Thành ngữ phản ánh đặc tính sinh học của các loài động thực vật

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 60 - 63)

5 .Ý nghĩa của luận án

2.2.1.2 Thành ngữ phản ánh đặc tính sinh học của các loài động thực vật

Do đặc điểm là nước nông nghiệp nên những con vật gần gũi, quen thuộc trong đời sống hàng ngày đối với mỗi người dân Việt Nam đều trở thành nguồn ngữ liệu cấu tạo nên thành ngữ. Dựa vào đặc điểm, tập tính của các loài động vật, bằng sự liên tưởng chuyển nghĩa, cha ông ta đã khái quát nên rất nhiều thành ngữ. Theo thống kê của chúng tôi, trong tiếng Việt có tới hơn 500 thành ngữ có chứa yếu tố chỉ động vật. Có thể nói, đây cũng là những thành ngữ thuần Việt điển hình.

Các loài động vật được đưa vào thành ngữ thường là chim, cá, rắn rết, sâu bọ, các con vật nuôi như chó, mèo, trâu, ngựa, lợn, gà, voi, v.v... Nói chung đó là những loài động vật gắn bó với cuộc sống sinh hoạt và lao động hàng ngày của người Việt.

Chẳng hạn, thành ngữ thẳng ruột ngựa: Dựa vào đặc điểm nội tạng của loài ngựa là có ruột thẳng chứ không cuộn gấp khúc như ở người và các loài động vật khác, mặt khác người Việt lại lấy các bộ phận nội tạng để biểu trưng cho tình cảm, tâm tư, suy nghĩ, nhận thức của con người, nên ruột ngựa được người Việt dùng ví với tính người quá thật thà, có sao nói vậy, không giấu giếm, kể cả điều lẽ ra không nên nói.

Một ví dụ khác, thành ngữ nuôi ong tay áo. Thành ngữ này thường được hiểu là nuôi dưỡng, cưu mang những kẻ làm hại mình. Nhưng ít ai biết được rằng thành ngữ nuôi ong tay áo xuất phát từ đặc điểm của loài ong có tên gọi là "ong tay áo". Ong tay áo là một loại ong có màu đen, thường làm tổ trên cây, tổ ong thụng xuống như hình dáng của cái tay áo nên loài ong này được gọi tên như vậy. Khi ong tay áo không tìm được chỗ làm tổ trên cây thì thường chọn những cột gỗ ngoài hiên, ngoài hè làm tổ. Theo quan niệm xưa, khi loài ong này làm tổ trong nhà thường mang lại những điều không may mắn cho gia chủ. Hơn nữa, ong tay áo đốt rất đau và buốt. Vì vậy người ta thường hun khói để xua đuổi chúng đi. Từ những đặc tính kể trên, ong tay áo được dùng để biểu trưng cho những kẻ được người khác che chở, giúp đỡ nhưng lại làm hại chính họ. Sự chuyển nghĩa này được thực hiện theo con đường ẩn dụ.

Cũng tương tự như vậy, đặc tính mềm yếu, nhũn nát của con chi chi (một loài cá nhỏ) khi vớt lên khỏi mặt nước là cơ sở ra đời thành ngữ nhũn như con chi chi. Từ thuộc tính vật lí của con vật (tính chất nhũn), người Việt đã lấy đó làm đối chứng cho tính cách nhũn nhặn của con người. Lối bò ngang của con cua là cơ sở hình thành thành ngữ ngang như cua. Dựa vào tập tính của loài cáy hễ thấy động là chạy biến vào hang mà dân gian khái quát nên thành ngữ dát như cáy. Dáng vẻ co ro, ốm yếu, khẳng khiu gầy guộc của chú cò bợ là hình ảnh tạo nên thành ngữ lử cò bợ. Đặc tính nhút nhát, hễ trông thấy người là run lên bần bật của con cầy sấy là cơ sở của thành ngữ run như cầy sấy. Từ việc quan sát tập tính sống thành bầy đàn của trâu rừng, trong đó con đầu đàn có nhiệm vụ bảo vệ cả đàn mà cha ông ta tạo nên thành ngữ sẩy đàn tan nghé, v.v...

Một số ví dụ về các thành ngữ tương tự khác: mất hút con mẹ hàng lươn, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, chuồn chuồn đạp nước, cái tổ con chuồn chuồn, len lét như rắn mồng năm, đười ươi giữ ống, miệng hùm gan sứa, đầu cua tai nheo, nước mắt cá sấu, đắt như tôm tươi, te tái như gà mái nhảy ổ, mặt rỗ như tổ ong, cổ ngẳng như cổ cò, nhăn như chuột kẹp, cá vàng bụng bọ, ngang như cua, giãy nảy như đỉa phải vôi, xác như vờ, xơ như nhộng, rối như gà mắc đẻ, giấu như mèo giấu cứt, dại như vích, dai như đỉa, mèo già hóa cáo, già cốc đế, khỏe như vâm v.v …

Bên cạnh động vật, các loài thực vật với những đặc tính điển hình của chúng cũng trở thành chất liệu để tạo nên thành ngữ. Thành ngữ ngang cành bứa là một ví dụ. Bứa là loại cây to cùng họ với măng cụt, cành ngang, quả màu vàng, quanh hạt có cùi ngọt ăn được. Từ đặc điểm điển hình cành mọc nằm ngang của cây bứa, con người đã liên tưởng đến tính ngang ngạnh, bướng bỉnh trong tính cách của một kiểu người nhất định. Sự biến đổi về nghĩa, từ đặc điểm của một loài thực vật sang biểu thị tính cách con người ở đây được thực hiện theo phương thức ẩn dụ.

Tương tự như vậy, thành ngữ rách như tổ đỉa cũng được hình thành từ đặc điểm sinh học của loài cây tổ đỉa. Loài cây này thường mọc sát bờ nước, lá của cây trông có vẻ xác xơ, lỗ chỗ. Từ đặc điểm này con người liên tưởng đến sự rách nát, lỗ chỗ, tớp túa của một số đồ vật như vải vóc, quần áo. Hay, thành ngữ ra môn ra khoai có nhắc đến tên hai loại thực vật là môn và khoai. Từ hai loại thực vật có nhiều điểm giống nhau này, cha ông ta đã dùng chúng để biểu trưng cho ý: làm cho rõ ràng, cho rành mạch, không nhập nhằng, không lẫn lộn, cái nào ra cái ấy. Ý nghĩa này được hình thành bằng con đường liên tưởng tương đồng.

Một số thành ngữ tương tự khác: đen như củ súng, tươi như hoa, lòng vả cũng như lòng sung, đỏ như gấc, đỏ như hoa vông, đỏ như quả bồ quân, đỏ như râu ngô, trong giá trắng ngần, trắng như ngó cần, trắng như bông, rối như canh hẹ, rách như xơ mướp, rẻ như bèo, rối như tơ vò, rành rành như canh nấu hẹ, bầu leo bí cũng leo, húng mọc tía tô cũng mọc, chát như sung, đen như củ tam thất, xanh như tàu lá, im như thóc trầm ba mùa, tre già măng mọcv.v…

Nhìn chung, các thành ngữ thuộc nhóm này phản ánh rõ cách nhìn nhận, quan sát, đánh giá của người Việt về tập tính của các loài động thực vật, từ đó tạo nên các thành ngữ.

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w