Tiêu chí nhận diện

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 37 - 48)

5 .Ý nghĩa của luận án

1.2.1.4 Tiêu chí nhận diện

Theo chúng tôi, để phân biệt từ thuần Việt và từ Hán Việt có thể dựa vào ba tiêu chí ngữ âm, ngữ nghĩa và màu sắc phong cách. Cụ thể như sau:

- Về ngữ âm: Theo tác giả Nguyễn Ngọc San có thể vạch một đường ranh giới ngữ âm giữa âm thuần Việt và âm Hán Việt dựa vào các đặc điểm sau đây:

+ Về âm đầu: Hán Việt không có các âm g, r. Vậy những tiếng nào bắt đầu bằng những phụ âm này thì chắc chắn là những âm thuần Việt.

Các âm tiết không có phụ âm đầu nếu có thanh điệu bổng (là các thanh không, hỏi, sắc) có thể là yếu tố Hán Việt.

Ví dụ: a, á, ả; âm, ấm, ẩm; ung, úng, ủng; ân, ấn ẩn

(Nói có thể có nghĩa là có những vần mang thanh điệu bổng không có phụ âm đầu vẫn không phải là yếu tố Hán Việt).

Các âm tiết có phụ âm đầu ch, gi, kh, x đứng trước các vần có thanh điệu bổng thì có thể là các yếu tố Hán Việt (ngoại lệ xã, xạ).

Ví dụ: chi, chí, chỉ; chung, chúng, chủng; gia, giá, giả; giang, giáng, giảng; kham, khám, khảm; khô, khố, khổ;xi, xí, xỉ;xa, xá, xả

Nếu các phụ âm đầu này đứng trước các vần mang thanh điệu trầm (gồm các thanh huyền, ngã, nặng) thì các âm tiết đó là các yếu tố thuần Việt, ví dụ như: chì, chị, khàn, khạng, xì, xị

Các âm tiết có phụ âm đầu l, m, n, nh, ng, d đứng trước các vần mang thanh điệu không, ngã, nặng thì có thể là yếu tố Hán Việt. Ví dụ: lô, lỗ, lộ; mô, mỗ, mộ; nô, nỗ, nộ; như, nhữ, nhự; ngư, ngữ, ngự; dư, dữ, dự. Có thể khái quát bằng mẹo: mình nên nhớ viết là dấu ngã.

+ Về phần vần:

Theo Nguyễn Đức Tồn [103,85], các vần sau đây chỉ xuất hiện trong tiếng Hán:

Uyên (trừ ngoại lệ nguyền, chuyền, chuyện), ví dụ: duyên, tuyên, quyến…; Uyết, ví dụ: tuyết, tuyệt, thuyết, quyết...; Ưu, ví dụ: cửu, cừu, cứu, bưu, bửu, ngưu…;Uy, ví dụ: tuy, tùy, tủy, quy, quý, quỷ…

Có thể khái quát các tiêu chí này qua câu văn: nguyên quyết cứu nguy. Bất cứ tiếng hoặc từ đơn nào có chứa vần của bốn từ trong câu trên dù có âm đầu hoặc mang thanh điệu nào cũng đều là Hán Việt, trừ một vài ngoại lệ.

Các vần sau đây chỉ có ở tiếng hay từ đơn thuần Việt:

Om, on, ong (trừ trọng), op, ot, oc (trừ trọc, học), oi Im (trừ kim), in (trừ tín), ip, it, iu

Êm, ên, ênh, ếp, ết (trừ kết), ếch, êu Oe (trừ hòe), em, en, eng, ep, et, ec, eo

Ư, ưm, ưn, ưt, ưi; Ươm, ươn, ướp, ước, ướt, ươu, ươi, ưa Ơ ( trừ cơ, sơ, sở, sớ, trở, trợ), ơm, ơn (trừ sơn), ớp, ớt, ơi Âng, ấc, ây (trừ tây, tẩy), au, ay

Ăm, ăp, ăt,

U, um, un, up, ut (trừ bút), ui Ua, uôm, uôn, uông, uôt, uôc, uôi Ôm, ôp, ôt (trừ cốt, đột ngột)

Những căn cứ ngữ âm trên đây là những tiêu chí giúp chúng ta nhận diện và khu biệt được các từ thuần Việt và các từ Hán Việt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những căn cứ này không thể giúp chúng ta phân biệt một cách tuyệt đối, dứt khoát các yếu tố Hán Việt và thuần Việt bởi lẽ “không thể có sự dứt đoạn hoàn toàn và tức thì trong ngôn ngữ” [82,161].

Như chúng ta biết, tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đặc điểm ngữ âm nổi bật của loại hình ngôn ngữ này là âm tiết tính. Từ càng có tính đơn tiết thì càng có tính thuần Việt. Điều này cũng có nghĩa là khi hình thức ngữ âm của một đơn vị vay mượn càng xa ngôn ngữ nguồn, càng mang các đặc điểm điển hình của từ tiếng Việt thì mức độ Việt hóa càng cao. Về điểm này chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Phan Ngọc khi ông cho rằng

“bất kì âm tiết nào có thể hoạt động làm thành từ đơn tiết đều được xem là từ thuần Việt”. [71,5]

- Về ngữ nghĩa: Các từ thuần Việt phần lớn biểu thị những sự vật cụ thể hay những thuộc tính cụ thể của sự vật như bình, bát, buồng, đục, đuốc, mây, mù, mùa…Trong khi các từ Hán Việt mang ý nghĩa trừu tượng, thuộc lớp từ văn hóa, triết học, lịch sử hay văn học…“Tín hiệu thuần Việt mang đầy đủ sự thống nhất giữa âm thanh và khái niệm, còn tín hiệu Hán Việt thì ô khái niệm rất lờ mờ, do đó mà từ Hán Việt trở thành khó hiểu”. [82,164]

Bên cạnh hai tiêu chí nói trên cũng cần chú ý đến giá trị phong cách giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt. Các từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, tao nhã, cổ kính. Trong khi các từ thuần Việt mang sắc thái gần gũi, dân dã, mộc mạc.

Như vậy với ba tiêu chí ngữ âm, ngữ nghĩa và màu sắc phong cách có thể nhận thấy tiêu chí ngữ âm là tiêu chí dễ nhận diện hơn cả. Vì vậy, chúng tôi chủ trương vận dụng triệt để tiêu chí này khi xác định thành ngữ thuần Việt.

Ngoài những tiêu chí kể trên, chúng tôi cũng hết sức lưu ý ý kiến của Phan Ngọc. Đó là, trong thực tế nói năng, người ta không hề quan tâm đến lịch sử của các từ. Anh ta nói và viết là dựa vào cảm thức ngôn ngữ của mình. "Anh ta cảm thấy từ này thuần Việt, từ kia Hán Việt, từ này dễ hiểu, từ kia khó hiểu, từ này nghe sang trọng, từ kia nghe mộc mạc, từ này nghe kêu, từ này ít âm hưởng nghe không kêu..." [71,10]. Có thể nói, chính cảm thức ngôn ngữ của mỗi người là yếu tố quyết định tính thuần Việt hay phi thuần Việt của các từ.

Quan niệm về từ thuần Việt như trên cũng là cơ sở để chúng tôi tiến hành nhận diện các thành ngữ thuần Việt.

1.2.2 Khái niệm thành ngữ thuần Việt

Trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt có một số lượng không nhỏ các thành ngữ vay mượn từ tiếng Hán. Theo Nguyễn Thị Tân, hiện nay tiếng Việt có 2718 đơn vị thành ngữ gốc Hán đang hoạt động. Và đây cũng là loại thành ngữ gốc ngoại chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối so với các thành ngữ gốc ngoại khác. Đặc điểm này do nhiều nguyên nhân đưa lại, trong đó, bề dày lịch sử hàng ngàn năm của quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, văn hóa Hán và

Việt là nguyên nhân quan trọng nhất. Có thể nói các thành ngữ Hán Việt cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần làm phong phú, giàu đẹp thêm cho tiếng nói dân tộc.

Tương tự như khi xác định các từ thuần Việt, để xác định khái niệm thành ngữ thuần Việt, chúng tôi cũng bắt đầu từ việc nhận diện các thành ngữ Hán Việt. Sau đó, bằng thủ pháp loại trừ, chúng tôi sẽ chỉ ra các thành ngữ thuần Việt hay thành ngữ có nguồn gốc Việt.

Nguyễn Văn Tu (1976) nêu hai cách mà thành ngữ tiếng Việt mượn của tiếng Hán. Đó là mượn nguyên văn, ví dụ: cẩn tắc vô ưu, hữu dũng vô mưu, danh chính ngôn thuận và dịch từ tiếng Hán, chẳng hạn đánh trống qua cửa nhà sấm (được dịch từ kích cố lôi môn),

cưỡi ngựa xem hoa (được dịch từ tẩu mã khán hoa) v.v…

Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1978) đã chia các thành ngữ Hán Việt trong tiếng Việt thành hai loại.

- Loại có gốc Hán: Loại thành ngữ này được hình thành thông qua con đường trích từ kinh sử là chủ yếu, và được du nhập vào tiếng Việt từ rất lâu đời. Chúng còn giữ nguyên hình của thành ngữ gốc, như bạo hổ bằng hà, đồng cam cộng khổ, đồng bệnh tương lân, danh chính ngôn thuận…; phần lớn chúng có nghĩa từ nguyên. Một số bị Việt hóa, chẳng hạn khai thiên lập địa có nguồn gốc Hán là khai thiên tịch địa hoặc khẩu tâm như nhất thành khẩu tâm bất nhất

- Loại thành ngữ do người Việt tự tạo lập bằng chữ Hán: loại này xuất hiện thưa thớt trong vốn từ vựng tiếng Việt. Ví dụ: Khai cơ lập nghiệp, thần thông biến hóa, bất khả xâm phạm, biệt vô âm tín, đồng tâm nhất trí

Bùi Khắc Việt (1981) khi bàn về các thành ngữ đối đã chú ý đến trường hợp thành ngữ được dịch từ tiếng Hán và trường hợp thành ngữ gốc Hán được thay đổi một vài yếu tố, chẳng hạn, bới lông tìm vết được dịch từ xuy mao cầu tì, hay cửu tử nhất sinh được đổi thành thập tử nhất sinh.

Nguyễn Văn Mệnh (1986) cũng cho rằng trong quá trình tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Hán, nhiều thành ngữ gốc Hán đã du nhập vào tiếng Việt, chẳng hạn như đồng cam cộng khổ, bách chiến bách thắng, hằng hà sa số… Những thành ngữ này đã được Việt hóa và hoạt động như những thành ngữ Việt.

Đáng chú ý là lần đầu tiên thành ngữ gốc Hán được đặt vấn đề nghiên cứu một cách đầy đủ trong công trình Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán của Nguyễn Văn Khang. Ở đây, tác giả đã nhận diện thành ngữ gốc Hán qua bốn nhóm:

Nhóm 1: Các thành ngữ được dùng nguyên khối cả vỏ ngữ âm Hán Việt, cấu trúc và nội dung ngữ nghĩa vốn có. Ví dụ: an bần lạc đạo, an cư lạc nghiệp, hữu danh vô thực, trí dũng song toàn…

Nhóm 2: Các thành ngữ được chuyển dịch hoàn toàn ra tiếng Việt. Ví dụ: hồng diệp xích thằng / lá thắm chỉ hồng, hải để lao châm/ đáy bể mò kim

Nhóm 3, gồm hai loại:

- Song tồn vừa thành ngữ Hán Việt, vừa thành ngữ chuyển dịch ( toàn bộ hay bộ phận ) ra tiếng Việt. Ví dụ: trầm ngư lạc nhạn / chim sa cá lặn, hữu lí hữu tình / có lí có tình, bách chiến bách thắng / trăm trận trăm thắng,…

- Thay đổi trật tự các yếu tố. Ví dụ: Hà Đông sư tử / sư tử Hà Đông, cùng cốc thâm sơn / thâm sơn cùng cốc, tuyệt sắc giai nhân/ giai nhân tuyệt sắc…

Nhóm 4: là các thành ngữ do người Việt sáng tạo trên cơ sở mượn nội dung từ Hán như cửa Khổng sân Trình, bát cơm phiếu mẫu, nóng như Trương Phi…

Theo tác giả Lê Đình Khẩn, thành ngữ gốc Hán trong tiếng Việt tồn tại dưới ba dạng chính là thành ngữ Hán Việt, thành ngữ sao phỏng và thành ngữ cải biên.Về mặt hình thức, thành ngữ gốc Hán có cấu trúc bốn âm tiết, một số có cấu trúc đối, điệp và so sánh. Về tổ chức ngữ pháp, thành ngữ gốc Hán có thể tồn tại dưới dạng một danh ngữ, một động ngữ hay một tính ngữ. Một số thành ngữ khác các yếu tố có thể có quan hệ đẳng lập... Nghĩa của thành ngữ được hình thành theo hai hướng nghĩa đen và nghĩa bóng.[dẫn theo 88]

Nguyễn Đức Tồn định nghĩa về thành ngữ Hán Việt như sau: “Thành ngữ Hán Việt là những kết hợp từ ngữ cố định được vay mượn nguyên cả khối từ tiếng Hán vào tiếng Việt được đọc theo âm Hán Việt” [103].

Trong một công trình nghiên cứu khá đầy đủ về thành ngữ gốc Hán trong tiếng Việt, Nguyễn Thị Tân đã rút ra khái niệm thành ngữ gốc Hán như sau:

Đó là những thành ngữ Việt có nguồn gốc Hán. Nguồn gốc Hán thường để lại dấu vết trong thành ngữ Việt ở ba phương diện: ngữ âm, hình thái cấu trúc và ngữ nghĩa. Về mặt ngữ âm, có thể nhận diện thành ngữ gốc Hán qua ba loại:

Thứ nhất, tất cả các yếu tố đều có cách đọc Hán Việt, tức đều là yếu tố Hán Việt. Ví dụ: ẩn tích mai danh, thần thông biến hóa, cầm kì thi họa v.v…

Thứ hai, là những thành ngữ ngoài các yếu tố có cách đọc Hán Việt còn có cả yếu tố phi Hán Việt, tức là yếu tố Hán Việt + yếu tố phi Hán Việt. Ví dụ: buôn Sở bán Tần, cõi Thuấn trời Nghiêu, cửa Khổng sân Trình…

Thứ ba, các thành tố đều là phi Hán Việt: thề non hẹn biển (sơn minh thệ hải/ thệ hải minh sơn), chôn tên giấu tiếng (mai danh ẩn tích), đội trời đạp đất (đỉnh thiên lập địa ) v.v…

Về cấu trúc, phần lớn các thành ngữ gốc Hán có bốn âm tiết và được nhận diện qua các dạng sau đây:

Dạng 1: Giữ nguyên cấu trúc như trong đơn vị gốc ( án binh bất động, cải tà quy chính, thao thao bất tuyệt…)

Dạng 2: Thay đổi cấu trúc của đơn vị gốc ( ái ốc cập ô / ái ô cập ốc, túc trí đa mưu/ đa mưu túc trí…)

Dạng 3: Giữ nguyên các yếu tố trong đơn vị gốc. Ví dụ: an bang định quốc, duy ngã độc tôn, tiến thoái lưỡng nan...

Dạng 4: Thay đổi yếu tố của đơn vị gốc (vạn bất đắc dĩ /cùng bất đắc dĩ, chuyển nguy vi an /chuyển nguy thành an, bán sống bán chết / bán sinh bán tử, môi hở răng lạnh / thần vong xỉ hàn, bền gốc sâu rễ / thâm căn cố đế …)

Về nội dung ngữ nghĩa, các thành ngữ gốc Hán cũng mang nghĩa biểu trưng. Nghĩa của thành ngữ là nghĩa tổng thể được khái quát từ nghĩa của các yếu tố cấu tạo. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp mà nghĩa của cả tổ hợp được tạo thành từ nghĩa cụ thể của các yếu tố cấu thành.

Theo chúng tôi, xét về hình thức ngữ âm, chỉ có những thành ngữ thuộc loại thứ nhất (cũng là những thành ngữ thuộc nhóm 1 theo cách phân loại của Nguyễn Văn Khang)

đích thực là những thành ngữ gốc Hán. Đây là những thành ngữ vay mượn mà hình thức của chúng vẫn giữ nguyên khối vỏ ngữ âm Hán Việt, giữ nguyên cấu trúc và nội dung ý nghĩa. Mặc dù các thành ngữ này du nhập vào tiếng Việt đã lâu nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc ngoại lai. Chẳng hạn như an bần lạc đạo, thần thông biến hóa, hữu danh vô thực, cầm kì thi họa,…Về nội dung ngữ nghĩa, nghĩa của những thành ngữ này không biểu thị những nội dung dân dã, đời thường như các thành ngữ thuần Việt mà là những nội dung cao siêu, trọng đại, lớn lao. Mỗi thành ngữ là một sự đúc kết những kinh nghiệm sống ở đời, là một lời răn dạy, chỉ ra sự phải trái, đúng sai.

Bên cạnh những thành ngữ gốc Hán giữ nguyên vỏ ngữ âm, cấu trúc, còn có những thành ngữ giữ nguyên vỏ ngữ âm nhưng có sự thay đổi về cấu trúc. Sự thay đổi đó có thể là đảo trật tự hai vế, chẳng hạn bác cổ thông kim /thông kim bác cổ; túc trí đa mưu/đa mưu túc trí; hoặc thay đổi một yếu tố, chẳng hạn bĩ cực thái lai/bĩ cực thái sinh; sơn hào hải vị/sơn hào hải thố hay nhất lộ bình an/thượng lộ bình an…Đây có thể xem là những biến thể của cùng một thành ngữ gốc Hán.

Loại thành ngữ thứ hai vừa có yếu tố Hán Việt vừa có yếu tố phi Hán Việt. Đây là những thành ngữ thuộc nhóm thứ tư theo cách phân loại của Nguyễn Văn Khang. Quan điểm của chúng tôi về loại thành ngữ này như sau :

Xét về hình thức ngữ âm, các thành ngữ loại này có sự pha trộn, vừa có yếu tố thuần Việt vừa có yếu tố vay mượn. Yếu tố vay mượn ở đây thường có cơ sở nội dung từ tiếng Hán. Đó có thể là tên một nhân vật điển hình được rút từ tích truyện Trung Quốc (nóng như Trương Phi, đa nghi như Tào Tháo, như con Điêu Thuyền…), một địa danh nổi tiếng (kẻ Tấn người Tần, buôn Sở bán Tần, kẻ Việt người Hồ, bể Sở sông Ngô,…), hoặc một đặc điểm tiêu biểu, điển hình của thời đại, của đất nước Trung Hoa (cõi Thuấn trời Nghiêu, thằng Ngô con đĩ…). Tuy vậy, các thành ngữ này lại được cấu tạo theo lối tư duy của người Việt. Xét về nội dung, chúng phản ánh rất rõ lối suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam. Chẳng hạn, thành ngữ như con Điêu Thuyền hàm ý chỉ những người đàn bà điêu ngoa, dùng mĩ nhân kế để thực hiện một âm mưu nào đó. Thành ngữ này có nhắc đến Điêu Thuyền, một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc. Sự ra đời của thành ngữ này gắn với câu chuyện Điêu Thuyền dùng mưu kế giết Đổng Trác và Lã Bố, những kẻ đã giết hại cha mẹ nàng. Nhờ vậy, Điêu Thuyền vừa trả được mối thù riêng vừa tránh cho nước nhà khỏi họa. Tuy nhiên, khi du nhập vào tiếng Việt nội dung ngữ nghĩa nói trên không còn

nữa, thay vào đó thành ngữ này dùng để chỉ những người phụ nữ điêu toa, hay ngồi lê mách lẻo, đặt điều dựng chuyện cho người khác. Phải chăng ở đây có sự liên tưởng đồng âm giữa yếu tố Điêu trong Điêu Thuyền và điêu trong điêu toa, nói điêu của tiếng Việt?

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 37 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w