Thành tố văn hó a lịch sử trong ý nghĩa và cấu trúc của các thành ngữ

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 130 - 132)

5 .Ý nghĩa của luận án

3.3Thành tố văn hó a lịch sử trong ý nghĩa và cấu trúc của các thành ngữ

thuần Việt

3.3.1 Sơ lược về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa

Các nhà ngôn ngữ học trên thế giới cũng như trong nước đều thừa nhận giữa ngôn ngữ của một dân tộc và văn hóa của dân tộc đó có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Chúng tồn tại trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Ngôn ngữ vừa là một phương tiện của văn hóa vừa là một hợp phần (nếu không nói là hợp phần quan trọng nhất) của văn hóa. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở văn hóa và văn hóa chứa đựng trong ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ, những giá trị văn hóa, tinh thần, những kinh nghiệm lịch sử - xã hội của một dân tộc được bảo tồn và được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trên thế giới, vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa dân tộc từ lâu đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều nhà ngôn ngữ học. Ở châu Âu có thể kể đến những tên tuổi lớn như W.Humboldt (1767-1835) với luận điểm nổi tiếng "Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc, linh hồn dân tộc là ngôn ngữ" [dẫn theo 104]. Đặc biệt, F.de Saussure (1857-1913), cha đẻ của ngôn ngữ học cấu trúc bước đầu cũng đã chú ý đến mối quan hệ này khi ông viết: "Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng

mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc" [24, 47]. Ở châu Mỹ, dựa vào những kết quả nghiên cứu điền dã ngôn ngữ, Franz Boas (1858-1942) đã chỉ ra rằng có một sự khác biệt rất lớn trong văn hóa và các phạm trù đời sống phản ánh trong văn hóa của họ. Từ đó ông chỉ ra rằng, người ta không thể thực sự hiểu một nền văn hóa nếu không tiếp cận trực tiếp với ngôn ngữ của nền văn hóa ấy. Tiếp tục khơi sâu vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa - tư duy, ông cùng với hai học trò tiêu biểu của mình là E. Sapir (1884-1939) và B. Whorf (1897-1941) đã cho ra đời giả thuyết về tính tương đối của ngôn ngữ [37].

Ở Việt Nam, vấn đề mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi cả thế giới có xu hướng tìm về cội nguồn dân tộc thì vấn đề này lại càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề hết sức thú vị này. Vào năm 1993, các nhà Việt ngữ học đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề "Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa". Trong đó có sự góp mặt của các nhà ngôn ngữ tên tuổi như Nguyễn Lai [54], Trần Ngọc Thêm [92], Nguyễn Đức Tồn [100] v.v... Đáng chú ý hơn cả là bài viết của giáo sư Đỗ Hữu Châu trong [7] khi ông bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam qua tiếng Việt. Tác giả đã khẳng định: "Mỗi từ, ngữ cố định của ngôn ngữ, của tiếng Việt như vậy là một tên gọi của một yếu tố của văn hóa, của văn hóa Việt Nam (...). Mỗi từ, mỗi ngữ cố định tự mình là một yếu tố văn hóa ". Ông cũng chỉ rõ: "Hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ là cuốn Bách khoa thư của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định".[7]

Người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu này phải kể đến Nguyễn Đức Tồn với chuyên khảo Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy. Trên cơ sở khảo sát một số trường và nhóm từ vựng - ngữ nghĩa cơ bản, chuyên khảo đi sâu vào vấn đề đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy tộc người, bao gồm các vấn đề về đặc trưng văn hóa - dân tộc của sự phạm trù hóa và định danh thế giới khách quan, của ngữ nghĩa và tư duy ngôn ngữ ở người Việt. Từ đó, ông đã phát hiện ra rằng giữa tiếng Việt và văn hóa Việt có mối liên hệ nhất định, đó là cách nghĩ, cách tư duy của riêng người Việt.

Có thể nói, đặc trưng văn hóa - dân tộc được thể hiện ở hầu hết các quá trình của ngôn ngữ: trong nghĩa của từ, trong sự phạm trù hóa hiện thực và bức tranh ngôn ngữ về thế giới, trong quá trình định danh. Ở phạm vi nghĩa của các đơn vị từ vựng, đặc trưng văn hóa - dân tộc biểu hiện đậm nét nhất trong ý nghĩa biểu trưng.

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 130 - 132)