Đối tượng, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 25)

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là các thành ngữ thuần Việt, tức là các thành ngữ do người Việt sáng tạo ra phản ánh thực tế đời sống, cách cảm, cách nghĩ của người Việt. Do vậy, chúng tôi loại bỏ những thành ngữ Hán Việt thực sự. Đó là những thành ngữ được cấu tạo từ chất liệu Hán, do người Hán tạo lập được du nhập vào tiếng Việt. Những thành ngữ này đến nay vẫn giữ nguyên màu sắc ngoại lại của nó. Ví dụ: bạo hổ bằng hà, ác nhân sát đức, bạch diện thư sinh, bế quan tỏa cảng, công bình chính trực, điệu hổ li sơnv.v...

Về mặt lí thuyết, việc phân biệt thành ngữ và tục ngữ tỏ ra rất rõ ràng, tuy nhiên trong thực tế sử dụng, hai đơn vị này thường có sự chuyển hóa, xâm nhập lẫn nhau. Thực tế cho thấy, những đơn vị nằm ở làn giáp ranh giữa thành ngữ và tục ngữ lại là những đơn vị mang tính chất thuần Việt đậm nét. Vì vậy, để phục vụ cho mục đích của luận án, trong một số trường hợp, chúng tôi chấp nhận cả những trường hợp trung gian giữa thành ngữ và tục ngữ này.

4.2 Mục đích

Tìm hiểu lai lịch nguồn gốc ra đời, cơ sở hình thành và ý nghĩa từ nguyên khoa học của thành ngữ thuần Việt, luận án mong góp phần làm nổi bật những đặc điểm văn hóa, tư duy của người Việt. Bên cạnh đó, luận án cũng mong muốn làm sáng tỏ một số đặc điểm cấu trúc và ngữ nghĩa của thành ngữ, đó là hiện tượng biến thể thành ngữ, đồng nghĩa và trái nghĩa thành ngữ.

4.3 Nhiệm vụ

Để đạt được mục đích nêu trên, luận án cần giải quyết được các nhiệm vụ sau:

- Tổng quan tình hình nghiên cứu thành ngữ nói chung, đặc biệt nhấn mạnh những kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của các thành ngữ thuần Việt

- Tập hợp những vấn đề lí thuyết có liên quan đến đề tài, bao gồm những vấn đề lí thuyết về thành ngữ nói chung và thành ngữ thuần Việt nói riêng.

- Xác định bối cảnh ra đời của các thành ngữ thuần Việt, từ đó chỉ ra sự biến đổi của thành ngữ qua thời gian, không gian; đồng thời cũng làm rõ sự chi phối của các yếu tố văn hóa, phong tục, tôn giáo, lịch sử... đến sự hình thành của thành ngữ Việt.

- Tìm hiểu hiện tượng biến thể của thành ngữ thuần Việt, phân biệt biến thể thành ngữ và đồng nghĩa thành ngữ, bước đầu tìm hiểu quan hệ đồng nghĩa - trái nghĩa giữa các thành ngữ.

5. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài

5.1 Ý nghĩa khoa học

Giải quyết tốt vấn đề, luận án sẽ góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu thành ngữ từ góc độ nguồn gốc và những đặc điểm cấu trúc (hiện tượng biến thể), ngữ nghĩa (quan hệ đồng nghĩa - trái nghĩa). Qua đó, luận án cũng khẳng định những giá trị văn hóa dân tộc được thể hiện trong thành ngữ. Các kết quả nghiên cứu còn góp phần phát triển bộ môn từ nguyên khoa học vốn chưa phát triển ở nước ta.

5.2 Ý nghĩa thực tiễn

Qua việc tìm hiểu nguồn gốc và cơ sở hình thành của thành ngữ, luận án góp phần hữu ích vào việc hiểu đúng, hiểu chính xác ý nghĩa của thành ngữ, từ đó nâng cao kĩ năng sử dụng thành ngữ đúng và hay trong giao tiếp, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Tìm hiểu thành ngữ thuần Việt từ góc độ nguồn gốc, cơ sở hình thành, đặc điểm cấu trúc - ngữ nghĩa còn có giá trị hữu ích trong việc giảng dạy và học tập chuyên đề Thành ngữ tiếng Việt cho sinh viên các ngành Việt Nam học, Cử nhân Văn học. Việc dạy và học thành ngữ không chỉ thuần túy cung cấp cho sinh viên những kiến thức ngôn ngữ học mà còn giúp họ thấy được những giá trị văn hóa dân tộc ẩn tàng trong thành ngữ. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng dạy học theo quan điểm tích hợp hiện nay.

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình đã công bố của tác giả, Tài liệu tham khảo, luận án gồm ba chương:

Chương 1:Những vấn đề lí thuyết. Chương này trình bày một số vấn đề lí thuyết cơ bản về thành ngữ tiếng Việt và khái niệm thành ngữ thuần Việt.

Chương 2: Nguồn gốc của thành ngữ thuần Việt. Như tên gọi của nó, nội dung của chương này tập trung vào tìm hiểu nguồn gốc và các cơ sở hình thành của thành ngữ thuần Việt nói chung và chỉ ra một số thành ngữ có nhiều nguồn gốc khác nhau.

Chương 3: Đặc điểm cấu trúc - ngữ nghĩa của thành ngữ thuần Việt. Ở chương này, chúng tôi đi sâu vào một phương diện còn ít được nghiên cứu của thành ngữ hiện nay, đó là hiện tượng biến thể thành ngữ, quan hệ đồng nghĩa và trái nghĩa trong thành ngữ.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT

1.1 Một số vấn đề lí thuyết về thành ngữ

1.1.1 Khái niệm thành ngữ

Nhìn chung, các nhà ngôn ngữ học đều rất thống nhất khi đưa ra định nghĩa về thành ngữ. Theo Hoàng Văn Hành, “Thành ngữ là một loại tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thái cấu trúc, hoàn chỉnh bóng bẩy về ý nghĩa, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ ”[33,31]. Thành ngữ có hai đặc điểm nổi bật:

- Tính cố định, ổn định về thành phần từ vựng và hình thái cấu trúc - Tính hoàn chỉnh, bóng bẩy về nghĩa.

Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng: “Thành ngữ là những cụm từ cố định vừa có tính hoàn chỉnh về nghĩa, vừa có tính gợi cảm” [29,77]. Ông nêu rõ: “Bên cạnh nội dung trí tuệ, các thành ngữ bao giờ cũng kèm theo sắc thái bình giá, cảm xúc nhất định, chẳng hạn, có thể nói lên lòng kính trọng, sự tán thành hoặc là chê bai, khinh rẻ…”[29,77].

Tác giả Nguyễn Lân cũng khẳng định tính cố định, ổn định của thành ngữ khi ông định nghĩa: “Thành ngữ là những cụm từ cố định dùng để diễn đạt một khái niệm”[59]. Theo tác giả, thành ngữ là những tổ hợp có ba từ trở lên, còn những tổ hợp có hai từ được coi là từ ghép.

Từ những định nghĩa trên đây có thể rút ra một cách hiểu chung nhất về thành ngữ như sau: Thành ngữ là những cụm từ cố định, có sẵn, được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Về chức năng, thành ngữ là đơn vị tương đương với từ, dùng để gọi tên sự vật hiện tượng hay biểu thị khái niệm. Về ý nghĩa, thành ngữ thường mang tính hình tượng, tính bóng bảy, gợi tả.

1.1.2 Đặc điểm của thành ngữ

1.1.2.1 Đặc điểm kết cấu

Về kết cấu, thành ngữ là loại cụm từ có tính cố định, ổn định, chặt chẽ. Các cụm từ tự do không có đặc điểm này. Chính tính chất chặt chẽ, cố định về thành phần cấu tạo mà thành ngữ được dùng tương đương như từ.

Tính cố định, ổn định của thành ngữ thể hiện ở chỗ thành phần từ vựng cấu tạo nên thành ngữ hầu như được giữ nguyên trong quá trình sử dụng. Người ta không thể thay thế, thêm bớt hoặc chêm xen bất kì một yếu tố nào vào trong lòng thành ngữ. Chẳng hạn, thành ngữ hổ phụ sinh hổ tử không thể thay thế thành cọp phụ sinh cọp tử, thành ngữ mặt trái xoan không thể đổi thành mặt quả xoan.

Thành ngữ có tính cố định, ổn định về thành phần từ vựng và cấu trúc là do thói quen sử dụng của người bản ngữ. Để có được đặc điểm này trước khi được hình thành, thành ngữ cũng chỉ là những tổ hợp từ tự do. Những tổ hợp này được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong lời nói, cùng với sự chuyển di ngữ nghĩa nhất định như ẩn dụ hóa, hóan dụ hóa…đã tạo nên dạng ổn định của thành ngữ như ngày nay.

Tuy nhiên, tính cố định và bền vững về hình thái cấu trúc của thành ngữ không phải là bất biến, bất di bất dịch. Nghĩa là trong hoạt động giao tiếp, người ta vẫn chấp nhận sự thay đổi nhất định trong việc sử dụng thành ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt. Chẳng hạn, tác giả Truyện Kiều viết:

Gặp cơn vạ gió tai bay bất kì

Thành ngữ tai bay vạ gió đã được Nguyễn Du đổi trật tự hai vế thành vạ gió tai bay.

Việc dùng thành ngữ theo cấu trúc đảo này có tác dụng làm cho nhịp điệu câu thơ trở nên hài hòa, uyển chuyển.

Tính cố định, bền vững và tính uyển chuyển của thành ngữ trong sử dụng là hai mặt không hề mâu thuẫn, loại trừ nhau mà có tác dụng bổ sung cho nhau. Chính điều này khiến cho kho tàng thành ngữ ngày càng được mở rộng, phong phú hơn do xuất hiện nhiều biến thể của một thành ngữ. Bên cạnh ba chìm bảy nổi còn có bảy nổi ba chìm, bên cạnh tan cửa nát nhà còn có nhà tan cửa nát hoặc vênh váo như bố vợ phải đấmvênh váo như bố vợ cậu ấm, v.v…

1.1.2.2 Đặc điểm ngữ nghĩa

Đặc trưng nổi bật về ngữ nghĩa của thành ngữ là có tính hoàn chỉnh, bóng bẩy và tính gợi cảm cao. Nghĩa của thành ngữ không phải là nghĩa đen của các yếu tố cấu thành cộng lại mà là nghĩa bóng, nghĩa toàn khối. Nghĩa này được suy ra trên cơ sở nghĩa của các yếu tố cấu thành. Chẳng hạn, thành ngữ kén cá chọn canh không có nghĩa là "kén chọn cá ngon, canh ngọt trong ăn uống" mà dùng để chỉ người phụ nữ "kén chọn chồng quá kĩ do cầu kì hoặc khó tính". Hoặc thành ngữ chó ngáp phải ruồi không phải nói về sự tình một con chó ngáp đớp phải con ruồi, mà dùng để " ví trường hợp không có tài năng, chỉ nhờ may mắn hiếm có mà đạt được cái gì"[77,176]. Chính đặc điểm ngữ nghĩa này được gọi là "tính thành ngữ" của ý nghĩa các từ ghép và các cụm từ cố định nói chung.

Nghĩa của thành ngữ là kết quả của quá trình biểu trưng hóa. Quá trình biểu trưng được thực hiện theo con đường liên tưởng tương đồng hoặc tương cận. Theo con đường tương đồng, ta có các thành ngữ ẩn dụ hoặc so sánh, theo con đường tương cận ta có các thành ngữ hoán dụ.

1.1.3 Cấu tạo và phân loại thành ngữ

1.1.3.1 Đặc điểm cấu tạo

Thành ngữ không chỉ có cấu tạo chủ yếu là cụm từ mà còn có thể là một kết cấu chủ vị. Vì thế, dựa vào hình thức cấu tạo, có thể phân ra thành ngữ có kết cấu chủ vị và thành ngữ có kết cấu cụm từ.

- Thành ngữ có kết cấu chủ vị: Đó có thể là một kết cấu chủ vị, chẳng hạn như mèo mù vớ cá rán, chó cắn áo rách, lươn ngắn chê chạch dài, hàng thịt nguýt hàng cá, chó chê mèo lắm lông,… Hoặc có thể là một kết cấu liên hợp chủ vị như nhà tan cửa nát; trống đánh xuôi, kèn thổi ngược; chó treo mèo đậy…

- Thành ngữ có kết cấu là một cụm từ, chẳng hạn tay búp măng, chạy long tóc gáy, lạy như tế sao, ăn trắng mặc trơn, bạn nối khố, đi guốc trong bụng, ruột để ngoài da… Xét về mặt từ loại, những thành ngữ này có thể có cấu tạo là một cụm danh từ, ví dụ: mặt trái xoan, mắt lá răm, tay búp măng…; hoặc cụm động từ, chẳng hạn, chạy long tóc gáy, ăn như hùm đổ đó, ném đá giấu tay…; hoặc cụm tính từ, chẳng hạn, dai như đỉa đói, rách như tổ đỉa, chậm như rùa, nặng như chì, ngu như bò, thẳng ruột ngựa… Phần lớn các thành ngữ có cấu tạo là một cụm tính từ có từ so sánh như.

1.1.3.2 Phân loại thành ngữ

Việc phân loại thành ngữ được tiến hành dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau, do vậy, kết quả phân loại cũng rất khác nhau.

Nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến [12] dựa vào cơ chế cấu tạo đã chia thành ngữ tiếng Việt thành hai loại là thành ngữ so sánh và thành ngữ miêu tả ẩn dụ.

Cũng dựa vào cơ chế cấu tạo, nhưng Nguyễn Thiện Giáp [29] lại chia thành ngữ thành hai loại lớn, đó là thành ngữ hòa kết và thành ngữ hợp kết. Thành ngữ hợp kết được hình thành do sự kết hợp của một thành tố biểu thị thuộc tính chung của đối tượng với các thành tố khác biểu thị thuộc tính riêng của đối tượng. Chẳng hạn, rách như tổ đỉa thì rách

biểu thị thuộc tính chung về tính chất, còn tổ đỉa phản ánh mức độ riêng của thuộc tính đó. Các thành ngữ hòa kết được hình thành trên cơ sở của một ẩn dụ toàn bộ. Chẳng hạn, thành ngữ chó ngáp phải ruồi có nghĩa chung biểu thị sự gặp may như đã nêu. Ý nghĩa của từng yếu tố cấu thành đã hòa lẫn vào nhau để biểu thị một khái niệm mới.

1.2 Khái niệm thành ngữ thuần Việt

Để xác định khái niệm thành ngữ thuần Việt và các tiêu chí nhận diện, chúng tôi bắt đầu từ việc xác định khái niệm từ thuần Việt, bởi lẽ thành ngữ thuần Việt trước hết được cấu tạo từ các từ thuần Việt.

1.2.1 Khái niệm từ thuần Việt

1.2.1.1 Dẫn nhập

Hệ thống từ vựng tiếng Việt là một hệ thống lớn, phức tạp, bao gồm một khối lượng lớn các đơn vị từ vựng cùng các mối quan hệ phức tạp, chằng chịt, đan xen lẫn nhau. Hệ thống này có thể phân chia thành các tiểu hệ thống dựa vào các tiêu chí khác nhau. Xét theo nguồn gốc, chúng ta có thể chia hệ thống từ vựng tiếng Việt thành hai mảng lớn là từ thuần Việt (hay từ bản ngữ) và từ vay mượn (hay từ ngoại lai).

Từ vay mượn là những từ tiếng Việt mượn của các ngôn ngữ khác nhưng cải tạo hình thức ngữ âm và ngữ pháp để phù hợp với hệ thống ngữ âm và ngữ pháp của tiếng Việt. Hiện tượng vay mượn là hiện tượng diễn ra thường xuyên, phổ biến và có tính tất yếu đối với mọi ngôn ngữ. Bởi “cũng như các nền văn hóa, các ngôn ngữ ít khi tự chúng đã đầy đủ”[54]. Thêm vào đó nhu cầu giao lưu trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia đã khiến cho từ của ngôn ngữ này được du nhập vào một ngôn ngữ khác. Có thể khẳng định, không một ngôn ngữ nào mà không sử dụng biện pháp vay mượn và cũng không có một ngôn ngữ nào là “thuần khiết”. Ngay cả các ngôn ngữ được xem là tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga vẫn phải vay mượn của nhau, thậm chí vay mượn của các ngôn ngữ “không tiên tiến” bằng mình để ngày một hoàn thiện thêm năng lực thực hiện các chức năng xã hội của mình. Chẳng hạn, trong vốn từ vựng của tiếng Anh có tới 56% đơn vị từ vựng nước ngoài, trong vốn từ vựng của tiếng Thụy Điển số lượng từ mượn chiếm tới 75%, từ mượn trong tiếng Anbani chiếm 90%, v.v…[54]. Nói như vậy để thấy hiện tượng vay mượn là hiện tượng không thể tránh khỏi và đó cũng là một biện pháp tích cực làm phong phú, giàu đẹp thêm cho các ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Bên cạnh các từ vay mượn, hệ thống từ vựng tiếng Việt còn có những từ cơ bản, biểu thị các sự vật, hiện tượng, tính chất, quan hệ… xuất hiện lâu đời cùng với cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Đó chính là các từ thuần Việt. Lớp từ thuần Việt là cốt lõi của từ vựng tiếng Việt. Nó là chỗ dựa và có vai trò điều khiển, chi phối hoạt động của mọi lớp từ khác.

Ở đây, cần lưu ý khái niệm thuần Việt. Khi nói từ thuần Việt là chúng tôi nhằm đối lập từ thuần Việt với từ không thuần Việt, tức là những từ không phải gốc Việt. Theo Từ điển tiếng Việt, thuần có nghĩa "chỉ một thứ, một loại, không xen lẫn thứ khác, loại khác"

[77,944]. Vậy từ thuần Việt có nghĩa là chỉ bao gồm những từ do người Việt tự sáng tạo ra

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w