Các nguồn vay mượn

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 32 - 37)

5 .Ý nghĩa của luận án

1.2.1.2 Các nguồn vay mượn

Tiếng Việt có hai nguồn vay mượn chính là vay mượn từ tiếng Hán và vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn Âu, trong đó vay mượn từ tiếng Hán là chủ yếu, chiếm tới 60% (theo Maspero); tiếp đến là các đơn vị từ vựng mượn từ các ngôn ngữ Ấn Âu, tiêu biểu là tiếng Pháp (khoảng gần 3000 đơn vị), sau đó là các đơn vị từ vựng mượn từ tiếng Anh [54]. Sự vay mượn này có nguyên nhân chủ yếu từ lịch sử và do sự tiếp xúc về văn hóa.

(a) Trước hết ta xét nguồn vay mượn thứ nhất. Có thể nói, quá trình tiếng Việt vay mượn tiếng Hán diễn ra trong một thời gian dài và chịu tác động của rất nhiều các nhân tố (địa lí, chính trị - quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, vấn đề di dân…). Để làm sáng tỏ hệ thống các từ vay mượn tiếng Hán, chúng ta cần làm rõ các khái niệm quan trọng trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ Việt - Hán, đó là cách đọc Hán - Việt, yếu tố gốc Hán, âm Hán - Việt và từ Hán Việt.

Theo quan niệm của Nguyễn Tài Cẩn, cách đọc Hán Việt là cách đọc bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, mà cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào giai đoạn bao gồm khoảng hai thế kỉ VIII và IX. Đó là cách xử lí về ngữ âm mà người Việt dùng để đọc mọi chữ Hán. Nói cách khác, đó là cái vỏ ngữ âm mà người Việt gán cho hệ thống văn tự Hán, bất kể là những chữ gì, có nghĩa hay không có nghĩa trong tiếng Việt. Ví dụ: tuyết, học, cao, chẩm, giá, ma

Khái niệm yếu tố gốc Hán được dùng để chỉ những yếu tố đã được du nhập vào trong tiếng Việt, bất luận đó là những yếu tố như thế nào. Ví dụ: quốc, gia, sơn, thủy, mùa (do vụ mà ra), gần (do cận mà ra), mì chính (do vị tinh mà ra)…

Các yếu tố gốc Hán được chia thành ba khu vực:

Khu vực I: là những chữ Hán có thể đọc Hán Việt được nhưng không liên quan đến tiếng Việt, chẳng hạn: chẩm, giá, ma…

Khu vực II: là những yếu tố người Việt mượn từ tiếng Hán nhưng những yếu tố đó không trực tiếp liên quan đến cách đọc Hán Việt. Ở đây có thể có ba trường hợp:

- Trường hợp mượn trước cách đọc Hán Việt như mùi, mùa, buồng…(1)

- Trường hợp mượn từ đời Đường, cùng một lần với cách đọc Hán - Việt nhưng sau diễn biến theo một con đường khác với cách đọc Hán Việt. Ví dụ: gan, gần, vốn, ván,…(2)

- Trường hợp mượn thông qua một phương ngữ Hán, ví dụ: mì chính, vằn thắn, ca la thầu…(3)

Khu vực III: là những yếu tố cũng thuộc vào loại mượn từ tiếng Hán, nhưng đó là những yếu tố mượn thông qua cách đọc Hán - Việt nên gọi là yếu tố Hán - Việt. Ví dụ:

tuyết, học, quốc, gia, thủy…

Trong số ba trường hợp (1), (2), (3) như đã nêu ở trên, theo chúng tôi, trường hợp (1) và (2) nên được coi là từ thuần Việt bởi những lí do sau đây:

Các từ ở trường hợp (1) đã được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời (trước thế kỉ VIII) nên hiện nay đã hòa lẫn vào vốn từ thuần Việt, rất khó có thể nhận ra màu sắc ngoại lai của chúng. Hơn nữa, về ý nghĩa những từ này gọi tên những sự vật hiện tượng trong sinh hoạt hàng ngày, những hiện tượng xung quanh đời sống của con người Việt Nam. Phần lớn đây là những từ một âm tiết. Cho nên những từ kể trên được xếp vào nhóm từ vựng cơ bản.

Các từ ở trường hợp thứ hai cũng nên được coi là từ thuần Việt bởi lẽ các âm này chỉ có trong tiếng Việt.

Riêng trường hợp thứ ba, vì các từ này màu sắc ngoại lai còn rất rõ (cả về ý nghĩa và khả năng hoạt động độc lập) nên không thể xếp chúng vào nhóm từ thuần Việt.

(b)Ngoài các từ vay mượn tiếng Hán như đã nêu trên, tiếng Việt còn vay mượn từ ngữ của các ngôn ngữ Ấn - Âu, tiêu biểu là tiếng Pháp. Sự vay mượn này có nguyên nhân từ lịch sử. Sau khi chế độ phong kiến Việt Nam kết thúc, nước ta đã chuyển sang chế độ nửa thực dân phong kiến với sự đô hộ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm. Theo sau gót giày xâm lược là văn hóa, là ngôn ngữ. Thực tế, những năm đầu thế kỉ XX, tiếng Pháp đã giữ một vai trò rất quan trọng, nó được dùng làm ngôn ngữ chính thức trong công văn giấy tờ, trong nhà trường. Đây cũng là lí do giải thích vì sao trong kho từ vựng tiếng Việt của chúng ta có đến gần 3000 đơn vị từ vựng tiếng Pháp. Hàng ngày, quanh ta, từ quần áo cho đến căn nhà, phòng ăn, góc bếp, phòng ngủ, đến đường đi, cơ quan…chúng ta đều gặp từ gốc Pháp. Khi trò chuyện chúng ta cũng đều phải sử dụng một vài từ gốc Pháp. Chẳng hạn:

bành tô, com lê, gi lê, ka ki, may ô, len, dạ, sooc, gam, ki lô gam, lít, mét, ban công, bê tông, cà phê, vang, cồn, cà rốt, pho mát,… Điều này cho thấy, các từ gốc Pháp mặc dù dấu ấn ngoại lai còn rõ (hình thức ngữ âm) nhưng ít nhiều đã được Việt hóa. Một số từ được Việt hóa đến mức khó có thể nhận ra màu sắc ngoại lai của chúng, chẳng hạn như săm, lốp, lít, mét, len, dạ, ...

Với các từ gốc Pháp, theo chúng tôi có thể giải quyết như sau:

Những từ nào vốn là từ đơn tiết hoặc đơn tiết hóa thì khả năng nhập vào tiếng Việt rất mạnh. Chúng đã được Việt hóa hoàn toàn, vì vậy có thể xếp chúng vào nhóm từ thuần Việt. Chẳng hạn: xăng, lốp, lít, mét, len, dạ, mút, bạt, phanh, đui, ghi, ray, gác, bốt, băng, ga, kem, bơ, xiếc, phim, bi, bia, vang, cồn…

Đối với những từ đa tiết, đặc biệt là những từ có ba âm tiết trở lên hoặc những từ còn mang tổ hợp phụ âm vốn được mượn thông qua con đường sách vở thì dấu ấn ngoại lai còn rất rõ. Ví dụ: xà phòng, may ô, ki lô, các tông, bê tông, ban công, xích lô, ô tô, ca nô, ti gôn, lay ơn, pho mát, sô cô la, cà rốt, súp lơ, su hào, ki ốt, căng tin,… Vì vậy những từ kể trên không được xếp vào nhóm từ thuần Việt.

1.2.1.3 Khái niệm từ thuần Việt

Về khái niệm từ thuần Việt, hầu hết các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định từ thuần Việt là những từ ra đời từ thời thượng cổ và tồn tại đến tận ngày nay. Đây là lớp từ cơ bản, từ gốc của tiếng Việt và là cơ sở của hệ thống từ vựng tiếng Việt. Từ thuần Việt có số lượng lớn và mang tính dân tộc sâu sắc. Thuộc về lớp từ thuần Việt (hay từ bản ngữ) là

những từ ngữ chỉ số đếm (một, hai, ba, bốn, năm…), những từ chỉ quan hệ gia đình (cha, mẹ, anh, chị, cô, chú, thím…), những từ chỉ bộ phận cơ thể (mặt, mũi, chân, tay, cổ, miệng, …), những từ chỉ hiện tượng tự nhiên (mưa, nắng, gió, sấm chớp,…), những từ chỉ màu sắc cơ bản (xanh, đỏ, tím, vàng, đen,…), những từ chỉ vật dụng trong nhà (giường, chiếu, chum, vại, bát, đĩa, chổi…), chỉ các công cụ lao động đơn giản (cày, cuốc, kim, chỉ…)

Tác giả Nguyễn Văn Tu cho rằng từ thuần Việt là những từ được sử dụng từ thời thượng cổ đến nay. Chúng có quan hệ với vốn từ vựng cơ bản của nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á như tiếng Thái, tiếng Môn Khơ me, v.v…[110]

Nguyễn Thiện Giáp [29,236] quan niệm từ thuần Việt chỉ mang tính tương đối. Ông cho rằng ngoài những từ có thể xác định chắc chắn là tiếng Việt tiếp nhận của tiếng Hán và các ngôn ngữ Ấn - Âu, tất cả những từ còn lại thường được gọi là những từ thuần Việt. Những từ được gọi là từ thuần Việt thường trùng với bộ phận từ vựng gốc của tiếng Việt, chúng biểu thị những sự vật, hiện tượng cơ bản nhất và tồn tại từ rất lâu.

Khảo sát ở phương diện cấu tạo từ, tác giả Phan Ngọc cho rằng “bất kì âm tiết nào có thể hoạt động thành từ đơn tiết đều được xem là từ thuần Việt. Nói khác đi, theo cảm thức ngôn ngữ của người Việt, nghe một từ đơn tiết thì ngay lập tức người Việt cấp cho nó danh hiệu từ thuần Việt, sự phân biệt giữa từ thuần Việt với từ Hán Việt hay ngoại lai chỉ bắt đầu từ từ song tiết trở lên mà thôi”[71,10]. Đặc biệt nhấn mạnh vào đặc điểm loại hình âm tiết tính của tiếng Việt, ông còn cho rằng khái niệm thuần Việt không liên quan đến nguồn gốc của từ mà chỉ liên quan đến hình thức của nó mà thôi.

Các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu trong [12,218] khi xác định từ thuần Việt cho rằng: Về mặt nguồn gốc, cơ sở hình thành của lớp từ thuần Việt là các từ gốc Nam phương, bao gồm cả Nam Á và Tày Thái. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhiều bộ phận, nhiều nhóm của lớp từ thuần Việt có những tương ứng, những quan hệ hết sức phức tạp với nhiều ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ trong vùng. Chẳng hạn: Tương ứng Việt - Mường: vợ, chồng, ông, ăn, uống, cười, bơi, nằm, khát, trốn, gáy, mỏ, mâm, rá, chum, nồi, vại,… Tương ứng Việt - Tày Thái: đường, rẫy, bắt, bóc, buộc, ngắt, gọt, bánh, vắng, mo, méo, vải, mưa, …Tương ứng với các ngôn ngữ nhóm Việt - Mường đồng thời với nhóm Bru - Vân Kiều: trời, trăng, đêm, bụng, ruột, kéo, bốc, ngáy, củi, khô v.v…

Cùng quan điểm với các tác giả trên, Nguyễn Đức Tồn viết: “Từ thuần Việt là những từ thường được hiểu có tính quy ước nhiều hơn là từ đích thực của ngôn ngữ bản địa - những từ gốc Môn - Khmer họ Nam Á - vốn là nguồn gốc của tiếng Việt. Theo cách hiểu này từ thuần Việt là những từ còn lại trong tiếng Việt sau khi đã trừ đi các từ Hán Việt cùng với một số từ gốc Hán khác mà dấu ấn ngoại lai của chúng còn rất rõ như sủi cảo, vằn thắn, tạp pí lù… và những từ châu Âu như tiếng Anh và tiếng Pháp, tiếng Nga". [102,47]

Nhìn từ góc độ vay mượn, tác giả Nguyễn Văn Khang [54,54] đã phân chia hệ thống từ vựng tiếng Việt thành hai mảng lớn là từ bản ngữ và từ vay mượn. Về mặt lí thuyết, có thể hình dung hệ thống từ vựng tiếng Việt sẽ ở thế lưỡng phân: một bên là từ thuần Việt và một bên là từ vay mượn hay từ ngoại lai. Tuy nhiên khái niệm thuần Việt hay Việt (bớt đi chữ thuần) cũng chỉ mang tính tương đối. Chẳng hạn, ở góc nhìn này, vào thời điểm này thì có thể cho các từ này là thuần, là bản ngữ nhưng nếu đứng ở góc nhìn khác hoặc lùi về quá khứ một chút thì chưa chắc. Mặt khác, quá trình hình thành chia tách dân tộc, ngôn ngữ cũng như quá trình hình thành, tiếp xúc giữa các ngôn ngữ cùng hàng loạt các nhân tố như thời gian, không gian, xã hội đã làm cho khó mà chia tách được một cách rạch ròi giữa các từ bản ngữ với không bản ngữ.

Mác đã từng nói “Ngôn ngữ cũng cổ xưa như ý thức vậy”[27,38]. Vì vậy, đặt vấn đề xác định nguồn gốc từ thuần Việt là một vấn đề rất khó có thể thực hiện được. Khái niệm nguồn gốc thuần Việt ở đây cần được hiểu một cách tương đối.

Nếu dựa vào nguồn gốc để xác định khái niệm thuần Việt thì như chúng ta thấy, tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ thuộc họ Nam Á. Họ ngôn ngữ này có địa bàn hoạt động rộng lớn, từ bờ sông Dương Tử (Trung Quốc) cho tới vùng Assam (Mianma), vùng núi và cao nguyên thuộc đất Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia… Về phía nam, địa bàn của họ ngôn ngữ Nam Á lan tỏa tới các bán đảo và đảo giáp với châu Đại Dương. Trong quá trình phát triển, cùng với sự phát triển của các dân tộc và sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ, họ ngôn ngữ này tách thành nhiều dòng, nhiều nhánh khác nhau, trong đó có nhánh Việt - Mường. Do có nguồn gốc từ lâu đời, hơn thế lại có sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ và tiếp xúc giữa các dân tộc, cho nên, trong lớp từ cơ bản của tiếng Việt có sự pha trộn từ vựng của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Có những từ tương ứng với tiếng Mường (vợ, chồng, đàn ông, đàn bàn, ăn, uống, cười, chum, vại, v.v…), có những từ tương ứng với các ngôn ngữ Tày - Thái ( bánh, bắt, bóc, buộc, ngọn, rẫy, vắng …), có những từ tương ứng với các ngôn ngữ

Việt - Mường và Tày - Thái ( bát, bể, cày, dao, gạo, giặt, may, ngà,…), có những từ có sự tương ứng với nhóm Việt - Mường và nhóm Bru ở miền tây Quảng Bình ( bụng, bốc, bớt, củi, cồng, đêm, hòn, hột…), v.v… Những bằng chứng này cho thấy, cội rễ của từ vựng tiếng Việt quả là hết sức phức tạp. Chúng bao gồm nhiều nguồn, nhiều lớp đan xen, chồng chéo lên nhau rất khó xác định. Nói cách khác, tiếng Việt là một ngôn ngữ đa nguồn. “Các nhà ngôn ngữ học ngày càng ngả về xu thế cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ đa nguồn. Vốn từ vựng của nó hình thành từ một cơ tầng bản địa ban đầu, về sau do tiếp xúc với các ngôn ngữ láng giềng mà ngày càng được bổ sung và phong phú dần lên. Đến nay trong vốn từ vựng tiếng Việt hiện đại đã bao gồm nhiều từ thuộc các ngôn ngữ khác nhau.” [54,54]. Chính vì những lẽ trên nên việc xác định một đơn vị từ vựng có phải là thuần Việt hay không chỉ mang tính tương đối. Đơn vị từ vựng này ở thời điểm đang xét có thể là thuần Việt nhưng lùi về quá khứ xa xưa thì có thể nó lại là vay mượn. Khái niệm Việt hay thuần Việt là có giới hạn về mặt lịch sử.

Đối lập với những ý kiến trên đây, tác giả Trần Trí Dõi [19], một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt, cho rằng khái niệm từ thuần Việt cần được quan niệm một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Theo ông, chỉ những từ nào có nguồn gốc Nam Á thì mới đích thực là những từ thuần Việt. Còn những từ tương ứng với những ngôn ngữ khác như Tày - Thái, thậm chí cả những từ vay mượn sau thời Việt - Mường thì không được coi là từ thuần Việt. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để tách được các từ gốc Nam Á và các từ vay mượn, sau đó, đến lượt lớp từ vay mượn lại phải tách thành vay mượn trước thời kì Việt - Mường và sau thời kì Việt -Mường, đến lượt các từ vay mượn sau thời kì Việt - Mường lại tách tiếp thành các lớp vay mượn Nam đảo, vay mượn Thái - Kadai, vay mượn gốc Hán, vay mượn Ấn Âu... Công việc chia tách này là rất phức tạp và cũng khó có thể chia tách một cách triệt để.

Từ những phân tích trên đây, chúng tôi quan niệm từ thuần Việt như sau: từ thuần Việt là những từ được hiểu có tính quy ước nhiều hơn là từ đích thực của ngôn ngữ bản địa - những từ gốc Môn - Khơ me họ Nam Á - vốn là nguồn gốc của tiếng Việt. Theo đó từ thuần Việt là tất cả những từ còn lại trong tiếng Việt sau khi đã trừ đi các từ Hán Việt và các từ gốc Hán khác và các từ vay mượn từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga.

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w