• Chụp Xquang thường quy:
Chụp Xquang thường quy là công cụ thường được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán THK [41],[42], vì những lý do:
- Kết quả của xquang phản ánh một phần giải phẫu bệnh học, các kết quả có thể sử dụng cho nghiên cứu dịch tễ.
- Kỹ thuật đơn giản, ít tốn kém.
- Phù hợp với trình độ hiểu biết chung của các bác sỹ. - Thực hiện được ở tuyến y tế cơ sở.
Trong các hình thái tổn thương trên phim Xquang thường qui thì dấu hiệu hẹp khe khớp là mức thấp nhất và rất thường gặp trong thoái hoá khớp. Xơ xương dưới sụn gặp ở hầu hết các ca bệnh nhưng triệu chứng có thể mờ nhạt đi nếu kèm theo loãng xương nặng. Gai xương có thể gặp ở bờ trên và dưới của xương bánh chè, trên khớp ròng rọc, ngang lồi cầu xương đùi và xương chày… hoặc đôi khi chỉ có dấu hiệu gai chày nhọn [30]. Các hình ảnh cơ bản của THK trên phim Xquang thường quy:
- Hẹp khe khớp không đồng đều, bờ không đều, không dính khớp. - Xơ xương dưới sụn.
- Hẹp khe khớp kèm xơ xương dưới sụn.
Phân loại giai đoạn đánh giá mức độ THK trên Xquang. Nhiều hệ thống đánh giá mức độ tổn thương trên Xquang, hệ thống đầu tiên và phổ biến nhất là phân loại theo Kellgren và Lawrence (1987)
Giai đoạn 1: Gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ có gai xương. Giai đoạn 2: Mọc gai xương rõ
Giai đoạn 3: Hẹp khe khớp vừa
Giai đoạn 4: Hẹp khe khớp nhiều kèm xơ xương dưới sụn.
• Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner) khớp gối:
Có thể áp dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính vào chụp khớp gối theo trục cắt dọc hoặc cắt ngang khớp. Các hình ảnh qua các lát cắt cho phép chẩn đoán chính xác hơn những tổn thương rất nhỏ của sụn và phần xương dưới sụn mà trên phim chụp Xquang thường qui không thấy được. Tuy vậy đây là kỹ thuật khá tốn kém và có nguy cơ liên quan với việc tiêm thuốc cản quang trực tiếp nội khớp như nhiễm khuẩn hoặc dị ứng thuống cản quang iod. Do vậy đây là kỹ thuật ít được áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế tại Việt Nam.
• Chụp cộng hưởng từ (MRI):
Phương pháp này cho phép phát hiện được tổn thương của sụn khớp về mặt hình thể và cấu trúc sinh lý trong một không gian ba chiều. Chụp MRI có thể phát hiện các hình ảnh như sụn khớp mỏng, gai xương ở rìa khớp, sụn chêm mất hoặc bị hủy hoại, rách dây chằng chéo, có các dị vật hoặc tràn dịch khớp, tăng sinh hoặc dày màng hoạt dịch và phù tủy xương. Tuy nhiên phương pháp này cũng đòi hỏi kỹ thuật cao và chi phí lớn nên chưa được áp dụng rộng rãi.
• Siêu âm khớp gối [5], [26], [31], [46]
Siêu âm khớp là một kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép chẩn đoán hoặc hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lí ở hầu hết các khớp trong cơ thể: khớp gối, khớp vai, khớp háng, khớp cổ chân, cổ tay, bàn ngón tay… Theo các nghiên cứu
về giá trị của siêu âm trong chẩn đoán bệnh THK cho thấy, siêu âm có thể phát hiện sớm được các tổn thương như sụn khớp mỏng, gai xương, tràn dịch khớp gối, kén baker, tăng sinh màng hoạt dịch, dị vật khớp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy siêu âm khớp cho phép phát hiện tràn dịch, tổn thương sụn khớp tốt hơn so với khám lâm sàng và hình ảnh xquang thông thường.
• Nội soi khớp:
Trong chẩn đoán THK gối, phương pháp nội soi khớp cho thấy những tổn thương thoái hoá sụn khớp ở các mức độ khác nhau. Có thể kết hợp sinh thiết màng hoạt dịch để làm xét nghiệm tế bào chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác hoặc nghiên cứu định lượng một số cytokin dẫn tới tình trạng thoái hoá của sụn, màng hoạt dịch, dây chằng... và một số tổn thương không phát hiện được trên xquang thường quy. Ngoài ra nội soi rửa khớp đơn thuần hoặc kết hợp với nạo bỏ mô tổn thương trên bề mặt khớp có thể làm giảm triệu chứng đau một cách rõ rệt [25].