5 .Ý nghĩa của luận án
2.3.2.2 Thành ngữ nuôi ong tay áo
Đây là một thành ngữ rất quen thuộc và thông dụng trong tiếng Việt. Tuy vậy để hiểu được thấu đáo gốc tích thành ngữ này thì không phải ai cũng biết.
Phần lớn các từ điển giải thích thành ngữ, tục ngữ đều có cách hiểu thống nhất về thành ngữ này là "nuôi dưỡng, giúp đỡ kẻ xấu, làm hại mình". Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu các thành tố cấu tạo nên thành ngữ này thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng
ong là "con ong", tay áo tức là "ống tay áo, một bộ phận của cái áo". Hiểu theo cách này,
nuôi ong tay áo tức là nuôi con ong trong tay áo, như vậy sẽ có ngày bị ong đốt. Đây là một cách hiểu sai lệch về nguồn gốc của thành ngữ trên. Bởi lẽ, chẳng ai dại dột đến mức nuôi ong trong tay áo của mình.
Thực tế, ong tay áo là một loại ong màu đen. Với những người dân miền núi ở các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên,... đây là một loài ong rất quen thuộc. Ong tay áo thường làm tổ trên cành cây, tổ ong thụng xuống như hình dáng ống tay áo nên được gọi là ong tay áo. Khi ong tay áo không tìm được chỗ làm tổ trên cây, chúng thường chọn những cột gỗ ngoài hiên, ngoài hè để làm tổ. Theo quan niệm xưa, loại ong này làm tổ trong nhà thường mang đến những điều không may mắn cho gia chủ, vì vậy người ta thường hun khói để xua đuổi chúng. Trái với ong tay áo, loại ong vàng thường làm tổ hình tròn như đài sen, trông
rất đẹp. Ong vàng làm tổ trong nhà được coi như một điềm lành, vì vậy, chúng không bị xua đuổi như ong tay áo.
Từ đặc điểm của loài ong tay áo nói trên, người ta quan niệm nuôi con ong tay áo trong vườn nhà tức là nuôi dưỡng mầm họa, nó sẽ mang tai ương đến cho chủ nhà lúc nào không hay. Dựa vào kinh nghiệm này dân gian đúc rút nên thành ngữ nuôi ong tay áo. Sự chuyển nghĩa, từ nghĩa "con ong tay áo" sang nghĩa "(nuôi dưỡng) mầm họa" dựa vào cơ chế liên tưởng tương đồng, tức ẩn dụ.
Gần nghĩa với thành ngữ nuôi ong tay áo, tiếng Việt còn có các thành ngữ nuôi cò cò mổ mắt, nuôi khỉ giữ nhà, nuôi hùm để họa.