Điều trị ngoại khoa:

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại tỉnh hải dương (Trang 46 - 48)

- Điều trị dưới nội soi khớp: hiện được áp dụng đối với khớp gối. Nội soi rửa khớp đơn thuần trong giai đoạn sớm hoặc phối hợp nạo những phần sụn bị tổn thương, cắt màng hoạt dịch bị viêm từng phần, tẩy gai xương... Cũng thông qua nội soi khớp có thể tiến hành ghép sụn lên bề mặt của sụn bị thoái hoá. Miếng sụn ghép được lấy từ sụn lành ở chính khớp gối soi hoặc lấy sụn ra nuôi cấy ở môi trường thích hợp bên ngoài cơ thể, hoặc tạo ra sụn từ tế bào gốc. Tuy nhiên hiệu quả của kỹ thuật này còn chưa cao, nên chưa được áp dụng rộng rãi.

- Phương pháp chêm lại khớp, đục xương để sửa chữa các trường hợp lệch trục khớp áp dụng trong các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, hoặc đau khớp không đáp ứng với phương thức điều trị nội khoa. Đục chỉnh trục là lấy bỏ hay thêm vào một mảnh xương hình chêm để chỉnh lại trục của chi dưới cho thẳng, nhằm lấy lại cân bằng lực, chuyển trọng tâm lực tỳ lên gối sang bên mặt khớp lành, giảm mức độ chịu tải cho mặt khớp đã thoái hoá nên làm chậm lại quá trình thoái khớp. Đục xương chỉnh trục không làm thay đổi được quá trình thoái hoá, nó vẫn tồn tại thoái hoá ở trên khớp, nhưng có hai tác dụng: làm giảm đau và làm chậm lại thoái hoá cho khớp đã hỏng (khe khớp đã bị hẹp), điều này rất quan trọng đối với người trẻ tuổi.

- Thay khớp gối nhân tạo từng phần hoặc toàn phần, chỉ định đối với các trường hợp TKH gối nặng mà các biện pháp điều trị khác không hiệu quả. Tuy nhiên biện pháp này rất tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật cao, khó áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế.

1.2.5.5. Dự phòng bệnh THK

Lao động và tập luyện hợp lý, chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động như ngồi xổm, ngồi bó gối, tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng. Sau mỗi giờ lao động cần có những bài tập thể dục thư giãn, đều đặn, vừa sức, không gây tăng áp lực cho khớp như đạp xe đạp, đi bộ đường bằng phẳng, tập dưỡng sinh. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần đầy đủ, cân đối, đặc biệt bổ sung canxi, phốtpho, vitamin D, C, B,... vào khẩu phần ăn hàng ngày của người có tuổi.

Một số nghề có thể gây THK sớm như khuân vác (thoái hóa cột sống); sử dụng búa, khoan (khớp vai, khuỷu); tập luyện thể thao như cử tạ, chạy, nhảy... Chú ý kiểm tra thường xuyên để hạn chế các ảnh hưởng quá mức đối với các khớp liên quan.

Dinh dưỡng hợp lý: tránh tình trạng bị béo phì (quá nặng cân dễ THK gối), rượu và thuốc lá gây bệnh cho khớp háng.

Điều chỉnh sớm những dị dạng bất thường của khớp bằng nội và ngoại khoa để tránh tình trạng quá tải của khớp.

Điều trị sớm khi có các dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa.

1.3. Các yếu tố liên quan đến bệnh THK:

Tình trạng thoái hoá sụn khớp và đĩa đệm do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó chủ yếu là sự lão hoá và các yếu tố cơ giới làm thúc đẩy quá trình thoái hoá tăng nhanh do các yếu tố cơ giới làm tăng lực nén trên một diện tích của mặt khớp và đĩa đệm còn được gọi là hiện tượng quá tải. Các yếu tố cơ giới bao gồm: các dị dạng bẩm sinh, các biến dạng thứ phát sau chấn thương, sự tăng trọng lượng cơ thể, tăng tải trọng do nghề nghiệp, thói quen, mãn kinh [2], [3], [25], [30].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí của cán bộ y tế xã tại tỉnh hải dương (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(177 trang)
w