hơn nữa điểm trung bình về mức độ đau (theo WOMAC) ở nữ giới cũng trầm trọng hơn so với nam giới khi có cùng giai đoạn tổn thương trên xquang [99].

Trái ngược với các kết quả này, theo nghiên cứu của Rosie J Lacey trên 745 bệnh nhân THK cho thấy, nam giới có biểu biện THK trên xquang cao hơn nữ giới (77% so với 61%), đặc biệt ở tuổi trung niên và ở khớp bánh chè - đùi. Tác giả cũng giải thích sự khác biệt này có thể là do sự khác nhau về nghề nghiệp, bởi trong nghiên cứu, đa số nam giới làm những nghề mà luôn phải hoạt động gây sức ép lên khớp gối như thợ điện, thợ mỏ, lái xe tải…, trong khi đó, nữ giới chủ yếu làm những nghề như bán hàng, công sở, chăm sóc, nấu ăn… [161].

Nhìn chung, mỗi tác giả tìm được một tỷ lệ phân bố theo giới tính khác nhau, nhưng đều giống nhau là bệnh hay gặp ở phụ nữ hơn ở nam giới. Điều này đến nay vẫn chưa giải thích thoả đáng, một số tác giả cho rằng có sự thay đổi hocmon ở những phụ nữ làm cho họ dễ mắc thoái hoá khớp gối hơn.

4.1.4.3. BMI với THK gối:

Kết quả nêu ở bảng 11 cho thấy tỷ lệ mắc thoái hoá khớp gối tăng theo chỉ số khối cơ thể. Tỷ lệ THK gối tăng lên gấp 1,4, lần ở nhóm những người có BMI

≥ 23 so với nhóm có BMI < 23. Trọng lượng cơ thể cao làm cho khớp gối phải chịu tải nhiều khi đi lại, sẽ làm cho khớp gối nhanh bị thoái hoá.

Nghiên cứu của Ray Marsk (2007) cho thấy BMI cao làm tăng nguy cơ THK cả 2 khớp gối cũng như THK háng [150]. Tương tự, trong nghiên cứu dịch tễ học của Margreth Grotle và cộng sự theo dõi 1854 người từ 25 đến 76

tuổi trong 10 năm cho thấy, BMI > 30 là một yếu tố dự đoán THK gối (OR 2,81; 95% CI 1,32 - 5,96) và THK bàn tay (OR 2,59; 85% CI 1,08 - 6,19) [132]. Ngoài ra, nghiên cứu của Andrew K Wills và cộng sự cho thấy, ở nam giới, mối liên hệ giữa BMI và THK là sau 20 năm, ở nữ giới là sau 15 năm và sự thay đổi chỉ số BMI từ thời thơ ấu ở phụ nữ và từ tuổi vị thành niên ở nam giới cũng liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện bệnh THK gối [54].

Felson và cộng sự [74] trong một nghiên cứu đã nhận thấy sự giảm đi những cân nặng thừa ở những người đứng tuổi về căn bản có tác dụng giảm nguy cơ xuất hiện những triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp gối. Hart và Spector [93], khảo sát mối quan hệ giữa béo phì và sự phân bố mỡ trên cơ thể với bệnh thoái hoá khớp gối của phụ nữ trong một vùng dân cư đã đưa ra nhận xét: béo phì là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong tiến triển của bệnh thoái hoá khớp gối. Theo các tác giả nếu cứ tăng trọng lượng cơ thể lên 5 Kg thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 35%.

Heslene và cộng sự [95] giải thích ảnh hưởng của béo phì với thoái hoá khớp gối là: do béo phì có xu hướng tập trung mỡ ở các bắp đùi đã gây nên dị tật chân vòng kiềng và làm tăng sự căng của sụn chêm khi đứng hoặc vận động khớp gối, đây là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh thoái hoá khớp gối, nhất là phụ nữ tuổi mãn kinh. Hơn nữa, nhiều tác giả còn cho thấy béo phì không những là yếu tố nguy cơ gây THK gối mà còn gây thoái hóa các khớp không chịu tải khác như khớp ở bàn tay. Các tác giả này cho rằng quá trình viêm là yếu tố cơ bản thúc đẩy sự tiến triển bệnh liên quan đến béo phì, THK và ít vận động do sự chuyển hóa trong quá trình viêm và tăng lipid máu sẽ làm tăng tính nhạy cảm của tế bào sụn với các yếu tố cơ học và làm cho tế bào bị chèn ép giống như sau chấn thương khớp [159]. Ngoài ra nghiên cứu của Laura R. Thompson (2011) cũng cho thấy, BMI có mối liên quan rõ rệt với triệu chứng đau lan tỏa ở bệnh nhân THK gối [120].

Hầu hết các nghiên cứu đều kết luận rằng: sự tăng cân quá mức là mối nguy cơ của THK gối. Do vậy, việc tránh béo phì bằng chế độ ăn uống, tập luyện thích hợp là một trong những biện pháp có hiệu quả để phòng THK gối.

4.1.4.4. Yếu tố chấn thương khớp gối với THK gối:

Trong số các đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, có 13,9% số trường hợp THK gối có tiền sử chấn thương khớp gối. Nghiên cứu của A von Porat và cộng sự cho thấy có biểu hiện thay đổi hình ảnh Xquang ở người có tiền sử chấn thương khớp gối (78%), trong đó chủ yếu là ở giai đoạn 2 (theo phân loại của Kellgren và Lawence) [64]. Kết quả này cũng phù hợp với ý kiến của nhiều tác giả về mối liên quan giữa tiền sử chấn thương khớp với bệnh thoái hoá khớp [57], [58], [59].

Bình thường sụn khớp có sức chịu đựng tương đối cao với các tác nhân cơ học tác động lên bề mặt sụn khớp. Tuy nhiên những chấn thương mạnh vào vùng khớp hoặc các vi chấn thương lặp lại nhiều lần đã được công nhận là có thể đưa tới thoái hoá khớp thứ phát. Charles R Ratzlaff và cộng sự nghiên cứu thấy chấn thương là yếu tố nguy cơ cao đối với THK gối, ước tính khoảng 50% người bị chấn thương dây chằng chéo trước hoặc sụn chêm xuất hiện THK gối. Ở những vận động viên bóng đá thường hay bị chấn thương dây chằng chéo trước thì có khoảng 80% có hình ảnh THK trên Xquang sau 12 - 14 năm, khoảng 70% trong đó hạn chế vận động khớp gối gây giảm chất lượng cuộc sống [67]. Các hoạt động thể thao đòi hỏi sự chịu đựng quá mức của khớp, gây nên những vi chấn thương kéo dài. Sự tích tụ các vi chấn thương này làm rạn nứt bề mặt sụn và các nứt gãy nhỏ ở đầu xương dưới sụn, dần dần làm mất sụn, xơ hoá đầu xương dưới sụn và thoái hoá khớp. Người ta thường gặp thoái hoá khớp gối ở những cầu thủ bóng đá, vận động viên cử tạ, hoặc thoái hoá khớp bàn tay ở những người chơi quyền anh.

Sự gia tăng tỷ lệ mắc THK sau chấn thương đòi hỏi cần phải có giải pháp nỗ lực để phòng ngừa chấn thương khớp gối nhằm cải thiện sức khỏe

cho người dân, việc phòng ngừa chấn thương khớp có thể làm giảm từ 14 - 25% tỷ lệ bệnh THK.

4.1.4.5. Tình trạng kinh nguyệt với THK gối:

Kết quả nghiên cứu ở bảng 13 cho thấy những phụ nữ đã mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh thoái hoá khớp gối tăng dần theo nhóm tuổi (≥ 40 tuổi: 20,7%; ≥ 50 tuổi: 27,5%; ≥ 60 tuổi: 39,9%; ≥ 70 tuổi: 39,2%). Theo một số tác giả thì ở lứa tuổi dưới 55 tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là gần tương đương nhau. Nhưng sau 55 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn hẳn so với nam giới. Điều này cho thấy có thể có mối tương quan giữa tình trạng mãn kinh với thoái hoá khớp gối.

GV Asokan và cộng sự (2011) nhận xét trong số 420 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên được chẩn đoán THK thì có 68% người đã mãn kinh [90]. Liệu oetrogen có vai trò chống lại THK hay không? Hiện nay chưa có câu trả lời cho vấn đề này, nhưng các tác giả đã tìm thấy mối tương quan giữa các bệnh tăng huyết áp, tăng Cholesterol máu, tăng đường huyết (những bệnh hay gặp ở phụ nữ mãn kinh) với bệnh THK gối.

Spector và cộng sự [93] cho rằng phụ nữ tuổi trung niên, đặc biệt ở lứa tuổi sau mãn kinh là đối tượng bị THK gối tấn công nhiều nhất. Bên cạnh đó, tác giả cũng cho thấy có sự liên quan giữa tăng đường máu và tăng cholesterol với THK gối. Điều này dẫn đến một giả thiết là những yếu tố về thể chất, chuyển hoá và hocmon có liên quan với bệnh. Trong nghiên cứu Framingham [115], người ta thấy trong số những người phụ nữ bị thoái hoá khớp gối tỷ lệ những người có tiền sử cắt buồng trứng chiếm khá cao.

Tại Việt Nam qua nghiên cứu Đặng Hồng Hoa thấy tỷ lệ thoái hoá khớp gối ở những phụ nữ mãn kinh chiếm 80,6%, cao hơn so với nhóm phụ nữ còn kinh nguyệt (19,4%) [23]. Cho đến nay vai trò của mãn kinh đối với

THK gối chưa được khẳng định, do vậy đây cũng là những gợi ý cho các nghiên cứu tiếp về vấn đề này.

4.1.4.6. Số lần sinh đẻ của phụ nữ với THK gối:

Nghiên cứu 1.647 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên ở 02 xã thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho thấy, tỷ lệ mắc THK gối tăng cao ở những phụ nữ sinh từ 3 con trở lên ở tất cả các nhóm tuổi (bảng 3.14), cao hơn rất nhiều so với những phụ nữ sinh ≤ 2 con.

Mỗi lần người phụ nữ mang thai trọng lượng cơ thể tăng trung bình từ 10 -15kg từ lúc bắt đầu có thai tới khi sinh con, đồng thời khối thai to lên làm thay đổi tư thế người mẹ khi đi lại. Hơn nữa khi mang thai cơ thể người mẹ thay đổi về chuyển hoá và hocmon. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hoá khớp gối. Do vậy, ở những bà mẹ sinh con nhiều lần liên tiếp thì nguy cơ mắc bệnh có thể sẽ tăng theo. Kết quả này cũng tương đương với nghiên cứu của Đặng Hồng Hoa thấy tỷ lệ thoái hoá khớp gối ở nhóm phụ nữ sinh ≥ 3 con là 86,1% [23].

4.2. Nhận xét về việc chẩn đoán, điều trị, tư vấn bệnh THK gối của CBYT tại các trạm y tế xã

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại tỉnh hải dương (Trang 121 - 127)