Khái niệm biểu trưng

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 132 - 133)

5 .Ý nghĩa của luận án

3.3.2.1 Khái niệm biểu trưng

Theo Từ điển tiếng Việt, biểu trưng có nghĩa là "biểu hiện một cách tượng trưng và tiêu biểu nhất" [77, 80]. Đó là cách người ta lấy một sự vật cụ thể hoặc một tính chất thích hợp để gợi ra, liên tưởng đến một cái trừu tượng nào đó. Chẳng hạn, chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Theo Nguyễn Đức Tồn, "Đó là hiện tượng khá phổ biến và quen thuộc đối với các dân tộc và phản ánh quan niệm "ngây thơ" dân gian của mỗi tộc người đôi khi được cố định hóa trong ngôn ngữ. Khi một sự vật hiện tượng có giá trị biểu trưng thì nó (và kèm theo tên gọi của nó) sẽ gợi lên trong ý thức người bản ngữ sự liên tưởng khá bền vững".[108,404]

Để tạo nên nghĩa biểu trưng hay nghĩa chuyển, người ta đều phải dựa vào quan hệ liên tưởng, có thể là liên tưởng tương đồng (ẩn dụ) hay liên tưởng tương cận (hoán dụ). Tuy nhiên, giữa hiện tượng chuyển nghĩa và nghĩa biểu trưng có sự phân biệt tinh tế ở chỗ: Các nghĩa chuyển thường mang tính cụ thể; còn ý nghĩa biểu trưng mang tính ước lệ, tính quy ước và biểu hiện các hiện tượng khái quát, trừu tượng. Mỗi nghĩa biểu trưng được tạo ra trên cơ sở quan hệ với cái được quy chiếu là quan hệ có lí do. Nói cách khác, nó không hoàn toàn võ đoán. Nó có thể được hình thành dựa trên những đặc điểm tồn tại khách quan ở đối tượng, đồng thời còn có thể dựa trên cả sự gán ghép theo chủ quan của con người. Chẳng hạn, chim bồ câu với đặc tính hiền lành, không hay đánh chọi nhau nên ở hầu hết các dân tộc trên thế giới, chim bồ câu được dùng làm biểu tượng cho hòa bình. Hay cái cân, từ chức năng đo khối lượng, đã được chọn làm biểu tượng cho công lí...Việc tạo nên các nghĩa biểu trưng cũng hoàn toàn mang tính quy ước của từng cộng đồng dân tộc. Theo đó, mỗi dân tộc sẽ có thói quen, tập quán riêng trong việc biểu trưng hóa các sự vật hiện tượng của thế giới hiện thực. Chẳng hạn, cùng biểu trưng cho niềm kiêu hãnh, lòng tự hào dân tộc, người Nga chọn hình ảnh cây sồi; trong khi người Campuchia lại chọn hình ảnh cây thốt nốt. Ngược lại, cùng một hình ảnh, ở các dân tộc khác nhau có thể mang những nghĩa biểu trưng hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, lá dương xỉ biểu trưng cho sự mong muốn có nhiều thành đạt trong năm mới, nhưng ở Nga dương xỉ lại được liên tưởng đến sự chết chóc, nghĩa địa.

Trong hệ thống ngôn ngữ, bộ phận mang ý nghĩa biểu trưng đậm nét nhất chính là các thành ngữ. Như chúng ta biết, nghĩa của thành ngữ không phải là nghĩa đen của các từ ngữ tạo nên mà ngụ ý điều gì đó suy ra từ chúng. Đó là nghĩa bóng hay nghĩa biểu trưng. Nghĩa biểu trưng này được hình thành dựa vào quan hệ tương đồng (ẩn dụ, so sánh) hoặc quan hệ tương cận (hoán dụ). Tính biểu trưng của hình ảnh, của sự vật, sự việc được miêu tả trong thành ngữ, ở những mức độ khác nhau có liên quan đến các hiện tượng trong đời sống xã hội, trong lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Đúng như E.M. Veresagin và V.G. Kostomarov nhận xét: "Các thành ngữ là các đơn vị phản ánh rất rõ sắc thái văn hóa dân tộc thông qua cách biểu đạt bằng ngôn ngữ" [dẫn theo 21, 44]. Mỗi ngôn ngữ sẽ có cách lựa chọn riêng các thành tố để tổ chức thành loại đơn vị có tính hình tượng. Thông qua đó, người ta có thể nhận ra thói quen, tập quán, tâm lí và các hành vi điển hình của một dân tộc.

Dưới đây, chúng ta tiếp tục tìm hiểu kĩ hơn về đặc trưng văn hóa - dân tộc qua việc sử dụng chất liệu để tạo nên ý nghĩa biểu trưng. Chính việc sử dụng các chất liệu biểu trưng sẽ cho thấy rõ dấu ấn riêng biệt của từng nền văn hóa được phản chiếu trong thành ngữ. Đồng thời, trong một số trường hợp, chúng tôi cũng cố gắng so sánh chất liệu biểu trưng trong thành ngữ thuần Việt và thành ngữ của các dân tộc khác. Bởi lẽ, "chỉ có sự tiếp xúc với các nền văn hóa khác, so sánh cái của mình với cái của người khác mới cho phép coi những yếu tố nào đó của một nền văn hóa có địa vị đặc trưng khu biệt" [108].

Do khuôn khổ của luận án có hạn, chúng tôi lựa chọn một số trường hợp biểu trưng tiêu biểu. Đó là việc dùng bộ phận cơ thể, dùng hình ảnh các loài động vật, thực vật, các con số và danh từ riêng để biểu trưng.

Sở dĩ chúng tôi chọn một số nhóm tên gọi trên là vì đây là những tên gọi thuộc lớp từ vựng hạt nhân của mỗi ngôn ngữ. Chúng là lớp từ xuất hiện trước tiên, được người bản ngữ nhận thức sớm hơn các lớp từ khác. Hơn nữa, đây cũng là những lớp từ vựng hàm súc về ý nghĩa, đồng thời có sự sử dụng và biến đổi nghĩa phong phú trong lời nói. Dưới đây, chúng ta tìm hiểu từng trường hợp.

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 132 - 133)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w