Tỷ lệ mắc THK gối trên lâm sàng của người dân từ 40 tuổi trở lên ở 02 xã

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại tỉnh hải dương (Trang 112 - 114)

xã thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Qua kết quả điều tra 2153 người dân từ 40 tuổi trở lên ở xã Gia Xuyên và xã Liên Hồng huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương năm 2008 và áp dụng theo tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng THK gối của Hiệp hội Thấp khớp học Mỹ ACR (1991), cho thấy có 584 người mắc THK gối, chiếm tỷ lệ 27,1%. Như vậy trung bình khoảng 03 người dân từ 40 tuổi trở lên thì có 01 người mắc THK gối. Kết quả này cho thấy tình hình mắc bệnh THK gối của người từ 40 tuổi trở lên ở vùng nông thôn tỉnh Hải Dương rất cao. Điều này có thể do đặc thù công việc của người nông dân (98,8%) chủ yếu là lao động chân tay, đặc biệt là những người thường xuyên phải mang vác nặng và đi lại nhiều giờ trong ngày làm cho khớp gối phải chịu tải và hoạt động nhiều dẫn đến nhanh thoái hoá. Kết quả nghiên cứu cũng tương đồng với nghiên cứu 1030 người từ 50 tuổi trở lên ở vùng nông thôn Trung Quốc của Xiazheng Kang và cộng sự (2009) cho thấy, tỷ lệ THK gối ở vùng nông thôn Trung Quốc cao hơn vùng thành thị cũng như nghiên cứu thuần tập của Framingham [183]. Tương tự như vậy, nghiên

cứu của Behzad ở 3018 người Mỹ gốc phi cho thấy có 45% người bệnh có triệu chứng THK gối, trong đó tỷ lệ mắc cao hơn ở người già và phụ nữ và người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc THK gối nặng cao hơn người da trắng [64].

Kết quả ở bảng 3.15 cho thấy, tỷ lệ THK gối ở những người thường mang vác nặng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với những người không thường xuyên mang vác nặng (31,6% so với 10,1%). Tương tự, thì tỷ lệ THK gối ở nhóm phải đi bộ là chủ yếu chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhóm công việc không phải đi bộ nhiều (32,6% so với 15,1%). Tuy nhiên chúng ta cũng chưa thể khẳng định đây là nguyên nhân gây ra THK gối hay là hậu quả của THK gối làm người bệnh hạn chế đi lại hoặc không mang vác nặng được. Đây có thể là một hạn chế của nghiên cứu vì thiết kế nghiên cứu ngang tại một thời điểm.

Kết quả này phù hợp với kết luận của M.Rosignol (2005), những nghề nghiệp có tỷ lệ THK gối nhiều nhất là phụ nữ làm nghề quét dọn (OR:6,2; 95% CI 4,6 - 8,0), nghề may công nghiệp, thợ xây nam và nông dân (OR:2,8; 95% CI 2,5 - 3,2). Nghiên cứu cũng cho thấy, các biểu hiện của THK gặp ở 40% những người phải làm những công việc nặng nhọc và thường xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của THK trước tuổi 50. Tương tự như vậy, Andreas Seidler và cộng sự (2008) đã khảo sát mối liên quan giữa các hoạt động quỳ gối, ngồi xổm, cũng như việc nâng hoặc vác các vật nặng và các triệu chứng THK gối qua một nghiên cứu bệnh chứng ở 295 bệnh nhân nam có biểu hiện xquang THK gối và 327 nam giới trong nhóm chứng. Theo các tác giả, có mối liên quan giữa các tư thế quỳ hoặc ngồi xổm với triệu chứng THK gối, khi tổng thời gian quỳ và ngồi xổm trên 10.800 giờ thì nguy cơ biểu hiện trên xquang là 2,4 lần (95% CI: 1,5 - 5,0) [56].

Ngoài ra, nghiên cứu của Shreyasee và cộng sự [166] trên 192 nam giới cho thấy những nghề nghiệp thường xuyên phải quỳ/ ngồi xổm hoặc nâng các vật nặng sẽ làm tổn thương sụn khớp đùi - chè trầm trọng hơn. Các tác giả

cho thấy, khi đi lên hoặc đi xuống, khớp đùi chày phải chịu tải trọng tăng lên 50%, trong khi đó, khớp đùi chè phải chịu một lực tăng lên gấp đôi. Theo Yuqing và cộng sự (2010) [186], nguy cơ THK gối ở những nam giới tuổi trung niên thường xuyên phải mang vác và quỳ hoặc ngồi xổm cao hơn 2 lần so với những người làm nghề khác và nguy cơ THK gối do những yếu tố này còn cao hơn những người thừa cân. Những công việc lao động nặng nhọc kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần, gây ảnh hưởng tới sự chịu lực hoặc ảnh hưởng tới hoạt động cơ học của khớp gối. Đó là các nghề phải bê vác nặng, những công việc phải đi đứng lâu và lặp lại liên tục hàng ngày, những công việc phải sử dụng khớp gối hoặc phải quỳ trên hai gối, những công việc phải đi lên, đi xuống cầu thang nhiều lần trong ngày … là những nghề nghiệp có nguy cơ cao với bệnh thoái hoá khớp gối.

Nguyễn Thị Ái [1] cũng như một số tác giả khác cho rằng những công việc nêu trên làm thay đổi tư thế bệnh nhân và làm tăng sức nặng đè lên bề mặt sụn khớp đến quá mức chịu đựng của sụn, gây nên những vi chấn thương ở sụn và gây thoái hoá sụn.

Do vậy, trong lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp cần quan tâm tới các biện pháp dự phòng làm giảm các hoạt động phải quỳ, nâng hoặc mang vác nặng cũng như các yếu tố nguy cơ khác.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại tỉnh hải dương (Trang 112 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w