5 .Ý nghĩa của luận án
3.2.1.2 Cơ sở xác định
Như đã trình bày, khi định nghĩa về các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ, các nhà ngôn ngữ học Nga đã đạt được sự nhất trí cao. Họ cho rằng các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa với nhau khi chúng biểu thị cùng một ý nghĩa sự vật. Chúng có thể khác biệt nhau về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hay màu sắc phong cách. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để chúng tôi vận dụng vào việc tìm hiểu quan hệ đồng nghĩa của thành ngữ tiếng Việt.
Dưới đây, chúng tôi trình bày thêm ý kiến của M.F. Palépskaja về hiện tượng đồng nghĩa ngữ pháp. Những quan điểm của bà về vấn đề này cũng là cơ sở quan trọng để chúng tôi vận dụng khi tìm hiểu các hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ và biến thể thành ngữ.
Trước hết, M.F. Palépskaja đã phân biệt các khái niệm đồng nhất cú pháp và biến thể cú pháp. Bà chỉ ra rằng, các kết cấu cú pháp có sự khác nhau về các yếu tố từ vựng (chẳng hạn tôi đứng gần bàn/ tôi đứng cạnh bàn/ tôi đứng bên bàn) được coi là những
mệt mỏi vì đi bộ và đã bị mệt mỏi bởi đi bộ) mà biểu hiện cùng một nội dung thì đó là những biến thể cú pháp.
Bên cạnh việc phân biệt khái niệm đồng nhất cú pháp và biến thể cú pháp, bà cũng nêu rõ quan điểm của mình về hiện tượng đồng nghĩa ngữ pháp. Bà định nghĩa như sau: "nếu như các kết cấu cú pháp được dùng để biểu hiện cùng một nội dung mà giữa chúng được biểu hiện ở sự khác biệt có sự phân biệt sâu sắc về cấu trúc (...), thì các kết cấu cú pháp như thế cần được coi là các đơn vị đồng nghĩa cú pháp. Các đơn vị đồng nghĩa cú pháp khác nhau về cấu trúc và không thể quy vào một sơ đồ duy nhất". [104,128]
Có thể nói, các quan hệ đồng nghĩa xuyên suốt toàn bộ cơ cấu ngữ pháp của ngôn ngữ. Nó có thể xảy ra giữa các kiểu từ tổ khác nhau, giữa các cách thức biểu hiện vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ, các trạng ngữ khác nhau, giữa các phương tiện biểu hiện khác nhau của sự so sánh, giữa các đoản ngữ chủ động và bị động, giữa câu đầy đủ và không đầy đủ, giữa câu nhân xưng và vô nhân xưng, giữa kết cấu lời nói trực tiếp và lời nói gián tiếp, giữa câu có đoản ngữ phụ thuộc và có đoản ngữ biệt lập.
Mặc dù, hiện tượng đồng nghĩa ngữ pháp là hiện tượng rất phức tạp và đa diện song, theo M.F. Palépskaja sự đa dạng đó vẫn có thể quy về một số nét chung nhất định. Những nét chung này là sự đồng nhất của địa vị ngữ pháp và sự biến thể của các cách thức biểu hiện cùng một nội dung. Bà nhấn mạnh, điều kiện để xác lập các quan hệ đồng nghĩa giữa các kết cấu cú pháp là chúng phải đồng nhất về địa vị ngữ pháp. Và khi sự đồng nhất về địa vị ngữ pháp bị phá vỡ thì tính đồng nghĩa của các kết cấu này cũng bị phá vỡ.
Ngoài sự đồng nhất về địa vị ngữ pháp, các kết cấu đồng nghĩa còn thống nhất bởi tính chất chung về chức năng cú pháp và tính chất chung của nội dung. Tuy nhiên, chúng có thể biến đổi về màu sắc phong cách, có thể tăng cường sắc thái nào đó của ý nghĩa. Đây chính là lí do biện hộ về sự tồn tại song song của các kết cấu đồng nghĩa trong ngôn ngữ.
Tóm lại, tất cả những điều trình bày nói trên của M.F. Palépskaja về hiện tượng đồng nghĩa cú pháp có thể khái quát hóa bằng một định nghĩa như sau: "Các đơn vị đồng nghĩa cú pháp - là những kết cấu khác loại về mặt cấu trúc mà vẫn giữ địa vị ngữ pháp đồng nhất, biểu hiện cùng một nội dung ý nghĩa thông báo và khác nhau bởi những sắc thái của ý nghĩa vốn được tạo ra do sự biến đổi của ý nghĩa ngữ pháp" [104,133].
Từ những kết quả nghiên cứu nói trên, ta nhận thấy rằng các kết cấu ngữ pháp chỉ đồng nghĩa với nhau khi chúng thỏa mãn hai điều kiện. Một là, chúng phải khác nhau về cấu trúc, có địa vị ngữ pháp đồng nhất; hai là, chúng biểu hiện cùng một nội dung thông báo. Tuy nhiên, chúng có thể khác nhau về màu sắc phong cách hay sắc thái ý nghĩa.
Dựa trên những thành tựu nghiên cứu về đồng nghĩa ngữ pháp trên đây, dưới đây chúng tôi tiếp tục bàn bạc sâu hơn về hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ trong tiếng Việt.