5 .Ý nghĩa của luận án
3.2.1.3 Tiêu chí xác định các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa
Vận dụng các kết quả nghiên cứu nói trên vào các đơn vị thành ngữ, chúng tôi nhận thấy rằng để xác định các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa cần dựa vào hai tiêu chí là kết cấu và ý nghĩa.
Xét tiêu chí kết cấu, có hai khả năng: các thành ngữ có thể có kết cấu giống nhau hoặc khác nhau.
Xét ở tiêu chí ý nghĩa, các thành ngữ đồng nghĩa trước hết phải là những thành ngữ có ý nghĩa chung giống nhau.
Kết hợp hai tiêu chí này, chúng tôi nhận thấy có bốn khả năng sau đây: (1) Các thành ngữ có kết cấu giống nhau, ý nghĩa chung giống nhau (2) Các thành ngữ có kết cấu giống nhau, ý nghĩa chung khác nhau (3) Các thành ngữ có kết cấu khác nhau, ý nghĩa chung giống nhau (4) Các thành ngữ có kết cấu khác nhau, ý nghĩa chung khác nhau
Trong 4 khả năng nói trên, có thể loại trừ (2) và (4), còn lại trường hợp (1) và (3).
Trường hợp 1: các thành ngữ có kết cấu giống nhau, ý nghĩa biểu trưng giống nhau. Tính chất giống nhau lại có thể có hai khả năng:
Khả năng thứ nhất, các thành ngữ có kết cấu giống nhau, ý nghĩa biểu trưng giống nhau hoàn toàn. Trường hợp này chính là các biến thể thành ngữ. Như đã phân tích ở trên, các thành ngữ có kết cấu ngữ pháp đồng nhất, ý nghĩa biểu trưng hoàn toàn giống nhau thì đó là các biến thể của thành ngữ. Mặc dù, về kết cấu các thành ngữ biến thể có thể thay đổi hình thức ngữ âm, thay đổi trật tự thành tố cấu tạo hoặc có thể thay thế thành phần cấu tạo, nhưng điều quan trọng là sự thay đổi đó không làm biến đổi ý nghĩa biểu trưng của thành
ngữ. Chẳng hạn, chúng ta có thể so sánh, cơm niêu nước lọ và nước lọ cơm niêu; già đòn non nhẽ và già đòn non lẽ;cao chạy xa bay và xa chạy cao bay, lạy như tế sao - van (vái) như tế sao, nín như thóc - im như thóc...Ý nghĩa chung của các cặp thành ngữ nói trên hầu như không có sự khác biệt, có chăng chỉ khác biệt chút ít về màu sắc phong cách. Như vậy, đây là trường hợp các biến thể của một thành ngữ.
Trong số các trường hợp biến thể của thành ngữ, đáng lưu ý là dạng biến thể thay thế thành tố cấu tạo bằng từ đồng nghĩa. Ví dụ: lạy như tế sao - van (vái) như tế sao, nín
như thóc - im như thóc, nước đổ lá khoai - nước đổ lá môn,... Loại biến thể thành ngữ này dễ nhầm lẫn với đồng nghĩa thành ngữ. Tuy nhiên, xét về ý nghĩa chung, các thành ngữ này không có sự khác biệt nhiều về nghĩa. Theo M.F. Palepskaja: "Các biến thể thành ngữ là các đoản ngữ có cơ sở là cùng một hình ảnh duy nhất không phụ thuộc vào các hình thái biểu hiện của nó"[104]. Trong thành phần của thành ngữ, mỗi từ có thể thay thế bằng một từ đồng nghĩa với nó, vì vậy nên coi những trường hợp như trên là các biến thể thành ngữ.
Khả năng thứ hai, các thành ngữ có kết cấu giống nhau, ý nghĩa biểu trưng giống nhau. Tuy nhiên, tính chất giống nhau về nghĩa giữa các thành ngữ không phải là tuyệt đối, mà có nét khác biệt. Sự khác biệt đó có thể là sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu thái hay màu sắc phong cách. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem xét các ví dụ dưới đây:
Để chỉ hoạt động chạy, tiếng Việt có các thành ngữ chạy như đèn cù, chạy như chó phải pháo, chạy như vịt, chạy long tóc gáy, chạy rống Bái công. Song, ý nghĩa của mỗi thành ngữ là sự cụ thể hóa hoạt động chạy theo những cách thức chạy khác nhau hay tốc độ chạy khác nhau. Chẳng hạn, chạy như đèn cù chỉ hoạt động chạy mang tính chất rối loạn;
chạy như chó phải pháo có cái gì hoang mang, sợ sệt; chạy như vịt chỉ cách chạy nặng nề, chậm chạp; chạy long tóc gáy là chạy vất vả, có cái gì bức thiết; chạy rống Bái công biểu thị tình trạng chạy cuống cuồng, nguy khốn v.v... Như vậy, mặc dù các thành ngữ này có ý nghĩa biểu trưng giống nhau song vẫn có sự khác biệt nhất định về sắc thái ý nghĩa. Sự khác biệt này chính là do hình ảnh so sánh của mỗi thành ngữ mang lại.
Xét về mặt kết cấu, các thành ngữ kể trên đều có cấu trúc so sánh (t như B), nói cách khác, chúng có kết cấu đồng nhất.
Tương tự như vậy, để chỉ trạng thái lúng túng, bối rối, tiếng Việt có các thành ngữ
lúng túng như gà mắc tóc, lúng túng như thợ vụng mất kim, lúng túng như ếch vào xiếc, lúng túng như chó ăn vụng bột. Các thành ngữ kể trên cũng đều có chung một cấu trúc: đó là các thành ngữ so sánh có cấu trúc t như B. Xét về ý nghĩa, các thành ngữ này có ý nghĩa biểu trưng chung là chỉ trạng thái bối rối, lúng túng, tuy vậy, giữa chúng có sự khác nhau về sắc thái ý nghĩa. Lúng túng như gà mắc tóc là trạng thái lúng túng do sa vào nhiều sự việc dồn dập mà không tìm được cách giải quyết; lúng túng như thợ vụng mất kim là nói đến sự lúng túng do chưa có kinh nghiệm, lại mất phương hướng; lúng túng như ếch vào xiếc là trạng thái lúng túng do bị giam hãm trong những tình thế cực kì khó khăn; lúng túng như chó ăn vụng bột là sự lúng túng của những người phạm sai lầm, muốn che giấu lỗi lầm song tang chứng vẫn sờ sờ ra đấy. Như vậy, có thể kết luận đây là những thành ngữ đồng nghĩa. Các thành ngữ này đều miêu tả trạng thái lúng túng nhưng do quan sát trạng thái đó từ nhiều góc độ khác nhau nên người ta đã tạo nên những hình ảnh so sánh khác nhau trong thành ngữ. Điều này khiến cho nghĩa của các thành ngữ này có sự khác biệt rất tinh tế.
Trong số các dạng thức biến thể thành ngữ, dạng biến thể thay thế thành phần cấu tạo bằng các từ ngữ thuộc các trường từ vựng khác nhau rất đáng chú ý. Như đã phân tích, dạng biến thể thành ngữ này có sự dịch chuyển gần đến các thành ngữ đồng nghĩa. Nói cách khác, những thành ngữ ở nhóm này nằm ở lớp trung gian giữa một bên là biến thể thành ngữ và một bên là đồng nghĩa thành ngữ. Theo quan niệm của chúng tôi, có thể coi các thành ngữ trong nhóm này là các thành ngữ đồng nghĩa. Bởi vì, mặc dù, chúng có kết cấu giống nhau nhưng ý nghĩa chung của chúng có sự khác nhau về sắc thái. Cũng là tính chất béo, nhưng béo như bồ sứt cạp là chỉ cái béo quá mức, như sổ ra; béo như con cun cút
lại là béo tròn, béo lẳn; béo như cái cối xay lại chỉ người béo quá, đến mức nặng nề; béo như con trâu trương lại là cái béo quá mức như nứt da nứt thịt. Hay cũng là hoạt động nói,
nói như rót mật vào tai là cách nói rành rọt, ngọt ngào, dễ nghe; nói như ru lại là cách nói nhẹ nhàng, lôi cuốn v.v... Mỗi hoạt động, mỗi trạng thái, tính chất qua sự quan sát tài tình của dân gian lại bao hàm một sự khác biệt rất tinh tế. Sự khác biệt ấy chính là do hình ảnh cơ sở của thành ngữ mang lại.
Một ví dụ khác, nói về mối quan hệ siêu hình giữa các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan, người Việt có các thành ngữ đánh trống động chuông và rút dây động rừng.
thành ngữ lại rất khác nhau. Ý nghĩa cơ bản của chúng là như nhau. Vì vậy, theo chúng tôi, những thành ngữ này cũng là những thành ngữ đồng nghĩa.
Hoặc cõng rắn cắn gà nhà và rước voi về giày mả tổ. Hai thành ngữ này đều có cấu trúc C-V, ý nghĩa chung của chúng là biểu thị hành động phản lại nhân dân, Tổ quốc. Thành phần từ vựng cấu tạo nên các thành ngữ này khác nhau, do vậy tạo nên những hình ảnh biểu trưng khác nhau.
Một ví dụ khác, để biểu thị hành động tùy theo tình hình cụ thể mà giải quyết công việc, chúng ta có các thành ngữ liệu bò đo chuồng, liệu cơm gắp mắm, liệu oản đọc kinh, liệu gió bỏ buồm. Các thành ngữ này đều có thành tố trung tâm là từ liệu, cùng có cấu trúc động ngữ. Nghĩa chung của các thành ngữ này là "tùy theo tình hình, hoàn cảnh cụ thể để giải quyết công việc cho thích hợp". Tuy nhiên mỗi thành ngữ do được nhìn nhận từ những góc độ khác nhau nên sử dụng những hình ảnh biểu trưng khác nhau và do vậy, chúng có sự khác nhau về sắc thái ý nghĩa. Chẳng hạn, liệu bò đo chuồng xuất phát từ sự tính toán của người nông dân, liệu cơm gắp mắm gợi liên tưởng đến sự tính toán, định liệu chi tiêu trong bữa ăn hàng ngày, liệu oản đọc kinh lại có xuất xứ từ cái lo toan định liệu của những người thủ từ, liệu gió bỏ buồm là cái lo toan, định liệu của những người làm nghề lái thuyền trên sông nước.
Như vậy, từ những phân tích trên đây, ta thấy các thành ngữ có kết cấu ngữ pháp đồng nhất nhưng khác nhau về thành phần từ vựng và có ý nghĩa chung giống nhau thì cũng đồng nghĩa với nhau. Các thành ngữ này có sự phân biệt tinh tế với nhau về nghĩa do sử dụng những hình ảnh biểu trưng khác nhau.
Trường hợp 2: Các đơn vị thành ngữ có kết cấu khác nhau nhưng có ý nghĩa chung giống nhau. Trong hệ thống thành ngữ tiếng Việt, có khá nhiều thành ngữ đáp ứng được cả hai điều kiện nói trên. Chẳng hạn:
Để biểu thị tình trạng nhập nhằng, lẫn lộn, không rõ ràng, dứt khoát, tiếng Việt có một loạt thành ngữ với những kết cấu khác nhau:
dở trăng dở đèn ( kết cấu tính ngữ đối xứng)
nửa nạc nửa mỡ (kết cấu danh ngữ đối xứng)
Hay để diễn đạt tình cảnh ngược đời, ngang trái, làm ra đồ vật mà không được dùng, tiếng Việt có hai thành ngữ:
hàng săng chết bó chiếu (kết cấu động ngữ)
thợ rèn không có dao ăn trầu (kết cấu C-V)
Như vậy, các thành ngữ nói trên có ý nghĩa biểu trưng giống nhau, có kết cấu ngữ pháp khác nhau, nghĩa là không đồng nhất. Song ý nghĩa các thành ngữ này được dựa trên 2 hình ảnh biểu trưng khác nhau. Vậy có thể kết luận đây là các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa.
Một ví dụ khác: để chỉ sự may mắn, gặp được nơi sung sướng, tiếng Việt có hai thành ngữ: ngã vào võng đào (kết cấu động ngữ) - chuột sa chĩnh gạo (kết cấu C-V). Tuy nhiên, hai thành ngữ này có sự khác biệt về sắc thái biểu cảm, ngã vào võng đào mang sắc thái trang trọng, lịch sự, trong khi chuột sa chĩnh gạo lại mang sắc thái mỉa mai, châm biếm.
Trong số hai trường hợp thành ngữ đồng nghĩa kể trên, trường hợp thứ hai theo chúng tôi đó là những thành ngữ đồng nghĩa điển hình.
Tóm lại, dựa vào tính đồng nhất và khác biệt của hai tiêu chí kết cấu ngữ pháp và nội dung ý nghĩa, ta có thể xác định được quan hệ đồng nghĩa giữa các thành ngữ.
Về phương diện kết cấu ngữ pháp: đó là tính đồng nhất hay khác biệt về kết cấu ngữ pháp.
Về phương diện ý nghĩa: các thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng giống nhau dựa trên những hình ảnh cơ sở khác nhau. Dựa trên phần nghĩa chung giống nhau, các thành ngữ có thể khác nhau về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hay màu sắc phong cách.
3.2.1.4 Định nghĩa thành ngữ đồng nghĩa
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi đưa ra định nghĩa về hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ như sau:
Các thành ngữ đồng nghĩa là những thành ngữ khác nhau có ý nghĩa biểu trưng cơ bản giống nhau, có kết cấu ngữ pháp khác nhau; hoặc có kết cấu ngữ pháp đồng nhất nhưng có sự thay thế thành phần cấu tạo bằng các từ ngữ thuộc các trường từ vựng - ngữ nghĩa khác nhau, dựa trên những hình ảnh cơ sở khác nhau. Các thành ngữ đồng nghĩa có thể khác nhau về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hoặc khác nhau đồng thời cả hai cái đó.[78]
Ví dụ: Các thành ngữ đồng nghĩa có kết cấu ngữ pháp khác nhau, ý nghĩa cơ bản giống nhau: vắt cổ chày ra nước - rán sành ra mỡ - vắt nước không lọt tay; bán bò tậu ễnh ương - mua trâu bán chả; chết đuối bám cọng rơm - đò nát đụng nhau; chim chích ghẹo bồ nông - đom đóm bắt nạt ma trơi ...
Các thành ngữ có kết cấu đồng nhất, thành phần từ vựng khác nhau, hoặc hình ảnh cơ sở khác nhau, ý nghĩa cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau về sắc thái: vụng hát chê đình tranh - vụng múa chê đất lệch - tháo dạ đổ vạ cho chè; bẩn nhưhủi - bẩn như ma lem - bẩn như trâu đầm; nói như đổ mẻ vào mặt - nói như móc họng - nói như vặt thịt; nhanh như ăn cướp - nhanh như sóc - nhanh như gió - nhanh như chớp - nhanh như điện - nhanh như tên bắn v.v...